BĐS Đà Nẵng: Lách thuế mua bán bằng hợp đồng giữ chỗ
Hồ Xuân Mai
VietTimes – Đa số các chủ đầu tư chưa ký kết hợp đồng mua bán BĐS mà thực hiện việc ký hợp đồng đặt cọc, giữ chỗ với khách hàng với đầy đủ các nội dung như một hợp đồng mua bán BĐS, sau đó khách hàng này tiến hành “chuyển cọc” qua nhiều khách hàng thứ cấp để “hưởng chênh lệch”. Vấn đề không chỉ ảnh hưởng lớn đến thị trường BĐS, gây thất thu thuế cho nhà nước mà còn phát sinh nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội trên địa bàn.
Đó là một trong những nội dung nổi cộm được Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn nêu ra tại Báo cáo số 58/BC-UBND vừa được UBND TP Đà Nẵng vừa gửi Ban chỉ đạo Trung ương chính sách nhà ở và thị trường bất động sản về chính sách pháp luật về nhà ở và thị trường BĐS trên địa bàn TP Đà Nẵng năm 2017 và dự kiến năm 2018.
Theo báo cáo, Đà Nẵng đang đối mặt với nhiều tồn tại, bất cập trong triển khai cơ chế, chính sách pháp luật về nhà ở và thị trường BĐS. Cụ thể, Đà Nẵng đang đối mặt với tình trạng phát triển nhanh của các dự án đầu tư căn hộ khách sạn (condotel) và biệt thự du lịch (tourist villa) cả về số lượng và quy mô. Tuy nhiên hiện nay, loại hình BĐS này vẫn chưa được quy định, điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở, kinh doanh BĐS và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với công trình xây dựng.
Đặc biệt, thực trạng lách luật, áp dụng hình thức đặt cọc trong mua bán BĐS đã diễn ra, khiến nguy cơ xảy ra các vấn đề pháp lý phát sinh khó kiểm soát. Hiện nay có rất nhiều chủ đầu tư dự án BĐS tiến hành rao bán BĐS khi chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định pháp luật. Qua kiểm tra, đa số các chủ đầu tư chưa ký kết hợp đồng mua bán BĐS (có sẵn hoặc hình thành trong tương lai) mà thực hiện việc ký hợp đồng đặt cọc, giữ chỗ với khách hàng với đầy đủ các nội dung như một hợp đồng mua bán BĐS, sau đó khách hàng này tiến hành “chuyển cọc” qua nhiều khách hàng thứ cấp để “hưởng chênh lệch”. Đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng lớn đến thị trường BĐS, gây thất thu thuế cho nhà nước mà còn phát sinh nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên việc kiểm tra, xử lý vấn đề nêu trên hết sức khó khăn do hợp đồng đặt cọc, giữ chỗ chỉ là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định pháp luật về dân sự.
UBND TP Đà Nẵng đề nghị Ban chỉ đạo TƯ về chính sách nhà ở và thị trường BĐS có ý kiến trình Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành liên quan sớmban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về các dự án đầu tư căn hộ khách sạn (condotel) để thuận lợi trong công tác quản lý
Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến thực hiện Luật Nhà ở năm 2014 đối với các cá nhân, tổ chức người nước ngoài, quy định về hệ số phân tầng khi bán nhà công sản cũ, việc người nước ngoài đăng ký thi sát hạch chứng chỉ Môi giới BĐS chưa có qui định cụ thể cũng được UBND TP Đà Nẵng đặt ra.
Trước thực trạng của thị trường BĐS Đà Nẵng trong thời gian qua, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Ban chỉ đạo TƯ về chính sách nhà ở và thị trường BĐS có ý kiến trình Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành liên quan sớm có văn bản hướng dẫn xử lý vấn đề Đặt cọc trong mua bán BĐS (Bộ Tư pháp); sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về các dự án đầu tư căn hộ khách sạn (condotel) và biệt thự du lịch (tourist villa);…