Biển Đông: Mỹ có thể sử dụng căn cứ ở Trường Sa, Đài Loan muốn vứt bỏ “đường lưỡi bò“

VietTimes -- Bà Thái Anh Văn muốn được bảo đảm an ninh từ Mỹ nên phải tính toán làm sao phù hợp với chính sách Biển Đông của Mỹ. Đặc biệt, có thông tin nói bà Thái Anh Văn có thể mở rộng cửa cho Mỹ sử dụng căn cứ quân sự tại đảo Ba Bình, giúp Mỹ đẩy mạnh chiến lược “tái cân bằng châu Á” từ Biển Đông.
Đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm đóng trái phép ở Biển Đông
Đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm đóng trái phép ở Biển Đông

Bà Thái Anh Văn lên cầm quyền Đài Loan đã gần ba tháng (từ 20/5), công việc quan trọng nhất mà bà phải xử lý là quan hệ giữa hai bờ và vấn đề Biển Đông. Sau phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế The Hague về chủ quyền Biển Đông, nhà lãnh đạo Đài Loan này từng lên tiếng “không thừa nhận phán quyết của Tòa Trọng tài”. Liệu tuyên bố này có đồng nghĩa bà Thái Anh Văn sẽ theo quan điểm hoang tưởng của Trung Quốc đại lục về Biển Đông hay không?

Ngày 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế The Hague chính thức công bố kết quả việc Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Biển Đông bác bỏ hoàn toàn yêu sách hoang tưởng của Trung Quốc, đến ngày 19/7 thì Đài Loan đưa ra 5 quan điểm về vấn đề Biển Đông, nhưng ngày 21/7 bà Thái Anh Văn lần đầu có tuyên bố kể từ khi lên nhậm chức rằng không thừa nhận “Nhận thức chung 1992”. Như vậy, nếu theo đuổi con đường “Đài Loan độc lập” thì chính sách về Biển Đông của Đài Loan như thế nào?

Mới đây, hai chuyên gia Trần Tương Sao và Trương Thư thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc đã có bài phân tích đăng trên tờ “Liên hợp tảo báo” của Singapore, theo đó cho rằng bà Thái Anh Văn sẽ theo đuổi chính sách “thoát Trung” trong vấn đề Biển Đông.

Vứt bỏ “đường chín đoạn”, độc lập với Trung Quốc

Hai tác giả nhận định, chính sách Biển Đông của đảng Dân tiến trong lịch sử là từng bước giảm bớt căng thẳng vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, tiến đến tách khỏi chủ trương về Biển Đông của Trung Quốc đại lục, dùng chủ trương độc lập trong vấn đề chính sách Biển Đông để hỗ trợ cho con đường Đài Loan độc lập. Đảng Dân tiến lần đầu lên cầm quyền Đài Loan vào năm 2000, khi đó ông Trần Thủy Biển đã tiếp tục kế thừa chính sách Biển Đông của ông Lý Đăng Huy.

Chính sách trong vấn đề Biển Đông của ông Trần Thủy Biển quy về ba điểm: Một là từ bỏ hoàn toàn chủ trương “đường chín đoạn” trong vấn đề Biển Đông của Quốc dân đảng. Sau khi kế thừa tinh thần của ông Lý Đăng Huy dùng cảnh sát tuần tra biển thay cho quân đội trấn giữ đảo (đồn trú trái phép) ở Biển Đông. Đến năm 2003 thì ông Trần Thủy Biển từ bỏ “Cương lĩnh chính sách Biển Đông” ban hành năm 1993, đã lên tiếng công khai vứt bỏ “chủ trương “đường chín đoạn” trong vấn đề Biển Đông của Quốc dân đảng”.

Lính Đài Loan đồn trú trái phép trên đảo Ba Bình ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Lính Đài Loan đồn trú trái phép trên đảo Ba Bình ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Lính Đài Loan đồn trú trái phép ở Ba Bình
Lính Đài Loan đồn trú trái phép ở Ba Bình

Hai là đưa chủ trương Biển Đông của Đài Loan lùi lại đảo Đông Sa và Ba Bình (Đài Loan chiếm đóng trái phép). Đặc biệt, trong thực hiện chính sách cụ thể, chủ trương Biển Đông của chính quyền ông Trần Thủy Biển hạn chế ở đảo Đông Sa và Ba Bình, và cho rằng Hoàng Sa và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield) là “thủy vực nước ngoài”.

Ba là yêu cầu Trung Quốc đại lục thông qua con đường đàm phán song phương giải quyết tranh chấp Biển Đông, ông Trần Thủy Biển chủ trương “con đường pháp luật” giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, không muốn theo chủ trương của Trung Quốc.

Bốn là nhấn mạnh Đài Loan cần có vai trò độc lập và bình đẳng tham gia đàm phán đa phương trong “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” và “Quy tắc hành động ở Biển Đông”.

Bà Thái Anh Văn muốn nhượng bộ, kết thân Đông Nam Á

Theo hai tác giả, chính sách của bà Thái Anh Văn trong vấn đề Biển Đông có thể quy về 5 điểm: một là không thừa nhận kết quả phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế The Hague về Biển Đông; hai là Đài Loan muốn tham gia cơ chế giải quyết đa phương trong hòa bình; ba là chủ trương dựa vào “Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển”; bốn là chủ trương các bên liên quan có nghĩa vụ tôn trọng tự do hàng hải tại vùng Biển Đông; năm là công khai lên tiếng không chấp nhận nếu Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông, cho rằng hành động này sẽ làm cho tình hình khu vực căng thẳng leo thang.

Tổng kết lại hành động của bà Thái Anh Văn trong vấn đề Biển Đông cho thấy, tuy bà cho tàu chiến đi tuần tra Biển Đông để khẳng định vai trò quyền lợi, nhưng về chính sách tổng thể là “nhượng bộ”, thể hiện đặc điểm “rõ ràng” trong “mơ hồ” và “hư hư thực thực”.

Một mặt, bà Thái Anh Văn cố ý “mơ hồ” trong việc xử lý chủ trương đường chín đoạn tại Biển Đông thời Quốc dân đảng. So sánh với thái độ rõ ràng thời ông Mã Anh Cửu trong thì thái độ của bà Thái Anh Văn hư hư thực thực. Đồng thời, theo truyền thông Đài Loan đưa tin, bà Thái Anh Văn muốn né tránh nhắc đến chủ trương đường chín đoạn tại Biển Đông và vấn đề quyền lợi lịch sử, không  muốn Đài Loan bị cuốn vào quan điểm “đường chín đoạn” trong vấn đề Biển Đông.

Mặt khác, những động thái của bà Thái Anh Văn đối với vấn đề Biển Đông không khó để nhận thấy, đằng sau quan điểm “mơ hồ” ẩn chứa hàm ý Đài Loan độc lập rất rõ ràng. Một là bà Thái Anh Văn muốn theo “đường cũ” của thời ông Lý Đăng Huy và Trần Thủy Biển, muốn xử lý “khác biệt” với Trung Quốc đại lục

Nữ tổng thống Thái Anh Văn muốn thoát Trung về vấn đề Biển Đông và phát triển Đài Loan độc lập với Trung Quốc
Nữ tổng thống Thái Anh Văn muốn thoát Trung về vấn đề Biển Đông và phát triển Đài Loan độc lập với Trung Quốc

trong vấn đề Biển Đông; đặc biệt trong vấn đề phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế The Hague về Biển Đông, tuy bà Thái Anh Văn không thừa nhận phán quyết của trọng tài nhưng lại nhấn mạnh cần theo luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp.

Đồng thời, nhà lãnh đạo Đài Loan này cũng công khai lên tiếng không thừa nhận vùng nhận dạng phòng không nếu Trung Quốc thiết lập tại Biển Đông, lên án Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông, muốn “phân rõ ranh giới” đối với Trung Quốc đại lục. Hai là chủ trương Đài Loan cần có địa vị “chủ quyền bình đẳng” trong tham gia đàm phán đa phương về vấn đề Biển Đông.

 Vai trò quyết định của Mỹ

Theo các tác giả, vào thời ông Mã Anh Cửu cầm quyền, chính sách Biển Đông của Đài Loan, đặc biệt phương diện hợp tác giữa hai bờ tại Biển Đông bị gặp cản trở lớn của đảng Dân tiến. Nhưng hiện chính sách về Biển Đông của Đài Loan hiện nay bị ảnh hưởng cả bên trong lẫn bên ngoài.

Về bên ngoài, vai trò của Mỹ tác động rất mạnh đối với Đài Loan. Mỹ không muốn hai bờ duy trì tính thống nhất trong chính sách này, đặc biệt về cái gọi là “đường chín đoạn”, Mỹ muốn chính quyền Đài Loan tách khỏi chủ trương “đường chín đoạn” tại Biển Đông của Trung Quốc đại lục. Vì thế, trong vấn đề “đường lưỡi bò” thì quan điểm của Mỹ và chính quyền bà Thái Anh Văn thống nhất với nhau.

Về bên trong, quan điểm Đài Loan độc lập của đảng Dân tiến đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh chính sách Biển Đông của Đài Loan. Bà Thái Anh Văn muốn được bảo đảm an ninh từ Mỹ và mở rộng ủng hộ của cộng đồng quốc tế nên phải tính toán làm sao phù hợp với chính sách Biển Đông của Mỹ. Đặc biệt, có thông tin cho rằng bà Thái Anh Văn có thể mở rộng cửa cho Mỹ sử dụng căn cứ quân sự tại đảo Ba Bình, giúp Mỹ đẩy mạnh chiến lược “tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương” từ Biển Đông. Ngoài ra, trong diễn thuyết ngày 20/5, bà Thái Anh Văn đã đặc biệt nhất mạnh Đài Loan cần đẩy mạnh “chính sách hướng nam mới”, từ “chính sách hướng nam mới” tăng cường quan hệ hợp tác với các nước Đông Nam Á.

Quan điểm của bà Thái Anh Văn trong vấn đề Biển Đông không đi ra khỏi bộ khung tổng thể chính sách của đảng Dân tiến. Đặc biệt, nữ tổng thống Đài Loan không thừa nhận “Nhận thức chung 1992” và “nguyên tắc một Trung Quốc”, vì thế con đường Đài Loan độc lập vẫn là hướng đi của bà, trong đó vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục trở thành yếu tố quan trọng hỗ trợ cho chính sách Đài Loan độc lập.

Hai tác giả kết luận, Đài Loan sẽ tiếp tục con đường “thoát Trung” trong vấn đề Biển Đông, sẽ áp dụng đối sách “mơ hồ” để tiến tới nhượng bộ, thỏa hiệp. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Đài Loan sẽ sử dụng “chính sách hướng nam mới” để đẩy mạnh hợp tác mậu dịch với các nước Đông Nam Á, vì thế sẽ xúc tiến thỏa hiệp và nhượng bộ trong vấn đề Biển Đông.