'Chúng tôi là thế hệ cuối cùng': Phong tỏa ở Trung Quốc khiến khủng hoảng dân số thêm trầm trọng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đối với các thế hệ cha mẹ Trung Quốc, sự thành công của con cái từ lâu đã là một trong những mục tiêu quan trọng nhất và họ sẵn sàng hy sinh vì điều đó.
Hai cô gái đứng ôm nhau qua hàng rào, giữa lúc phong tỏa tại thành phố Thượng Hải, ngày 16/5 (Ảnh: SCMP)
Hai cô gái đứng ôm nhau qua hàng rào, giữa lúc phong tỏa tại thành phố Thượng Hải, ngày 16/5 (Ảnh: SCMP)

Vì vậy, khi một gia đình ở Thượng Hải nhất quyết không chịu rời khỏi nhà để đến khu cách ly của chính phủ trong khoảng thời gian 6 tuần thành phố bị phong tỏa, một sĩ quan cảnh sát đã cảnh báo họ rằng điều đó sẽ là một mối đe dọa lớn đến cả tương lai của con cái họ.

"Nếu không tuân theo mệnh lệnh của chính quyền thành phố, các anh sẽ bị trừng phạt, và hình phạt sẽ ảnh hưởng đến ba thế hệ trong gia đình", viên cảnh sát mặc đồ bảo hộ nói và chỉ tay vào camera trong một video được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc.

"Chúng tôi là thế hệ cuối cùng, cảm ơn", một người đàn ông trẻ không có mặt trong video đáp trả một cách cứng rắn, ý nói rằng anh ta không có kế hoạch sinh con.

Đoạn video kết thúc ở đó, không rõ liệu gia đình nọ cuối cùng đã bị đưa đi hay chưa. Nhưng nó đã lan truyền chóng mặt trên internet của Trung Quốc, cộng hưởng với thực trạng nhiều thanh niên Trung Quốc đang chán ngấy với áp lực ngày càng tăng đối với việc sinh con và nhiều người nghĩ rằng chính phủ cung cấp rất ít sự bảo đảm về vật chất cũng như tinh thần mà họ cần để nuôi con.

Một người dùng trên Weibo, nền tảng giống Twitter của Trung Quốc, cho biết: "Ban đầu tôi cười nhưng sau đó tôi cảm thấy vô cùng đau buồn. Anh ấy đang kháng cự lại bằng cách từ bỏ quyền sinh con của mình".

Nối dõi tông đường từ lâu đã trở thành nghĩa vụ trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Nhưng ở Trung Quốc ngày nay, việc không có con - hoặc trì hoãn việc sinh con - đã trở thành một hình thức phản kháng chống lại thực tế đáng thất vọng mà họ đang sống, với những vấn đề sâu xa bắt nguồn từ một hệ thống mà họ có ít sức mạnh để thay đổi.

Zhang Xuezhong, một luật sư nhân quyền và giáo sư luật ở Thượng Hải, viết trên Twitter về đoạn video này: “Đó là một biểu hiện bi thảm của sự tuyệt vọng sâu sắc nhất”. "Chúng ta đã bị cướp mất một tương lai đáng mong đợi. Đó được cho là lời tố cáo mạnh mẽ nhất mà một người đàn ông trẻ tuổi có thể tạo ra về thời đại mà anh ta đang sống."

Lệnh phong tỏa ở Thượng Hải được xem là khắc nghiệt nhất thế giới (Ảnh: CNN)

Lệnh phong tỏa ở Thượng Hải được xem là khắc nghiệt nhất thế giới (Ảnh: CNN)

Trong thập kỷ qua, ngày càng có nhiều người trẻ Trung Quốc trì hoãn hoặc từ chối thẳng thừng việc kết hôn và sinh con, vì họ phải đối mặt với áp lực công việc cao, giá bất động sản tăng chóng mặt, chi phí giáo dục tăng và sự phân biệt đối xử với các bà mẹ tại nơi làm việc. Năm ngoái, chỉ có 7,6 triệu cặp vợ chồng Trung Quốc đăng ký kết hôn - giảm 44% so với năm 2013 và là mức thấp nhất trong 36 năm. Đồng thời, tỷ lệ sinh của nước này giảm xuống còn 7,5 ca sinh trên 1.000 dân, mức thấp kỷ lục kể từ khi thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc, với 9 tỉnh và khu vực ghi nhận mức tăng dân số âm.

Chính phủ Trung Quốc rất quan ngại. Trong nhiều thập kỷ, nước này đã thực thi nghiêm ngặt chính sách một con, hàng triệu phụ nữ phải phá thai do lo ngại vi phạm pháp luật. Nhưng khi tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm mạnh, các nhà nhân khẩu học đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng dân số đang bùng nổ.

Bắc Kinh đã loại bỏ chính sách một con vào năm 2016 và nới lỏng hơn nữa vào năm ngoái để cho phép các cặp vợ chồng có ba con, với việc chính quyền địa phương tung ra hàng loạt khẩu hiệu tuyên truyền và khuyến khích tài chính để khuyến khích sinh nhiều hơn - nhưng tỷ lệ sinh vẫn tiếp tục giảm.

Một số quan chức và cố vấn chính sách tỏ ra không hài lòng trước những yêu cầu của giới trẻ. Tháng trước, một giáo sư luật và là đại biểu của Đại hội nhân dân thành phố Cẩm Châu, tỉnh Hồ Bắc đề nghị, để thúc đẩy hôn nhân và sinh con, các phương tiện truyền thông nên giảm hoặc tránh đưa tin về "phụ nữ độc lập" và "những người có thu nhập kép nhưng không có con (DINK)", bởi vì chúng không phù hợp với "các giá trị chủ đạo" của đất nước. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải phản ứng dữ dội trên mạng.

Khi đại dịch COVID-19 kéo dài, cảm giác thất vọng của nhiều người trong thế hệ trẻ của Trung Quốc ngày càng lớn. Các cuộc phong tỏa ngày càng thường xuyên và nghiêm ngặt - cùng với sự hỗn loạn và bi kịch nảy sinh từ chúng - đã khiến một bộ phận người dân cho rằng quyền của họ mong manh.

Điều đó đặc biệt xảy ra ở Thượng Hải, nơi đang quay cuồng sau 7 tuần phong tỏa nghiêm ngặt. Tại thành phố giàu có và quyến rũ bậc nhất của đất nước, người dân đã phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trên diện rộng, thiếu dịch vụ chăm sóc y tế và buộc phải kiểm dịch trong các cơ sở tạm bợ. Các nhà chức trách ban đầu đã cách ly trẻ nhỏ khỏi cha mẹ của chúng - và chỉ đổi hướng sau khi bị dư luận phản đối kịch liệt.

Sự thất vọng và tức giận ngày càng gia tăng trên mạng xã hội Trung Quốc. Một số cư dân đã phản đối từ cửa sổ của họ, đập xoong nồi và la hét trong thất vọng. Những người khác xung đột với cảnh sát và nhân viên y tế trên đường phố - điều hiếm thấy ở nước này.

Trong tuần qua, các quan chức địa phương buộc người dân phải giao chìa khóa sau khi họ được đưa đi kiểm dịch, để nhân viên y tế có thể vào và ngâm đồ đạc cá nhân của họ trong chất khử trùng - với rất ít lý do khoa học cho hành động của họ hoặc quan tâm đến các quyền tài sản cá nhân.

Đối với nhiều cư dân, đó là giới hạn cuối cùng. Ngay cả ngôi nhà của họ - không gian riêng tư và nơi trú ẩn cuối cùng - cũng không thể tránh khỏi sự ‘nhiệt tình’ thực thi chính sách “zero COVID” của chính phủ. Một số người nói rằng cuộc sống của họ đã bị đảo lộn khi các quan chức theo đuổi những gì mà họ coi là "điều tốt đẹp hơn", trong khi cư dân bất lực trong việc bảo vệ những người thân yêu của họ.

Đối với nhiều người trẻ, cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Thượng Hải đang gióng lên hồi chuông cảnh báo. Nếu ngay cả thành phố phát triển nhất của Trung Quốc với dân số trung lưu lớn nhất, những quan chức được cho là cởi mở nhất và có nền văn hóa quốc tế nhất cũng không thể không bị đối xử độc đoán như vậy, thì liệu các thành phố khác có tốt hơn không?

"Ai sẵn sàng có con khi mọi chuyện đã đến mức này? Ai dám có con?" một người dùng đã hỏi trên Weibo. Sự tức giận lan nhanh nhanh chóng thu hút sự chú ý của các nhà kiểm duyệt. Đến tối 12/5, hầu hết các video đã bị xóa khỏi Internet Trung Quốc. Trên Weibo, một số thẻ bắt đầu bằng hashtag có liên quan, từ "Chúng tôi là thế hệ cuối cùng" đến "Thế hệ cuối cùng", đã bị kiểm duyệt xóa sau khi thu hút các cuộc thảo luận sôi nổi.

Nhưng kìm nén những gì người trẻ muốn nói sẽ không giúp thuyết phục họ có con. Ngược lại, điều đó chỉ càng khiến họ không hài lòng.

Theo CNN