Bí mật bẩn thỉu của Ronald Reagan ở cuộc thảm sát thổ dân Maya

Báo The Daily Beast đã gặp những nhân chứng của cuộc thảm sát thổ dân Maya tại Guatemala, rồi có bài viết về bí mật bẩn thỉu của Ronald Reagan, cố tổng thống Mỹ.
Người nhà trước quan tài các nạn nhân Maya xấu số.
Người nhà trước quan tài các nạn nhân Maya xấu số.

Cuộc thảm sát thổ dân Maya diễn ra trong cuộc nội chiến Guatemala suốt 36 năm (từ 1960 đến 1996) khiến gần 250.000 người chết, theo LHQ.

Nội chiến kết thúc năm 1996, sau một thỏa thuận hòa bình ký giữa chính phủ cánh hữu với quân du kích cánh tả.

Cuộc nội chiến có sự liên quan của Mỹ, cũng là một trong những yếu tố chính góp phần vào sự vi phạm nhân quyền, gồm việc Mỹ huấn luyện các kỹ thuật chống nổi dậy cho các sĩ quan, hoặc hỗ trợ cơ quan tình báo Guatemala.

Liệu công lý có được thực thi? 

Gần đây, Guatemala xét xử cựu Tổng thống Guatemala Efrain Rios Montt về tội ra lệnh thảm sát thổ dân Maya vốn bị cáo buộc giúp đỡ quân du kích.

Montt chỉ giữ chức tổng thống quân sự được 17 tháng (1982-1983). Nhưng trong thời gian ấy, ông ta tăng cường chiến dịch chống nổi dậy do các tiền nhiệm khởi xướng.

Tướng Montt từng học ở School of the Americas, nơi được coi là trường đào tạo các nhà độc tài Nam Mỹ, do Mỹ lập và điều hành, giảng dạy.

Tháng 5.2013, Montt bị kết án 80 năm tù về tội diệt chủng và chống lại loài người. Nhưng 10 ngày sau, tòa án hiến pháp hủy bản án này, yêu cầu xử lại.

Ngày 14. 1.2016, hy vọng khôi phục công lý cho người Maya xẹp dần, khi có tin phiên tòa bị hoãn vì sức khỏe suy yếu nặng của Montt, 89 tuổi.

Montt được cho là bị bệnh lão suy, nằm liệt giường tại một ngôi nhà sang trọng ở thủ đô Guatemala. Ông ta đã không có mặt hôm mở lại vụ xét xử (11.1.2016).

Cựu tổng thống Montt ở tòa án năm 2013
Cựu tổng thống Montt ở tòa án năm 2013

Bí mật bẩn thỉu của Ronald Reagan

Theo Daily Beast, dù phán quyết có thế nào chăng nữa, phiên tòa cũng đã vạch trần những vụ giết người bạo tàn, bạo lực tình dục và cướp phá các ngôi làng của quân đội Montt.

Các tài liệu mật và chứng cứ pháp y cho thấy ông ta đã ra lệnh thảm sát thổ dân, sự dính líu của Mỹ trong các chiến thuật của ông ta và những hậu quả khủng khiếp.

Pamela Yates, một nhà làm phim tư liệu đã theo dõi vụ xét xử Montt, nói: “Các phiên tòa cách tốt nhất để kể lại một sự thật lịch sử”.  

Yates đã vạch trần bản chất bạo lực có hệ thống và tràn lan, trong bộ phim tư liệu “Khi những ngọn núi run rẩy” quay năm 1983. Trong phim, bà Rigoberta Menchu Tum (người Maya, đã được trao giải Nobel Hòa bình) kể lại việc các nhóm thổ dân bị ngược đãi nhưng sống sót khỏi cuộc đàn áp của chính quyền.

Yates nói: “Giới truyền thông nhà nước Guatemala bị bịt miệng, không đưa tin về những gì xảy ra trên cao nguyên”.

Qua các cuộc phỏng vấn, những chuyến thăm các vùng thổ dân, Yates thu thập chứng cứ những vụ thảm sát bạo tàn đối với thổ dân - những người không hề có vũ khí. Quân đội Guatemala thường khoanh “vùng đỏ” để chỉ vùng do quân du kích cánh tả kiểm soát và Yates biết được chuyện này khi tham gia các chuyến tuần tra.

Sự bạo tàn diễn ra trong thời Chiến tranh Lạnh, chính quyền Mỹ tuyên bố đấy chỉ là một cuộc nội chiến giữa quân du kích có Cuba ủng hộ, với quân của một chính phủ dân chủ!

Năm 1983, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đề nghị quốc hội mở lại cầu không vận để giúp Guatemala, ông nói: “An ninh quốc gia của tất cả công dân Mỹ lâm nguy ở Trung Mỹ. Cần giúp dân Trung Mỹ duy trì phòng chống cuộc xâm lược có thế lực thù địch bên ngoài hỗ trợ”.

Reagan cũng đã có một câu nói nổi tai tiếng: “Montt đã bị nẹt roi vào mông”, ý nói cánh du kích dọa nạt chế độ Montt.

Trước đó, tổng thống Jimmy Carter đã cắt viện trợ quân sự cho Guatemala vì chính quyền nước này vi phạm nhân quyền. Nhưng Reagan phớt lờ lệnh cấm của quốc hội, vẫn viện trợ cho chế độ Montt.

Chính quyền Reagan tiếp tục vận động quốc hội mở lại cuộc viện trợ cho Trung Mỹ, gồm Guatemala. Ngay cả khi không được chấp thuận, Mỹ nhờ các đồng minh như Israel gửi hàng quân sự, chủ yếu là trực thăng.

Bà Menchu nói trong “Khi những ngọn núi run rẩy”: “Khi chính phủ Mỹ viện trợ cho Guatemala, dù là viện trợ quân sự, giúp đỡ kinh tế hoặc cố vấn, họ phải hiểu là họ đang trực tiếp góp phần vào một cuộc tắm máu nghiêm trọng”.

Một nữ thổ dân Maya sống sót làm chứng trước tòa
Một nữ thổ dân Maya sống sót làm chứng trước tòa

Chỉ xin lỗi thôi chưa đủ

Sự dính líu của Mỹ trong cuộc diệt chủng này được giấu nhẹm trong các vụ xét xử nhân quyền và xử Montt ở Guatamala. Nhưng năm 1999, nhân chuyến thăm nước này, tổng thống Mỹ Bill Clinton nói lời xin lỗi về sự dính líu đó.

Dù vậy, bà Yates nói: “Mỹ đồng lõa với cuộc diệt chủng. Tôi không biết liệu họ có biết đó là cuộc diệt chủng hay không. Nhưng họ biết quân đội Guatemala giết dân thường và phe chính trị đối lập, gồm dân thường không có vũ khí. Sự đồng lõa này là sự im lặng và việc Reagan giúp tướng Montt là một gánh nặng lớn mà dân Mỹ phải gánh chịu”.

Bà cũng nói: “Một lời xin lỗi là sự bắt đầu, nhưng tôi không nghĩ thế là đủ. Làm sao đưa người chết sống lại? Làm sao trả lại đất đã bị cướp? Tôi nghĩ cần phải có chính sách đền bù”.

Nhiều người Guatemala chỉ chấp nhận sự thật kinh hoàng của quá khứ quốc gia khi các chứng cứ được trưng trước tòa.

Dưới thời Montt, kế hoạch chống nổi dậy có tên Chiến dịch Sofia. Quân đội tấn công hơn 600 làng ở vùng cao nguyên Guatemala, ước tính 70.000 thổ dân bị giết hoặc mất tích.

Ngày nay, Carlos Chen Osorio, một nhân chứng sống sót kể lại cái ác xảy ra với gia đình ông như sau:

Ngày 13.3.1982, Osorio trốn trên núi, nhìn xuống làng Rigo Negro, nơi quân đội tàn sát 177 phụ nữ và trẻ em, gồm người vợ đang có thai và các con của Osorio.   

Dù đã hơn 30 năm trôi qua, Osorio vẫn khóc khi nhớ lại vụ thảm sát. Ông kể hằng ngày vẫn nhớ đến cái hôm kinh hoàng ấy: “Sao họ có thể kết tội bọn trẻ con là du kích quân được? Nếu có du kích ở làng tôi, có lẽ đã có đánh nhau thật sự”.

Ông nói tiếp: “Chúng không muốn giết một, hai người, nhưng là giết toàn bộ dân Maya. Họ không phải tội phạm hình sự, không phải du kích. Họ là phụ nữ trẻ em, vậy tại sao họ bị chúng giết? Chúng tôi hy vọng luật phải áp dụng với những kẻ chịu trách nhiệm để chúng tôi không còn phải chứng kiến nạn diệt chủng”.

Osorio nay đã tái hôn, có con và cháu. Ông chung tay lập một tổ chức những nạn nhân diệt chủng may mắn sống sót ở vùng núi Baja Verapaz, nơi có đông thổ dân Maya. Tổ chức này muốn đề cao sự ý thức về tội ác của quá khứ và truyền bá văn hóa Maya cho thế hệ trẻ.

Osorio và các nhà hoạt động sẽ tiếp tục công việc của họ, dù Riott và các cựu sĩ quan quân đội có bị đền tội trước công lý hay không.  

Tướng quân đội thì không giết dân thường

Ngày 15.1.2016, khi ông Jimmy Morales được công nhận là tổng tư lệnh quân đội (một ngày sau khi ông nhậm chức tổng thống Guatemala), ông tuyên bố: “Điều tôi và toàn thể nhân dân Guatemala muốn là công lý phải được thực thi. Nhưng công lý không phải để trả thù”.

Trước đó, vào đầu năm 18 sĩ quan hưu trí bị buộc tội tham gia tàn sát thổ dân Maya.

Trong số bị bắt có Benedicto Lucas Garcia, 83 tuổi, tướng chỉ huy quân đội và là em trai của tướng Fernando Romeo Lucas Garcia, tổng thống độc tài Guatemala từ tháng 7.1978 đến tháng 3.1982.

Người sống sót nói trong một vụ thảm sát nọ, Garcia và quân của ông ta giết 256 phụ nữ, trẻ con và người già của bộ tộc Maya Achi.

Ông ta tuyên bố ở tòa: “Nếu tôi giết người là khi chiến đấu, dẫn quân chứ không làm những trò hèn nhát đó”.

Cựu tướng Garcia bị bắt
Cựu tướng Garcia bị bắt

Cựu tướng Francisco Luis Gordillo cũng bị bắt. Ông ta lật đổ tổng thống Montt hồi năm 1983.

Cựu chỉ huy tình báo quân đội là Manuel Antonio Callejas y Callejas và Byron Barrientos (bộ trưởng nội vụ thời tổng thống Alfonso Potillo từ năm 2000-2004) cũng bị bắt. Callejas từng cùng nhóm sĩ quan lật đổ chế độ tổng thống Garcia năm 1982.

Cựu sĩ quan Edgar Justino Ovalle (thuộc đảng FCN-Nacion của tân tổng thống Morales) cũng dính líu những vụ tàn sát này. Ngành công tố đã yêu cầu truất quyền miễn trừ truy tố đối với nghị sĩ Ovalle, để có thể buộc tội ông ta vi phạm nhân quyền.

Có 13 cựu sĩ quan bị buộc tội dính líu ít nhất 88 vụ thảm sát dân Maya từ năm 1981 đến 1986. Bốn người khác bị tố cáo gây ra vụ mất tích bé trai Marco Antonio Molina Theissen năm 1981.

Các vụ bắt giữ này là kết quả 3 năm điều tra tại một căn cứ quân sự, nơi phát hiện xác của 558 người gồm 90 trẻ em. Xét nghiệm DNA xác minh được nhân thân của 97 người đã bị mất tích từ năm 1981 đến 1986.

Tội diệt chủng được định nghĩa là “cố tình tiêu diệt,toàn bộ hoặc một phần, một quốc gia,một bộ tộc, các nhóm tôn giáo hoặc sắc tộc, bằng những hình thức đàn áp thể chất”.

Một ủy ban tìm hiểu sự thật ở Guatemala năm 1998 khi tìm chứng cứ, đã quyết tội diệt chủng là chữ chính xác để chỉ những vụ thảm sát thổ dân Maya trong cuộc nội chiến.   

Vĩnh Thụy - Theo Daily Beast, Reuters, Một thế giới