Công chúng lại một lần nữa xôn xao bởi sự yếu kém của cơ quan kiểm duyệt điện ảnh đã vô tình tiếp tay cho bộ phim tuyên truyền chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông.
Từ hồi cuối tháng 9, bộ phim hoạt hình “Everest - người tuyết bé nhỏ” (tựa tiếng Anh là Abominable) đã được quảng bá rầm rộ toàn cầu, trong đó có các cụm rạp tại Việt Nam. Tại Việt Nam, nhà phát hành của bộ phim - Công ty TNHH CJ CGV - đã giới thiệu rộng rãi rằng đây là một trong các phim hay của tháng 10 và đã chính thức khởi chiếu ở cụm rạp CGV và nhiều cụm rạp khác trên toàn quốc, bắt đầu từ ngày 4/10.
Nội dung bộ phim xoay quanh cô gái tuổi teen tên Yi vô tình phát hiện một người tuyết tên Yeti trên mái nhà của khu căn hộ cô bé sống tại Thượng Hải (Trung Quốc). Yeti được Yi và nhóm bạn đặt tên là “Everest”. Sau đó, các bạn trẻ này cùng lên đường giúp Yeti quay trở về dãy Himalaya.
Tấm bản đồ có đường lưỡi bò treo trong phòng cô bé |
Tuy nhiên, trong phim “Everest - người tuyết bé nhỏ” (Abominable), các hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” xuất hiện công khai trong nhiều cảnh phim: Hình ảnh “đường lưỡi bò” trên tấm bản đồ Trung Quốc trên sân thượng nhà nhân vật chính Yi, treo trên tường trong căn phòng nhỏ của cô cũng xuất hiện nhiều lần trong bộ phim.
Vì thế dư luận đang đặt ra câu hỏi về cách “cài cắm” hình ảnh như vậy có phải là chủ ý lén lút tuyên truyền bản đồ phi pháp của Trung Quốc?
Nhưng điều đáng nói là cơ quan kiểm duyệt điện ảnh ở đâu mà bộ phim lại "lọt" vào được hệ thống phát hành rộng rãi như vậy? Tại sao cơ quan kiểm duyệt không có sự cảnh giác cần thiết nào, khi một trong hai nhà đồng sản xuất của Abominable chính là Công ty Pearl Studio của Trung Quốc?
Thu hồi phim có sửa chữa được không?
CJ CGV đã dừng chiếu bộ phim trên toàn bộ hệ thống rạp, tháo gỡ trailer quảng bá trên hệ thống. Nói về sự việc, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông mới đây khẳng định: “Chúng tôi sẽ xử lý ngay với việc thu hồi phim rồi sửa chữa”.
Bà Nguyễn Thu Hà - Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTT&DL) cũng khẳng định trên Báo Thanh niên: “Chúng tôi thẳng thắn nhận trách nhiệm. Về phía Hội đồng cũng đã làm việc trách nhiệm và cũng khó trách. Chúng tôi sẽ nhắc nhau cảnh giác hết sức, để công việc của Hội đồng được thận trọng hơn. Nhưng người nhận trách nhiệm sẽ là tôi, chứ không thể bắt Chủ tịch Hội đồng nhận trách nhiệm được. Thường thì Cục trưởng Cục Điện ảnh không có trách nhiệm xem toàn bộ phim cần duyệt. Nhưng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm của đơn vị quản lý nhà nước”.
Câu trả lời của bà Cục trưởng Cục Điện ảnh e là khó thỏa lòng mong đợi của công chúng Việt.
Hồi tháng 3/2018, bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ” cũng do CGV phát hành đã từng gây ồn ào dư luận, nhiều khán giả đã vô cùng bức xúc vì có hình ảnh đoàn tàu chiến Trung Quốc đi qua một vùng biển được chú thích bằng dòng chữ “South China Sea” (tức Biển Đông).
Tại phân cảnh này của bộ phim, hạm đội Trung Quốc phát loa yêu cầu một tàu chiến khác phải “rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc”. Thông tin từ bộ phim đã đưa hoàn toàn sai lệch, xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền của Việt Nam đối với Biển Đông.
Ở thời điểm năm ngoái, đại diện Cục Điện ảnh đã khẳng định rằng Hội đồng thẩm định đã thẩm định phim đúng quy trình. Thậm chí, Cục bác bỏ ý kiến cho rằng bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ” có liên quan đến chủ quyền biển đảo. Trong khi, thực tế được cung cấp từ nhiều chuyên gia về Luật Biển, về lãnh thổ đều cho rằng chính vào thời điểm trên, website của Bộ Quốc phòng Trung Quốc có thông tin giới thiệu “Điệp vụ Biển Đỏ” nằm trong chiến lược tuyên truyền cho yêu sách chủ quyền của nước này trên Biển Đông.
Cuối cùng thì vụ việc chìm vào quên lãng và cũng không có bất cứ cá nhân hay tập thể nào phải chịu trách nhiệm về những bộ phim “cài cắm” tuyên truyền vô lối về chủ quyền biển đảo.
Lần này, lỗi lặp lại y như cũ. Mặc dù bộ phim nhanh chóng bị rút khỏi rạp chiếu, Bộ VHTT&DL và Cục đều hứa sẽ xử lý, nhưng cuối cùng liệu có ai, hoặc tập thể nào sẽ chịu trách nhiệm cho sai lầm này, hay lại cho qua như vụ trước?
Cư dân mạng đang phẫn nộ khi vụ này xảy ra đúng thời điểm tàu “Địa chất biển – 8” của Trung Quốc đang hoạt động càn rỡ, phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà Bắc Kinh rêu rao là “vùng biển bên trong đường 9 đoạn của Trung Quốc”.
Hai lần có những sai phạm không hề nhỏ, đều liên quan tới vấn đề chủ quyền đất nước, nhưng đến nay, vẫn không thấy ai bị xử lý, thậm chí, một lời xin lỗi từ tất cả những người liên quan cũng không.
Vụ việc càng thêm một lần khiến dư luận phải lo ngại về việc "gác cửa" ở lĩnh vực văn hóa, cụ thể là mảng điện ảnh - của đất nước.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu