Ngay sau khi tờ báo dân tộc chủ nghĩa Hoàn Cầu ngày 5/7 kêu gọi Bắc Kinh nên chuẩn bị cho đối đầu quân sự tại khu vực, chính quyền Trung Quốc liền tìm cách giảm bớt mối lo sợ xung đột ở Biển Đông, Reuters cho biết.
Bài xã luận trên Hoàn Cầu được đăng tải trong bối cảnh căng thẳng trước thời điểm 12/7, là ngày Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế Liên Hợp Quốc (PCA) sẽ công bố phán quyết vụ Philippines kiện “đường lưỡi bò” ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tờ báo dân tộc chủ nghĩa đổ lỗi cho Mỹ can thiệp tranh chấp Biển Đông làm phức tạp tình hình, và cho rằng tình hình có thể leo thang do phán quyết sắp tới từ PCA “đe dọa” chủ quyền của Trung Quốc.
"Washington đã triển khai hai cụm tác chiến tàu sân bay xung quanh Biển Đông và Mỹ muốn gửi một thông điệp cơ bắp: Với tư cách siêu cường khu vực, Mỹ chờ đợi sự phục tùng của Trung Quốc”, Hoàn Cầu quả quyết.
Tờ báo hô hào Trung Quốc nên tăng cường năng lực răn đe quân sự khiến Mỹ “hộc máu mũi” nếu như định can thiệp bằng sức mạnh. "Trung Quốc hy vọng tranh chấp có thể được giải quyết bằng đàm phán, nhưng cũng phải chuẩn bị cho bất cứ cuộc đối đầu quân sự nào. Điều này là lẽ thường trong quan hệ quốc tế", Hoàn Cầu lớn tiếng.
Hai cụm tác chiến tàu sân bay John C. Stennis và Ronald Reagan của Mỹ giữa tháng trước bắt đầu hoạt động chung tại vùng biển phía đông Philippines. Hải quân Mỹ cho rằng việc triển khai hai tàu sân bay là dấu hiệu thể hiện sự cam kết của nước này đối với an ninh khu vực. Còn giới quan sát quốc tế nhận định đây là thông điệp không thể nhầm lẫn gửi tới Trung Quốc: Chớ làm liều.
Khi được hỏi về bài xã luận trên tờ Hoàn Cầu và liệu xung đột có bùng nổ ở Biển Đông hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 5/7 cho biết trong cuộc họp báo rằng chính quyền nước này muốn hòa bình. Hồng nói Trung Quốc sẽ làm việc với các nước ASEAN để gìn giữ hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Hồng Lỗi tiếp tục lặp lại luận điệu quen thuộc rằng Trung Quốc không chấp nhận bất cứ quyết định nào do bên thứ ba áp đặt như cách thức giải quyết tranh chấp. “Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch giải pháp nào mang tính cưỡng hành đối với Trung Quốc”, Hồng Lỗi ngang nhiên tuyên bố, ám chỉ phán quyết sắp tới của tòa án quốc tế.
Trước đó, Trung Quốc tức tối trước các cuộc tuần tra thực thi tự do hàng hải của Mỹ cũng như thách thức tòa án quốc tế, đã thông báo tiến hành đợt tập trận kéo dài một tuần kể từ ngày 5/7. Bộ quốc phòng nước này nói rằng đây là cuộc tập trận thường lệ, China Daily đưa tin. Tờ China Daily trích dẫn từ những nguồn thông tin giấu tên bắn tin đầy hàm ý hăm dọa rằng phản ứng của Trung Quốc sẽ "hoàn toàn phụ thuộc" vào Philippines.
Philippines cho biết đã tìm cách giảm căng thẳng với Trung Quốc trước phán quyết quốc tế nhưng chống lại việc gây áp lực đòi bác bỏ phán quyết của tòa. “Thực tế là không ai muốn xung đột, không ai muốn giải quyết xung đột giữa chúng tôi theo cách bạo lực, không ai muốn chiến tranh cả”, bộ trưởng ngoại giao Philippines Perfecto Yasay phát biểu trên kênh truyền hình ANC ngày 5/7.
Các quan chức Mỹ quan ngại rằng phán quyết của tòa án quốc tế ở Hague có thể là nguyên nhân khiến Bắc Kinh tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), như đã từng làm vào năm 2013 tại biển Hoa Đông, hoặc gia tăng tốc độ bồi đắp những đảo nhân tạo dưới quyền kiểm soát trong các khu vực có tranh chấp.
Chuyên gia Mỹ Harry J.Kazianis nhận định, Trung Quốc có nhiều lựa chọn đáp trả và thật không may là kịch bản nào cũng xấu với toàn thể châu Á và với Washington.
Theo ông Kazianis, ít có khả năng Bắc Kinh chọn giải pháp chấp nhận phán quyết của tòa án án quốc tế, trong khi trên thực tế tiếp tục chính sách “nói một đằng làm một nẻo”, nghĩa là tiếp tục xây đảo nhân tạo phi pháp và đẩy nhanh quân sự hóa, biến chúng thành các pháo đài quân sự hòng thực thi chiến lược chống tiếp cận đối với Mỹ và cũng như các đối thủ khác.
Tuy nhiên, phe dân tộc chủ nghĩa vốn gây áp lực rất lớn với ông Tập Cận Bình cũng như giới lãnh đạo Trung Quốc, sẽ đòi hỏi một phản ứng cứng rắn hơn, bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc vượt tầm Biển Đông.
Trong tình thế này, rất có thể Trung Quốc sẽ chọn phương án thứ hai được xem có khả năng cao nhất: Tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên vùng Biển Đông. Biện minh cho quyết định này không khó. Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ viện lý do phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế “đe dọa an ninh Trung Quốc”. Với những căn cứ quân sự ở Hoàng Sa và lực lượng hải quân, không quân, tên lửa bố trí trong vùng, Trung Quốc hội đủ các điều kiện để lập ADIZ ở Biển Đông, cho dù có thể không thực thi được trên thực tế.
Theo ông Kazianis, kịch bản này rất nguy hiểm vì sẽ đẩy căng thẳng lên cao độ buộc Mỹ phải đáp trả . Vấn đề là hiện nay, để thách thức vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc, không thể chỉ cho một, hai chiếc pháo đài bay B52 bay qua là đủ.
Cuối cùng, Trung Quốc có thể vẫn thấy như thế là chưa đủ, thậm chí muốn đẩy vấn đề hướng tới một cuộc xung đột. Bắc Kinh sẽ dùng sức mạnh “gây sự” tại các điểm nóng tại châu Á mà chuyên gia Kazianis gọi là thái độ «côn đồ».
Cụ thể, Trung Quốc có thể gia tăng hoạt động hải quân, không quân ở biển Hoa Đông để khiêu khích và uy hiếp Nhật Bản. Bắc Kinh cũng có thể gây căng thẳng ở eo biển Đài Loan, cấm du khách đại lục sang thăm hải đảo, giảm giao thương và đầu tư. Trung Quốc cũng có thể bồi đắp bãi đá ngầm Scarborough của Philippines chỉ cách bờ biển nước này 150 dặm thành căn cứ quân sự, uy hiếp trực tiếp Manila cũng như các lực lượng Mỹ đóng trú tại Philippines…đẩy “thùng thuốc súng” Biển Đông vào nguy cơ bùng nổ.