Bị Nga "làm mất uy” tại Syria, Mỹ châm lửa Ukraine

VietTimes -- Trang RI cho rằng Kiev phải trung lập và chính phủ Ukraine mới cần phải được thiết lập nhanh chóng để Mỹ và các đồng minh NATO không có cơ hội can thiệp quân sự, khiến Thế chiến III có nguy cơ bùng phát. Mỹ lại bị hạ nhục ở Syria trước chiến thắng của quân đội Assad với sự hậu thuẫn của Nga. Nga cho rằng Mỹ đang tìm đến Ukraine để trả thù Nga.
Tổng thống Petro Poroshenko phát biểu trong cuộc họp báo ở Kiev.
Tổng thống Petro Poroshenko phát biểu trong cuộc họp báo ở Kiev.

Trong khi Mỹ đang kỷ niệm một năm kể từ ngày ông Donald Trump nhận chức với bản báo cáo so sánh những lời hứa trong chiến dịch tranh cử và những thành tích đạt được trong một năm qua thì Nga lại có một vấn đề khác, đó là nguy cơ cuộc chiến tranh sắp xảy đến với Ukraine. Tình hình ở Donbass luôn là tiêu điểm trong các chương trình thảo luận chính trị ở Nga trong những năm qua, bên cạnh chiến dịch quân sự của Nga vào Syria và cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở nước này.

Trong những tuần cuối cùng của năm 2017, hoạt động quân sự trên chiến tuyến giữa lực lượng của các nước cộng hòa Donetsk và Lugansk được Nga hậu thuẫn với dân quân và quân đội Ukraine căng thẳng đến mức chưa từng thấy trong hơn một năm qua, cho dù hai bên đã trao đổi tù binh trước thềm năm mới dưới sư giám sát của giáo trưởng Nhà thờ Kirill của Nga.

Sau đó, ngày 18/1, quốc hội Ukraine đã đưa ra một dự thảo luật mới mà phía Nga tin rằng dự thảo luật này tương đương với một lời tuyên bố chiến tranh. Và thông tin này đã được chuyển tải tới người dân Nga bởi chính người đứng đầu các kênh truyền hình và phát thanh Nga, ông Dmitri Kiselyov đưa ra vào tin tức tối 21/1.

Theo Kiselyov, một đạo luật mới, đang chờ tổng thống Poroshenko phê chuẩn sẽ chấm dứt mọi sự tham gia của Kiev trong Thỏa thuận Minsk và chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh.

Nhiệm vụ ở Donbass của Ukraine không còn là “chiến dịch chống khủng bố” nữa mà giờ đây chuyển thành đưa lực lượng vũ trang chống lại quân đội Nga ở Donbass. Một đơn vị quân đội được thành lập để điều phối chiến dịch quân sự ở Donbass. Cho dù hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk được coi là các bên đàm phán trong Thỏa thuận Minsk, nhưng Ukraine cho rằng  thực tế họ chỉ là những chính quyền chiếm đóng của Nga ở trên hai vùng lãnh thổ này. Nga bị Ukraine coi là “nước xâm lược”.

Ông Kiselyov cho rằng: "Điều này khiến Ukraine dễ dàng khởi động chiến tranh hơn". Theo cách này, ông Poroshenko đã chuẩn bị để không phải trả những khoản nợ nước ngoài. Và cũng bằng cách này, ông đã chuẩn bị để giữ vững quyền lực.

Ở Donetsk, cư dân địa phương xác nhận rằng văn bản luật này đồng nghĩa với chiến tranh. Họ nhìn nhận tình hình hiện tại ở tiền tuyến là “phút bình yên trước cơn bão.” Các binh lính ở Donetsk cho biết họ đã sẵn sàng nghênh chiến với kẻ thù.

Tuy nhiên ông Kiselyov cũng cho rằng không biết mình có nói quá về nguy cơ hay không vì dự thảo luật trên vẫn chưa được Poroshenko ký và vẫn chưa được thi hành. Nhưng vấn đề không phải ở việc văn bản pháp luật này, mà vấn đề ở chỗ Kiev đang muốn gây chiến.

Tổng thống Poroshenko đến nay vẫn chưa làm gì để thực hiện thỏa thuận Minsk. Không có cuộc ngừng bắn nào được tiến hành. Mỗi ngày đều xảy ra các vụ tấn công khiến người dân và binh sĩ thiệt mạng, RI cho hay

Kiev đã xóa mối quan hệ với người dân của hai nước cộng hòa này, cắt mọi tuyến đường giao thông vận tải và viễn thông, không cung cấp lương hưu và trợ cấp cho những người khốn khó, đóng cửa hệ thống ngân hàng và không duy trì quan hệ thương mại nào. Kiev không công nhận người dân ở Donbass. Đối với Kiev, hai tỉnh này chỉ đơn thuần là vùng lãnh thổ cần phải lấy lại từ tay những kẻ chiếm đóng.

Các bằng chứng khác cho thấy vào lúc này, Kiev mong muốn chiến tranh là vì lợi ích kinh tế. EU đã từ chối tăng khoản tín dụng 600 triệu euro cho Ukraine vì vấn đề tham nhũng. IMF gần đây cũng từ chối cung cấp khoản vay 800 triệu USD vì nước này không thực hiện được cải cách như đã cam kết. Trong khi đó, vào năm 2009, Ukraine bắt đầu trả những khoản nợ trước đây. Con số này sẽ lên đến 14 tỷ USD mỗi năm, tương đương với một nửa ngân sách nhà nước Ukraine. Với tình hình kinh tế hiện nay, ông Poroshenko và các lãnh đạo khác đang ngày càng mất uy tín và không có cơ hội thắng cử lần tới.

Nhưng ngoài Kiev ra, liệu còn ai muốn gây chiến với Nga? Về phần mình, Châu Âu cũng đã chán ngán với Ukraine..

Tuy nhiên, Mỹ luôn là bên ủng hộ chiến tranh. Mỹ đã bắt đầu cung cấp vũ khí sát thương bao gồm cả hệ thống tên lửa chống tăng Javelin cho Kiev, đồng thời đưa cả kỹ thuật viên sang huấn luyện. Mỹ đã chi ngân sách khoảng 350 triệu USD cho cuộc chiến ở Ukraine.

Vậy Nga bình luận gì về điều này? Đối với Nga, cách tốt nhất là phải luôn gắn chặt với thỏa thuận Minsk, và dường như nước này cũng không có đường lùi.

Các vụ biểu tình Maidan trong cuộc đảo chính vào ngày 22/2/2014 ở Kiev lật đổ chính phủ của tổng thống Yanukovich được một số nhà phân tích coi là chiến dịch của phe tân bảo thủ dưới thời chính quyền Obama trả thù vụ việc một năm trước đó, khi Obama từ bỏ “giới hạn đỏ” ở Syria đối với các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học. Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, ông Obama đã đồng ý với đề xuất của Nga, theo đó họ sẽ giám sát việc tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Assad thay vì lật đổ chế độ này.

Giờ đây, Mỹ lại bị làm nhục ở Syria trước chiến thắng của quân đội Assad với sự hậu thuẫn của Nga. Nga cho rằng Mỹ đang tìm đến Ukraine để trả thù Nga.

Rõ ràng là điện Kremlin chẳng đạt được gì, thậm chí sẽ mất rất nhiều trong chiến dịch chống lại Kiev. Nếu chiến thắng Kiev thì đây cũng là chiến thắng Pyrrhic (bên chiến thắng cũng phải chịu những tổn thất mang tính hủy diệt)

Nhưng dù cho ông Kiselyov có nói gì thì Mátxcơva cũng có thể cho rằng Nga không có lựa chọn. RI cho rằng Kiev phải trung lập và chính phủ mới cần phải được thiết lập nhanh chóng để Mỹ và các đồng minh NATO không có cơ hội can thiệp quân sự, khiến Thế chiến III có nguy cơ bùng phát.