Hiển nhiên khi bàn đến Biển Đông và phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện Philippines với Trung Quốc rất rõ ràng: Dù cho điều gì xảy ra, dù cho phán quyết thế nào thì vùng biển này vẫn trong tình trạng căng thẳng giữa Trung Quốc với các bên yêu sách khác, cũng như giữa Trung Quốc với Mỹ. Dường như chắc chắn là tất cả mọi việc sẽ rất nhanh chuyển từ xấu đến xấu hơn, National Interest nhận định.
Trước tiên, National Interest đề cập tới thử thách song phương đầy gai góc trước mắt giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông. Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế đã chính thức bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, tuyên bố bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm từ Philippines năm 2012 là một bãi đá và do đó không đủ điều kiện có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lí. Qua đó phá hủy những lời tuyên bố bất hợp lí mà Trung Quốc đòi hỏi với “đường chín đoạn” ngang ngược thâu tóm đến 85% diện tích Biển Đông cho riêng mình.
Chắc chắn Trung Quốc sẽ đáp trả dữ dội và thực tế Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng Trung quốc “không ngại rắc rối”, một câu nói đã được lặp lại nhiều lần trong các dịp khác nhau bởi quan chức Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc cũng đã ra dấu rằng đối thoại cũng có thể được xem xét, cùng với việc Philippines ám chỉ rằng nước này luôn sẵn sàng đối thoại. Thách thức là Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố trong rất nhiều dịp quan trọng là bãi cạn Scarborough, và rộng hơn là cả Biển Đông thuộc lãnh thổ của họ.
Theo National Interest, xem xét tính chất cụ thể và số lượng những lời tuyên bố này, Trung Quốc rõ ràng không hề có thái độ muốn thương lượng. Thêm vào đó, những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Trung Quốc sẽ tức giận với bất kỳ sự dàn xếp đàm phán nào, điều mà họ coi là dấu hiện của sự suy yếu, vào thời điểm đảng cộng sản Trung Quốc đang rất quan ngại về những bất ổn trong nước.
Thật không may cho châu Á- Thái Bình Dương và rộng hơn là vùng Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, có vẻ như các cuộc đàm phán như vậy sẽ kết thúc nhanh chóng hoặc sẽ kéo dài mà không có bất kì sự đồng thuận nào. Tuy nhiên theo một khả năng khác, Trung Quốc có thể sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ bằng việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) hoặc bồi lấp và xây dựng một tiền đồn quân sự trên bãi cạn Scarborough, tạo ra một cuộc khủng hoảng khu vực lớn hơn.
Theo National Interest, những gì diễn ra ở Bắc Kinh và Manila cũng rất quan trọng với Việt Nam, chẳng hạn một kết quả tích cực từ tòa án The Hague với Philippines có thể khuyến khích Việt Nam cũng quyết định xem xét thách thức pháp lý chống Trung Quốc nếu bị dồn ép, không còn sự lựa chọn nào khác. Nhật Bản cũng có thể sẽ tham gia vào những nỗ lực này, quyết định tìm cơ hội cho mình ở các tòa án cho những tranh chấp ở Biển Hoa Đông và quần đảo Senkaku hoặc thậm chí sẽ tham gia vào một số vụ kiện quốc tế chống lại Trung Quốc ở biển Đông (lưu ý rằng 60% lượng dầu nhập khẩu của Nhật Bản đi qua vùng biển này).
Bất kỳ đàm phán nào giữa Manila và Bắc Kinh cũng sẽ sụp đổ nếu một hoặc tất cả những gì đề cập ở trên diễn ra, khi Trung Quốc không nhìn thấy sự lựa chọn nào khác ngoại trừ việc đáp trả bằng một thái độ hung hăng.
Và sau đó một cuộc kiểm nghiệm thực tế sẽ diễn ra, điều gì sẽ diễn ra trong quan hệ Trung – Mỹ? Vào thời điểm này, Trung Quốc đang tăng cường những cuộc tập trận trên Biển Đông, và Mỹ duy trì một cụm tác chiến tàu sân bay trong khu vực cũng như triển khai các máy bay luân phiên đặt tại Philippines.
Nếu căng thẳng gia tăng nhanh chóng, Mỹ chắc chắn sẽ phản ứng lại theo nhiều cách khác nhau nếu cần thiết, để thách thức vùng ADIZ mới của Trung Quốc nếu nước này tuyên bố thiết lập, bằng cách phóng máy bay từ các tàu sân bay hoặc từ đất liền để thực hiện chiến dịch tự do lưu thông hoặc thậm chí sẽ tuân theo hiệp ước cam kết với Philippines và các nước khác nếu phải viện đến. Và đó sẽ là kịch bản đáng sợ nhất.
Nhưng theo National Interest, còn có một vấn đề lớn hơn và vấn đề này sẽ không được giải quyết một sớm một chiều. Trung Quốc là một cường quốc đang trỗi dậy và cảm thấy hệ thống quốc tế ở châu Á- Thái Bình Dương không tương xứng với mong muốn và nhu cầu của nước này. Trung Quốc có thể chấp nhận quy tắc của Nhật ở quần đảo Senkaku và quyền làm chủ Biển Hoa Đông của Nhật Bản khi Trung Quốc còn yếu. Nhưng khi Trung Quốc đã sở hữu một quân đội mạnh hơn và một nền kinh tế lớn hơn thì tại sao nước này phải chấp nhận điều đó?
Đài Loan, theo suy nghĩ hiện nay của Trung Quốc là một tỉnh bất trị và là di sản của Chiến tranh lạnh, một vùng lãnh thổ cần quy thuộc về chủ cũ dù sớm hay muộn. Và đối với vùng Biển Đông, Trung Quốc là một đối thủ nặng ký về kinh tế và quân sự trong khu vực, Bắc Kinh tự cho rằng có tiếng nói mạnh nhất.
National Interest đánh giá, ba vấn đề vô cùng khó giải quyết đều bắt nguồn từ một nền tảng – một quốc gia (Trung Quốc) đang trỗi dậy cảm thấy trật tự khu vực không còn phù hợp với vị thế của nước này. Và Mỹ cần xác định lại vị trí của mình và rời khỏi khu vực, hoặc ít nhất là chớ cố gắng ngăn chặn hành động của Trung Quốc, hiện nay và cả trong tương lai.
Vì vậy National Interest cảnh báo, hãy chuẩn bị sẵn sàng cho chuỗi ngày hoặc vài tuần tới có thể sẽ thực sự căng thẳng. Tuy nhiên, thách thức Biển Đông chỉ là một phần của vấn đề lớn hơn, vấn đề mà lịch sử cho thấy thường sẽ không mấy khi kết thúc đẹp.