Biển Đông làm nóng nghị sự Đối thoại chiến lược Mỹ-Trung

Mỹ tuyên bố sẽ không che giấu những khác biệt với Trung Quốc, trong đó có vấn đề Biển Đông, khi quan chức cấp cao hai nước đối thoại về chiến lược kinh tế và chính trị vào tuần tới.
Trung Quốc bắt đầu chuyển sang giai đoạn xây dựng hạ tầng, đẩy nhanh quá trình quân sự hóa trên các đảo nhân tạo ở biển Đông
Trung Quốc bắt đầu chuyển sang giai đoạn xây dựng hạ tầng, đẩy nhanh quá trình quân sự hóa trên các đảo nhân tạo ở biển Đông

Ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương, cho hay những bất đồng song phương trong vấn đề Biển Đông sẽ là một trong những trọng tâm của Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung thường niên (S&ED) ngày 22-24/6.

Theo ông Russel, những tranh chấp hàng hải ở Biển Đông về cơ bản không phải là vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc. Mỹ kiên quyết tránh xảy ra đối đầu quân sự, trong đó có với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông nói rằng các nguyên tắc tự do hàng hải, hàng không đang bị đe dọa, và các tuyên bố hàng hải của Trung Quốc phải phù hợp với luật pháp quốc tế.

"Đó là vấn đề về tương lai và lựa chọn của Trung Quốc", Reuters dẫn lời ông Russel nói.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc tạo ra hơn 800 hecta đảo nhân tạo nhằm đơn phương áp đặt chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh biện bạch rằng dự án này là "cần thiết cho phục vụ các mục đích dân sự và quân sự".

Hồi đầu tuần, Trung Quốc thông báo "sắp hoàn thành" việc bồi đắp đảo nhưng sẽ tiếp tục và mở rộng việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở những nơi này. Ông Russel chỉ trích hành động này của Trung Quốc là gây rối.

"Cả tuyên bố và hành vi đó đều không góp phần làm giảm căng thẳng. Chúng tôi luôn thúc giục Trung Quốc ngừng cải tạo, không xây dựng thêm các cơ sở và tất nhiên không quân sự hóa thêm các tiền đồn trên Biển Đông", ông nói.

Ngoài vấn đề Biển Đông, cuộc họp năm nay còn diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tăng cao quanh những cáo buộc về gián điệp mạng. Washington cho rằng các tin tặc Bắc Kinh đứng sau hàng loạt vụ tấn công mạng nhằm vào máy tính của chính phủ Mỹ hai tuần qua.

Mỹ cũng sẽ nhấn mạnh về vấn đề nhân quyền, chính sách tiền tệ trong cuộc đối thoại diễn ra ở Washington.

Trong khi đó, Trung Quốc bày tỏ mong muốn tránh những mâu thuẫn tại cuộc gặp, hướng đến thành công của chuyến thăm Mỹ vào tháng 9 tới của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Trịnh Trạch Quang hôm qua phát biểu rằng nước này sẽ cố gắng "kiểm soát và xử lý một cách tích cực" những khác biệt với Mỹ trong tranh chấp hàng hải, an ninh mạng và nhân quyền.

"Về những vấn đề này, thái độ của chúng tôi là không né tránh và kiên quyết bảo vệ lợi ích của Trung Quốc", ông Trịnh nói.

S&ED được tổ chức lần đầu vào năm 2009 nhằm duy trì hợp tác song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, bất chấp những bất đồng. Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew sẽ đứng đầu đoàn đại biểu phía Mỹ trong cuộc đối thoại lần này. Trong khi đó, đoàn đại biểu Trung Quốc do Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và phó thủ tướng Uông Dương dẫn đầu.

Theo VnE