Biển Đông: Mỹ, Trung Quốc không thể tránh khỏi xung đột quân sự?

VietTimes -- Mỹ cần có sức mạnh chiến đấu đáng tin cậy để răn đe những tham vọng quân sự hóa và hành vi sai lệch của Trung Quốc. Mỹ cũng cần tăng cường lợi thế hải quân bằng cách xây dựng nhiều tàu ngầm tấn công hơn và khai thác lợi thế mà Trung Quốc không sánh kịp bằng cách triển khai chúng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Tàu ngầm tấn công lớp Virginia của hải quân Mỹ
Tàu ngầm tấn công lớp Virginia của hải quân Mỹ

Tuần này Tổng thống Obama đang thực hiện chuyến công du cuối cùng tới châu Á. Trong khi cuộc bầu cử Tổng thống đang diễn ra sôi nổi ở nước Mỹ  thì đây là thời điểm rất thích hợp để phản ảnh chính sách đối ngoại của Obama và suy nghĩ về những điều sắp xảy tới.

Một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của vị Tổng thống tiếp theo sẽ phải là buộc Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế. Nếu không, Mỹ sẽ phải đối mặt với cuộc xung đột hải quân khi quân đội Mỹ giảm quy mô (do cắt giảm ngân sách quốc phòng).

Ngày 12/7, tòa trọng tài quốc tế The Hague ra phán quyết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý. Cũng trong hôm đó, Trung Quốc đã hạ cánh máy bay dân sự xuống hai trong ba bãi đá (đá Subi và đá Vành Khăn) mà Trung Quốc đã bồi lấp trái phép, biến thành các hòn đảo vũ trang và xây dựng ba đường băng trên quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) nằm cách Trung Quốc tới 600 dặm.

Mặc dù năm 2015 ông Tập Cận Bình từng tuyên bố rằng các đảo nhân tạo sẽ không bị quân sự hóa, việc tiếp tục xây dựng các nhà chứa máy bay đã thể hiện ý định của Trung Quốc nhằm triển khai máy bay chiến đấu tới các đảo này. Chương trình minh bạch hàng hải châu Á của CSIS đã phác thảo cho thấy các đảo này sẽ trông như thế nào khi máy bay của lực lượng không quân Trung Quốc triển khai tại đây.

Phản ứng của chính quyền ông Obama với phán quyết trọng tài hoàn toàn lờ đi đặc tính quân sự trong các hoạt động của Trung Quốc gần đây trên Biển Đông: “Phán quyết của tòa án là một đóng góp quan trọng tới mục tiêu chung về một giải pháp hòa bình tới những tranh chấp trên Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho hay. Ông Kirby hoàn toàn đúng khi cho rằng Trung Quốc muốn một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp đảo tại đây. Trung Quốc cũng muốn giải quyết vấn đề bằng đe dọa hơn là sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, tuyên bố của ông Kirby lại hoàn toàn phù hợp với chính sách lâu dài của Mỹ.

Đá Chữ Thập sau khi được cải tạo thành đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất Trường Sa với một đường băng dài 3km và các nhà chứa máy bay
Đá Chữ Thập sau khi bị Trung Quốc cải tạo phi pháp thành đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất Trường Sa với một đường băng dài 3km và các nhà chứa máy bay

Kể từ thời tổng thống Reagan, chính sách của Mỹ đã tìm cách khiến Trung Quốc trở thành một bên liên quan trong trật tự quốc tế tự do. Điều này có nghĩa rằng Trung Quốc sẽ có chân trong các đặc điểm của hệ thống hiện tại như tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, tôn trọng các hiệp ước quốc tế mà nước này đã phê chuẩn, tôn trọng luật pháp cũng như chủ quyền của các nước khác.

Để khuyến khích các nhà cầm quyền Trung Quốc nhận diện lợi ích quốc gia với lợi ích của trật tự quốc tế, các lãnh đạo cao cấp của cả hai nước đã gặp mặt thường xuyên kể từ thời tổng thống Nixon. Với sự ủng hộ của Mỹ, Trung Quốc đã tham gia vào Tổ chức thương mại thế giới WTO năm 2001. Năm 2016, hải quân Trung Quốc tham gia vào cuộc tập trận hải quân lần thứ hai do Mỹ tiến hành với các nước trong Vành đai Thái Bình Dương. Danh sách các đề nghị đàm phán của Mỹ là một danh sách rất dài.

Quan điểm của Trung Quốc về quan hệ với các nước khác được gói gọn trong tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì nói với các lãnh đạo cao cấp các nước châu Á khác trong Hội nghị năm 2010 ở Hà Nội khi chủ đề yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông được đưa ra rằng: “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là những nước nhỏ. Đó là thực tế”.

Chủ nghĩa ngoại lệ của Trung Quốc củng cố cho lời khẳng định thẳng thừng của ông Dương Khiết Trì. Đặc tính của Trung Quốc đã trở nên phổ biến trong ngôn ngữ quốc tế. Báo chí và các ấn phẩm học thuật đã đưa ra một ‘trật tự toàn cầu với các đặc tính Trung Quốc’. Các trợ cấp nước ngoài, luật môi trường, thỏa thuận hạt nhân và tập quán thương mại kể trên. Danh sách các tập quán quốc tế với bản sắc Trung Quốc được chấp thuận rất dài, cho thấy chủ nghĩa ngoại lệ của Trung Quốc không nằm trong sự tuân thủ các nguyên tắc, luật pháp lẫn các quy tắc ứng xử quốc tế được công nhận mà nằm ở sự thực hiện sai lệch những điều này.

Chính sách của Mỹ với Trung Quốc đã thất bại hoàn toàn. Hành động của Trung Quốc cho thấy nước này coi Mỹ là một đối thủ cạnh tranh chiến lược. Mỹ đã chọn cách coi Trung Quốc là một thị trường lớn có thể thuyết phục tham gia cùng Mỹ như là người bảo vệ an ninh và ổn định kinh tế quốc tế. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ hy vọng rằng khối lượng thương mại lớn giữa Mỹ và Trung Quốc và các tiến triển trong quan hệ kinh tế trước đây sẽ khiến các nhà cầm quyền Trung Quốc xem xét lại và hành động giống Mỹ hơn. Nhưng các biểu hiện thực tế của Trung Quốc lại không ủng hộ cho hy vọng này.

Chính quyền sắp tới của Mỹ cần phải hiểu rằng số phận của Mỹ là một cường quốc không thể tách rời vai trò là một cường quốc ở Thái Bình Dương. Điều này không đồng nghĩa với các chính sách hung hăng hay đối đầu quân sự mà là hoạt động ngoại giao tích cực với các nước khác xung quanh Trung Quốc, những quốc gia lo sợ một nước Trung Quốc bá quyền hơn ai hết.

Điều này cũng có nghĩa là Mỹ cần có sức mạnh chiến đấu đáng tin cậy để răn đe những tham vọng quân sự hóa và hành vi sai lệch của Trung Quốc. Sức mạnh của Mỹ bao gồm hoạt động tự do hàng hải thường xuyên và đáng tin cậy của hải quân Mỹ trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông. Không kém phần quan trọng, Mỹ cũng cần tăng cường lợi thế hải quân so với Trung Quốc bằng cách xây dựng nhiều tàu ngầm tấn công hơn và khai thác lợi thế mà Trung Quốc không sánh kịp bằng cách triển khai chúng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Chiến đấu cơ trên tàu sân bay Mỹ
Chiến đấu cơ trên tàu sân bay Mỹ
Máy bay không người lái Global Hawk của Mỹ
Máy bay không người lái Global Hawk của Mỹ
Quân đội Mỹ và Nhật Bản tập trận chung
Quân đội Mỹ và Nhật Bản tập trận chung

Hiện nay, chính quyền Mỹ hiện tại áp dụng “sự kiên nhẫn chiến lược” để điều khiển chính sách của Mỹ với Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, chiến lược lâu dài hơn là xây dựng phi pháp nhiều đảo nhân tạo hơn, nhiều đụng độ với các nước láng giềng hơn ở biển Đông và biển Hoa Đông, các hạm đội lớn hơn và có khả năng kỹ thuật cao hơn và ngày càng tỏ ra quyết đoán trong việc thách thức sức mạnh biển của Mỹ.

Ngày 6-7/8 vừa rồi, Trung Quốc đã điều 18 tàu hải cảnh hộ tống 350 tàu cá đến vùng tiếp giáp lãnh hải quanh quần đảo Senkaku mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. 100 tàu đánh cá khác cũng hoạt đồng gần  khu vực này và nằm trong vùng thềm lục địa của Nhật Bản.

Trung Quốc không tôn trọng luật quốc tế. Nhật và Mỹ đã không làm gì để giải quyết khác biệt cơ bản này và khả năng đang tăng lên từng ngày rằng các lợi ích trái ngược ngày càng tăng có thể dẫn đến các tai nạn hoặc thù địch. Mỹ nên thay đổi chính sách của mình với Trung Quốc để thay vì thuyết phục các lãnh đạo Trung Quốc hành động giống Mỹ hơn, mục tiêu của Mỹ nên là thuyết phục Trung Quốc thông qua ngoại giao, sức mạnh quân sự và sự hiện diện ngày càng tăng.

* Lượt thuật bài viết của tác giả Seth Cropsey - thành viên cao cấp tại Viện Hudson và giám đốc tại Trung tâm sức mạnh biển Mỹ. Ông từng là một sỹ quan hải quân phục vụ chính quyền các tổng thống Ronald Reagan và George H.W. Bush.