Bên trong "bệnh viện di động" cứu mạng binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam

Con tàu cứu thương của quân đội Ukraine được sử dụng để vận chuyển những binh sĩ bị thương từ chiến tuyến đến các bệnh viện trên khắp đất nước.

Bà Olga làm việc trong phòng chăm sóc đặc biệt. Bà liên tục kiểm tra mức oxy của bệnh nhân, điều chỉnh thuốc và ghi chép các chỉ số sức khỏe của họ. Dù rất bận rộn, bà vẫn dừng lại để chỉnh gối và chăn, nhằm đảm bảo các binh sĩ bị thương được thoải mái nhất có thể giữa những cơn rung lắc của phòng.

Bà Olga là một trung sĩ trong quân đội Ukraine, hiện đang chăm sóc cho những bệnh nhân nặng nhất. Công việc của bà rất bận rộn – và bà thực hiện công việc đó trên một chiếc tàu hỏa đang chạy.

Con tàu cứu thương của quân đội Ukraine được sử dụng để vận chuyển những binh sĩ bị thương từ chiến tuyến đến các bệnh viện trên khắp đất nước. Bệnh viện di động này hiện là một phần quan trọng của hệ thống y tế của Ukraine, vốn đã bị suy yếu nghiêm trọng sau 2 năm rưỡi chiến tranh tàn khốc.

Hầu hết các thành phố ở miền đông Ukraine đang gặp khó khăn trong việc lo đủ giường bệnh để tiếp nhận lượng thương binh gần như liên tục từ các mặt trận. Nhưng để có thêm giường, ngay cả những bệnh nhân nặng nhất cũng cần được chuyển đến những nơi xa xôi, thường là cách xa hàng trăm km.

Các chuyến đi đường dài bằng xe cứu thương quá nguy hiểm đối với những người đang trong tình trạng nguy kịch, và việc bay bằng trực thăng thì quá nguy hiểm do Nga có ưu thế trên không ở Ukraine.

Bởi vậy, tàu hỏa là giải pháp cứu nguy.

1.png
Trong bệnh viện di động, mọi quy trình đều mang đến những thách thức riêng (Ảnh: CNN)
2.png
Chuyến tàu sơ tán vận chuyển thương binh từ tiền tuyến đến các bệnh viện trên khắp Ukraine (Ảnh: CNN)

“Chúng tôi có thể làm gần như mọi thứ ở đây. Đây là một phòng chăm sóc đặc biệt hoàn chỉnh”, Oleksandr, một đại úy của Lực lượng Y tế Ukraine và là trưởng bệnh viện trên tàu, cho hay.

Ông giải thích rằng công việc của ông trong y tế chiến đấu chủ yếu là ổn định tình trạng bệnh nhân và đưa họ đến nơi an toàn, thay vì điều trị trực tiếp. Công việc của ông trên tàu chỉ là một phần trong chuỗi điều trị cho một binh sĩ bị thương.

“Phần khó khăn nhất là vận chuyển bệnh binh từ chiến tuyến”, ông nói. “Các bác sĩ chiến trường cũng hy sinh như các binh sĩ”.

Quản lý một phòng chăm sóc đặc biệt trên tàu lửa di chuyển là một công việc rất khó khăn, cần sự phối hợp của nhiều người và đối mặt với nhiều thử thách đặc thù.

Ông Oleksandr cho biết hầu hết bệnh nhân của ông, khoảng 90%, đều bị thương bởi mảnh đạn. Nhiều người đã phải cắt cụt chi, và một số được cho thở máy và các thiết bị hỗ trợ sự sống. Tất cả bệnh nhân đều có số viết trên tay để biết họ cần di chuyển đến toa nào trên tàu cứu thương.

“Chúng tôi bị hạn chế rất nhiều...Nếu có vấn đề, tôi không thể gọi bác sĩ từ bên ngoài”, ông nói. “Chúng tôi có thể thực hiện một số ca phẫu thuật nhỏ, như cầm máu. Nhưng chúng tôi không thể thực hiện phẫu thuật bụng hay ngực. Chúng tôi phải rất cẩn thận khi chọn bệnh nhân”.

3.png
Binh sĩ Ukraine Oleksandr cho biết anh bị thương do mảnh đạn và mất thính giác một bên tai sau cuộc tấn công bằng UAV của Nga (Ảnh: CNN)

Chuyến tàu hỏa quan trọng nhất của Ukraine

Bệnh viện tàu hỏa là một ví dụ về sự sáng tạo của người Ukraine. Ông Oleksandr Pertsovskyi, Giám đốc điều hành các hoạt động vận tải hành khách của Công ty Đường sắt Ukraine, cho biết khi xung đột bùng phát vào tháng 2/2022, Ukraine không có bất kỳ toa xe y tế nào.

Để hạn chế rung lắc, tàu di chuyển với tốc độ khoảng 80 km/h, chỉ bằng một nửa tốc độ của tàu thông thường. Nó cũng được ưu tiên hơn tất cả các tàu khác – kể cả các tàu VIP chở các quan chức nước ngoài.

Dù vậy, đơn vị chăm sóc tích cực vẫn bị rung lắc liên tục. Mỗi thiết bị, mỗi giường và mỗi thiết bị đều cần phải được cố định chắc chắn xuống sàn tàu, và nhân viên y tế phải hết sức cẩn thận khi làm việc với bệnh nhân.

4.png
Bệnh viện đường sắt là một ví dụ về sự khéo léo của người Ukraine (Ảnh: CNN)
5.png
Chuyến tàu cung cấp một góc nhìn về sự tàn khốc của chiến tranh (Ảnh: CNN)

Các tàu cấp cứu lần đầu tiên được sử dụng trong cuộc chiến Crimea vào những năm 1850, nhưng đã phát triển rất nhiều kể từ đó. Các phiên bản hiện đại của Ukraine được trang bị máy thở, thiết bị hỗ trợ sự sống, máy siêu âm và máy điều hòa không khí di động để duy trì nhiệt độ ổn định ngay cả trong những ngày nóng nhất.

Mỗi toa tàu là một đơn vị tự cung cấp năng lượng nhờ vào máy phát điện – một tính năng an toàn quan trọng do các cuộc tấn công thường xuyên của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

Những chi tiết nhỏ cũng làm cho những chiếc tàu này trở nên đặc biệt.

Những bức tranh của trẻ em và cờ Ukraine được trưng bày trong mỗi toa, mang lại chút an ủi cho các hành khách bị thương. Các giá đỡ trên mỗi cửa sổ tạo thành hình một chiếc đinh ba, biểu tượng quốc gia của Ukraine, được đặt một cách có chủ ý trong tầm nhìn của các binh sĩ nằm trên giường.

Câu chuyện của hai binh sĩ

Bệnh viện di động mang đến một góc nhìn về sự khốc liệt của chiến tranh. Những chiến binh dạn dày kinh nghiệm và cả các tân binh cùng trên một đoàn tàu, điều gắn họ với nhau là thương tích và nỗi đau.

Ngồi trên giường, ông Oleksandr trông mệt mỏi ngay cả trước khi chuyến đi dài bắt đầu. Ông nói rằng mình bị thương trong một cuộc tấn công bằng UAV của Nga.

“Họ thả một quả lựu đạn. Tôi bị choáng. Tôi bị mảnh đạn găm vào tay, trên vai và lưng”, ông nói, thêm rằng sóng xung kích đã làm hỏng thính giác của ông.

Là một thợ điện và là cha của hai đứa trẻ, người đàn ông 35 tuổi này được huy động 18 tháng trước và đang phục vụ trong vai trò xạ thủ chống tăng trong một trung đoàn bộ binh ở vùng Donetsk. Trong suốt thời gian đó, ông chỉ đã rời xa tiền tuyến 45 ngày.

“Tinh thần chiến đấu cao, nhưng mọi người rất mệt mỏi”, ông nói. “Lúc này bạn nhận ra rằng mọi thứ không phụ thuộc vào bạn, mà vào Chúa. Hoặc vào may mắn. Khi bom rơi, bạn không thể quyết định được gì”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ lâu đã thừa nhận rằng quân đội đang gặp khó khăn trong việc bổ sung lực lượng, khiến các binh sĩ mệt mỏi không có cơ hội nghỉ ngơi.

Sự mệt mỏi đang ảnh hưởng đến tinh thần của các lực lượng tiền tuyến. Hãng truyền thông Mỹ gần đây đã phỏng vấn nhiều chỉ huy và sĩ quan Ukraine, họ cho biết tình trạng đào ngũ và không tuân lệnh đang trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt là ở nhóm tân binh.

Ngồi chỉ cách ông Oleksandr vài giường là ông Stanislav, người đã tự nguyện nhập ngũ chỉ ba tháng trước. Ông cũng bị thương bởi một UAV rơi vào hào của ông, khiến ông bị thủng phổi, gãy xương sườn và nhiều chấn thương khác.

Tuy nhiên, ông Stanislav dường như có tâm trạng hoàn toàn khác với ông Oleksandr. “Sau khi bị thương, tinh thần của tôi không bị giảm sút. Tôi càng có động lực hơn”, ông chia sẻ.

6.png
Olga là y tá gây mê và là trung sĩ trong quân đội Ukraine (Ảnh: CNN)

Cái giá của chiến tranh

Gần 9 giờ sau khi bắt đầu hành trình, tàu bệnh viện cuối cùng đã đến một ga tàu ở một thành phố của Ukraine. Trong màn đêm, một hàng dài xe cứu thương đang chờ đợi các bệnh nhân. Chuyến đi của tàu đã kết thúc, nhưng con đường hồi phục của họ mới chỉ bắt đầu. Một số người có thể sẽ không bao giờ hồi phục hoàn toàn.

Bà Olga, y tá trên chuyến tàu, đang chuẩn bị bàn giao bệnh nhân cho các nhân viên y tế trên ga. Công việc của bà ngày hôm đó đã xong.

Bà gia nhập quân đội với vai trò y tá dân sự vào năm 2015, sau đó chính thức gia nhập quân đội vào năm 2016.

Khi kết thúc ca làm việc, bà nói rằng việc chứng kiến các bệnh nhân nặng từ tiền tuyến là phần khó khăn nhất trong công việc của bà. “Nhưng chúng tôi có cơ hội cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các chiến sĩ 24/7, và đó là điều tuyệt vời nhất”, bà nói.

Khi các xe cứu thương rời đi và tàu bệnh viện rời khỏi ga, ông Pertsovskyi, giám đốc đường sắt, cuối cùng cũng có thể thở phào nhẹ nhõm. Đứng trên nền ga, chỉ vài giờ sau khi ông thấy một tàu đầy tân binh đi theo hướng ngược lại, ông suy ngẫm về sự tàn khốc của cuộc xung đột.

“Vào buổi sáng, tôi thấy những đứa trẻ nói lời tạm biệt với cha của chúng đang hướng về phía tiền tuyến”, ông nói. “Vì vậy, khi thấy những người đó trở về…bất tỉnh hoặc bị cụt tay chân, cảm giác như cái giá của chiến tranh là quá khủng khiếp”.

Theo CNN