BIDV bắt đầu ghi nhận LaoVietBank là công ty con. (Ảnh: BIDV Tower) |
Cho đến hết 2016, LaoVietBank là một trong 5 công ty liên doanh của BIDV, bên cạnh Ngân hàng Liên doanh Việt Nga (VRB, trong đó tỷ lệ sở hữu của BIDV là 50%); Công ty Liên doanh Tháp BIDV (BIDV Tower, 55%); Công ty Liên doanh Quản lý Quỹ Đầ tư BIDV Việt Nam Partners (BVIM, 50%); Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ BIDV Metlife (37,55%).
Trong khi đó, cũng với một doanh nhiệp được thành lập tại Lào – là Công ty Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt (LVI), dù chỉ nắm giữ 33,15% cổ phần, nhưng BIDV vẫn ghi nhận LVI là công ty con.
Tuy vậy, theo Báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2017 mới được phát hành, thì kể từ năm này, BIDV đã bắt đầu ghi nhận LaoVietBank là “công ty con”, đưa pháp nhân này trở thành công ty con thứ 11 của ngân hàng – tính đến cuối 2017.
“Ghi nhận đầu tư vào LVB là công ty con do Ngân hàng có quyền kiểm soát theo thỏa thuận góp vốn giữa các cổ đông”, BIDV thuyết minh trong tài liệu.
Thay đổi tư cách quan hệ với LaoVietBank, BIDV cũng thực hiện các bút toán điều chỉnh đối với khoản đầu tư vào LVB.
Cụ thể, cuối năm 2017, trong danh mục góp vốn đầu tư dài hạn, BIDV không còn ghi nhận khoản đầu tư tại LVB vào tiểu khoản “góp vốn liên doanh”. Trong khi tại thời điểm đầu năm, BIDV vẫn hạch toán giá gốc của khoản đầu tư này là 1.294.466 triệu đồng, với giá trị hiện tại là 1.411.316 triệu đồng và tỷ lệ nắm giữ là 65%.
Song song với đó, trong bút toán đối ứng, BIDV mẹ bắt đầu ghi nhận khoản đầu tư tại LVB vào tiểu khoản “đầu tư vào công ty con”. Tại thời điểm 2017, giá trị hạch toán là 1.294.466 triệu đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 65%.
LaoVietBank
LaoVietBank được thành lập ngày 22/06/1999 tại Thủ đô Viêng Chăn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào), trên cơ sở nhu cầu hợp tác giữa BIDV và Ngân hàng Ngoại thương Lào Đại chúng (BCEL), với số vốn điều lệ ban đầu là 10 triệu USD. Trong đó, BIDV nắm giữ 65% và BCEL sở hữu 35%.
Cơ cấu sở hữu LaoVietBank ổn trong nhiều năm với chỉ hai cổ đông sáng lập BIDV và BCEL, dù ngân hàng đã nhiều lần tăng vốn. Tuy nhiên, gần đây, LVB đã có thêm một cổ đông nữa.
Ngày 14/5/2015, Ngân hàng Nhà nước Lào đã có Công văn số 163/DBS chấp thuận việc LVB có thành viên góp vốn tứ 3 là Công ty TNHH Souk Houng Hueng (Souk Houng Heang Co.,LTD; viết tắt là SHH) tham gia góp vốn với tỷ lệ 10% trên vốn điều lệ mới.
Theo đó ngày 9/6/2015, Hội đồng quản trị Ngân hàng Liên doanh Lào Việt có Nghị quyết số 67/NQ-HĐQT về đồng tiền góp vốn, giá trị góp vốn của mỗi thành viên góp vốn và phương án phân chia thặng dư góp vốn sau khi tăng vốn như sau: (1) Ghi nhận vốn điều lệ bằng KIP Lào (LAK) và thực hiện tăng vốn điều lệ một lần lên 100 triệu USD trong năm 2015 theo nguyên tắc BCEL giữ nguyên số vốn góp hiện tại, không góp thêm và nắm giữ tỷ lệ sở hữu 25%; BIDV giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 65%; Cổ đông mới nắm giữ tỷ lệ sở hữu 10%. Thành viên góp vốn mới thực hiện góp vốn bằng 1,03 (103%) lần đơn vị vốn góp. Giá trị 1 đơn vị vốn góp là 5.000 LAK; (2) Vốn góp bổ sung vốn điều lệ được góp bằng KIP Lào; (3) Phân phối thặng dư vốn góp từ đợt phát hành sau khi thực hiện các nghĩa vụ thuế sẽ được phân phối theo tỷ lệ sở hữu của 02 thành viên góp vốn ban đều là BIDV và BCEL là 65% và 35%.
Do đó, bắt đầu từ nửa cuối năm 2015, LVB có vốn điều lệ 100 triệu USD, với cơ cấu sở hữu gồm 3 cái tên: BIDV (65%), BCEL (25%), SHH (10%). Theo tìm hiểu của VietTimes, Công ty SHH – tân cổ đông của LVB – là một doanh nghiệp quốc tịch Lào thành lập ngày 13/05/2014 tại bản Xangkhu, huyện Xaythani, thành phố Viêng Chăn của một nhóm đầu tư gốc Việt, từng có liên hệ với BIDV. Phần vốn tăng thêm đã giúp LVB củng cố vững chắc vị thế là một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất CHDCND Lào.
LaoVietBank có địa bàn hoạt động trải rộng trên các vùng miền của Lào với trụ sở chính đặt tại Thủ đô Viêng Chăn và 05 chi nhánh, 14 phòng giao dịch phủ rộng 8/18 tỉnh thành kinh tế trọng điểm của Lào. Nhà băng liên doanh này mang trên mình sứ mệnh kết nối hai nền kinh tế Lào – Việt Nam, trở thành ngân hàng đi đầu trong việc cung cấp các giải pháp ngân hàng, tài chính, cho các các chủ thể có quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam.
Một trong những ví dụ dễ thấy nhất là hoạt động tham gia tài trợ vốn của LVB cho các doanh nghiệp Việt đầu tư kinh doanh tại Lào, chẳng hạn như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG). Theo tìm hiểu, tính đến cuối năm 2017, LVB đang cấp cho HAG 6 khoản vay dài hạn, với tổng dư nợ lên đến hơn 1.420 tỷ đồng – gồm cả cho vay bằng LAK, VND và USD. LVB cũng nhận thế chấp rất nhiều tài sản của HAG, gồm các công trình, trụ sở, đàn bò, quyền sử dụng đất, vật tư máy móc để đảm bảo cho các khoản cho vay.
Được biết, BIDV – công ty mẹ của LVB – hiện là chủ nợ lớn nhất của HAG, với tổng quy mô lên đến hơn 9.000 tỷ đồng – gồm các khoản cho vay ngắn hạn, dài hạn và kể cả các khoản đầu tư trái phiếu do BIDV và Công ty TNHH Chứng khoán BIDV (BSC) thu xếp phát hành.
Như đã nói, BIDV đã vừa điều chỉnh tư cách quan hệ của LVB từ công ty liên doanh sang công ty con. Và khi đó, ở một giác độ nhất định, có thể hợp nhất dư nợ của HAG ở LVB vào nhóm BIDV. Thực tế, BIDV cũng từng có những khoản tiền gửi/cho vay liên ngân hàng đáng kể qua LVB, song chưa biết có phần nào trong đó là ủy thác cho vay hay không.
Cập nhật đến cuối năm 2016, tổng tài sản của LVB là 9.129,6 tỷ LAK, tương đương với khoảng 24.741 tỷ đồng (quy đổi theo tỷ giá 2,71 VND/LAK). Trong đó, nợ phải trả là 8.129,8 triệu LAK (khoảng 22.032 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu là 999,77 tỷ LAK (khoảng 2.709 tỷ đồng).
Về số liệu tín dụng, giá trị cho vay khách hàng thuần, sau khi trừ đi dự phòng nợ xấu của LAK tại 31/12/2016 là 7.127,3 tỷ LAK, tương đương với hơn 19.300 tỷ đồng. Trong khi, giá trị huy động từ thị trường 1 (tiền gửi của khách hàng) là 5.071,7 tỷ LAK, tương đương với hơn 13.700 tỷ đồng. Với giá trị huy động thấp hơn cho vay, LVB sẽ phải huy động thêm vốn từ thị trường liên ngân hàng để bù đắp – dĩ nhiên BIDV sẽ là một kênh quan trọng.
Về kết quả hoạt động, năm 2016, LaoVietBank báo lãi 169,021 tỷ LAK (khoảng 458 tỷ đồng) – tăng nhẹ so với mức 165,303 tỷ LAK của 2015.
Về quy mô nhân sự, tổng số cán bộ nhân viên của LVB cập nhật tại ngày 31/12/2016 là 379 người, tăng 50 người so với đầu năm.
Về cơ cấu quản trị, 4/6 thành viên HĐQT LaoVietBank là người của BIDV, gồm: Trần Lục Lang (Chủ tịch HĐQT LVB, P.TGĐ BIDV); Nguyễn Văn Bình (Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc LVB); Nguyễn Xuân Hòa (Ủy viên HĐQT LVB; Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin BIDV); Đoàn Việt Nam (Ủy viên HĐQT LVB; Giám đốc Chi nhánh Sở Giao dịch 1 BIDV). 2/6 thành viên HĐQT còn lại đến từ BCEL, gồm: Phansana Khuonnouvong (Phó Chủ tịch LVB; Phó Tổng Giám đốc BCEL); Sipaseuth Khouangsavanh (Ủy viên HĐQT kiêm P.TGĐ LVB). Đầu tư nắm giữ 10% vốn LaoVietBank song chưa thấy Souk Houng Heang Co.,LTD cử đại diện tham gia HĐQT ngân hàng.
Chủ tịch LaoVietBank Trần Lục Lang sinh ngày 21/06/1967 tại Bình Định, từng là thuộc cấp của cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà từ ngày ông Hà còn công tác ở Chi nhánh BIDV Bình Định. Ông Trần Lục Lang bắt đầu chuyển công tác lên Hội sở BIDV vào giữa năm 2011 với cương vị Phó Tổng Giám đốc. Từ tháng 04/2012, ông Lang kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT LaoVietBank./.