Tài xế taxi tinh ý giúp người phụ nữ tránh mất tiền
Ngày 19/10, Đại úy Nguyễn Thanh Hà, Phó trưởng Công an xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, cho biết đơn vị vừa phối hợp người dân ngăn chặn thành công một vụ giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội.
Lúc này, bà Y. hoảng sợ, Công an xã Hạnh Lâm đã trấn an và giải thích cho bà Y. hiểu đây là vụ lừa đảo, công an không làm việc với người dân qua mạng xã hội.
Theo đại úy Hà, vào khoảng 16h cùng ngày, bà P.T.Y. (67 tuổi, người địa phương), được tài xế Nguyễn Hữu Huyền (50 tuổi, ở xã Hạnh Lâm) chở đến trụ sở công an xã.
Phó trưởng Công an xã Hạnh Lâm cho hay, sự cảnh giác cao độ và phát hiện kịp thời của tài xế Nguyễn Hữu Huyền đã giúp bà Y. tránh bị mất hàng trăm triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.
Vị này cho biết thêm, hiện tình trạng lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội rất thủ đoạn và tinh vi, Công an xã Hạnh Lâm đã phát cảnh báo trên hệ thống truyền thanh cả xã, đăng tải trên trang Fanpage chính thức của đơn vị, gửi thông báo đến các xóm.
Lực lượng công an cũng trực tiếp tham gia, lồng ghép tuyên truyền nội dung này trong các buổi họp xóm, giúp người dân nhận rõ thủ đoạn và phòng tránh việc bị lừa đảo.
Tài xế Nguyễn Hữu Huyền cho biết, vào khoảng 15h ngày 18/10, anh nhận cuộc gọi tới nhà chở bà Y. đến chi nhánh ngân hàng trên địa bàn huyện.
Khi lên xe, bà Y. nghe điện thoại với tâm lý sợ sệt. Trong cuộc trò chuyện, đầu dây bên kia luôn dặn bà Y. không được kể với ai, không được nhờ người thân chở đi và không được tắt điện thoại.
"Lúc này, nghi ngờ bà ấy bị lừa đảo, tôi gắng hỏi chuyện nhưng bà Y. không trả lời", nam tài xế kể và cho biết, anh đã lấy dẫn chứng về các vụ lừa đảo trên mạng thời gian gần đây kể cho bà Y. nghe.
Thời điểm này, bà Y. ghé sát tai tài xế nói "công an bảo tôi bị mạo danh vay mấy tỷ đồng, giờ tôi đi rút tiền tiết kiệm gửi để giải oan".
Ngay sau đó, anh Huyền trấn an bà Y. tắt điện thoại, nạn nhân sau đó đã kể lại toàn bộ sự việc cho nam tài xế nghe.
Theo lời anh Huyền, bà Y. kể bị một người xưng là công an gọi điện, thông báo bà có khoản nợ mấy tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.
Dù không vay mượn ai, song người xưng công an nói bà Y. bị người khác mạo danh vay tiền. Khoản vay mang tên bà Y. nên phải chịu trách nhiệm, nếu không trả, công an sẽ đến nhà bắt.
Sau nhiều giờ trao đổi qua điện thoại, người tự xưng công an yêu cầu bà Y. nộp tiền cho công an để chứng minh sự trong sạch. Khi điều tra xong và bắt kẻ mạo danh sẽ trả lại số tiền này cho bà.
"Bà ấy không có tiền mặt nên đối tượng hướng dẫn bà đến ngân hàng rút tiền tiết kiệm để chuyển khoản", anh Huyền nói.
Bị dọa nạn nếu không nộp tiền, công an sẽ đến nhà bắt. Quá lo sợ, bà Y. răm rắp làm theo lời người xấu. Nghe xong câu chuyện, anh Huyền nói bà bị lừa và khuyên nhủ không nên đi rút tiền.
"Tôi chở bà ấy đến công an xã để trình báo, khi được công an giải thích bà Y. mới yên tâm về nhà", nam tài xế nhớ lại.
"Công an rởm" dọa bắt, người phụ nữ suýt mất 13 chỉ vàng
Tương tự, bà L.T.H. (69 tuổi, ở huyện Thanh Chương, Nghệ An) cũng suýt bị sập bẫy nhóm lừa đảo trên mạng xã hội.
Trưa 15/10, bà H. nhận được cuộc điện thoại, đầu dây bên kia xưng là Công an tỉnh Nghệ An, yêu cầu bà phối hợp làm rõ thông tin liên quan đến một khoản vay ngân hàng.
Người này yêu cầu bà H. chuyển sang Zalo để tiện xác minh trước khi công an chính thức làm việc.
Người xưng công an yêu cầu bà H. vào trong phòng kín, không được nói với ai, phải cắm sạc điện thoại để duy trì liên lạc. Nếu bà rời phòng hoặc điện thoại bị gián đoạn liên lạc sẽ bị bắt, xử lý về hành vi bỏ trốn.
Trên màn hình điện thoại, bà H. thấy một nhóm người mặc sắc phục công an đang làm việc rất nghiêm túc nên bà H. nghĩ là công an thật.
Người xưng điều tra viên, phụ trách vụ việc của bà H. nói bà có một khoản vay 50 triệu đồng tại một chi nhánh ngân hàng quân đội có trụ sở tại Hà Nội và bị nghi ngờ liên quan đến một đường dây ma túy.
Bà H. khẳng định không vay mượn gì, đầu dây bên kia nói nhiều khả năng bà bị lộ thông tin cá nhân, kẻ xấu dùng giấy tờ để vay mượn.
Sau đó, người này hướng dẫn bà H. viết đơn gửi Công an TP.Hà Nội nhờ điều tra, bắt giữ kẻ mạo danh để trả lại sự trong sạch cho mình.
Lúc này, một người mặc áo công an khác đưa ra 2 tấm ảnh, dí sát vào điện thoại, hỏi bà H. có nhận ra ai đây không? Bà H. nói không quen biết 2 người trong ảnh.
"Họ nói đây là 2 đối tượng cầm đầu đường dây ma túy quốc tế, 2 người này khai sử dụng giấy tờ tùy thân của tôi để mua bán ma túy", bà H. kể.
Sau đó, nhóm người mạo danh công an yêu cầu bà phối hợp điều tra qua Zalo hoặc là bị bắt giam 3-4 tháng. Nghe vậy, bà H. hoảng sợ vì trước đó bà từng bị mất chứng minh nhân dân, sợ ai nhặt được làm việc xấu.
"Tôi đồng ý làm việc với công an qua Zalo. Quá trình hỏi han, nhóm người hỏi tôi có tài sản gì không, tôi bảo có vài trăm nghìn và 13 chỉ vàng", bà H. nói.
Đầu dây bên kia nói giờ cần phong tỏa tài sản của bà H. để phục vụ điều tra, nếu chứng minh được bà không liên quan đến hoạt động mua bán ma túy sẽ trả lại. Người này yêu cầu bà H. đi bán số vàng kia để nộp vào kho bạc vì "công an" không giữ vàng.
Người tự xưng công an nói 13 chỉ vàng của bà H. bán được 105,6 triệu đồng nhưng bà chỉ cần nộp 105 triệu đồng. Toàn bộ cuộc nói chuyện trên bà H. không được kể với ai, không sẽ bị bắt. Người tự xưng công an nói bà H. đi bán vàng "công an" sẽ điều ô tô chở đi.
Bà H. mang 13 chỉ vàng đi ra cổng, thấy một ô tô đã chờ sẵn. Điều này khiến bà tin rằng mình đang làm việc với công an.
Ngồi trên ô tô, bà H. được yêu cầu không được gián đoạn liên lạc, giữ bí mật về cuộc điều tra. Lúc sau, bà H. bắt chuyện với tài xế, khi biết tài xế ở xã bên cạnh, có biết con dâu mình và được người gọi điện thuê đến chở. Bà H. nghi mình đã bị lừa.
Khi đến hiệu vàng, bà H. gọi điện thoại cho "cán bộ công an", hỏi về giấy biên nhận, các hóa đơn, chứng từ sau khi nộp tiền. Lúc này, người tự xưng công an nói "công an không lừa ai" và yêu cầu bà H. nộp tiền vào số tài khoản đã cung cấp.
Thậm chí, nhóm người này còn đe dọa, nếu không bán vàng và nộp tiền, họ sẽ cho người bắt bà H. luôn. Bà H. nhận ra mình bị lừa vì việc bắt người phải thông qua địa phương và công an xã.
"Tôi nói mời các anh vào đây bắt tôi hoặc cùng đến trụ sở công an để làm việc. Nghe xong, họ tắt máy", bà H. nói và cho biết.