Bát nháo tác quyền nhạc Việt (Kỳ 2): RIAV và câu chuyện khuất tất bản quyền

Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) luôn tự nhận là đại diện cho các nhà sản xuất băng ghi âm, ghi hình mỗi lần đòi tiền tác quyền âm nhạc. S ong, chuyện đòi tiền tác quyền nhạc Việt của RIAV vẫn còn nhiều khuất tất chưa được làm rõ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

RIAV chỉ đại diện cho hội viên

Tại buổi tập huấn pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan... do Bộ VHTTDL tổ chức tại TPHCM vừa qua, bà Trương Thị Thu Dung - PCT RIAV - tự nhận thay mặt cho các nhà sản xuất băng ghi âm, ghi hình để bày tỏ bức xúc về việc hơn 42.000 ca khúc của hơn 20 nhà sản xuất băng đĩa thuộc RIAV đang bị các hãng sản xuất đầu karaoke vi phạm trắng trợn. Tuy vậy, RIAV có thực sự là chủ sở hữu những bản ghi trong kho nhạc của mình hay không thì chưa có cơ sở nào để chứng minh.

Bà Trương Thị Thu Dung cho rằng RIAV có đầy đủ giấy tờ để chứng minh là chủ sở hữu, nhưng khi phóng viên đề nghị cung cấp thì bà Dung thoái thác, không trưng ra được. Nhiều ý kiến cho rằng, RIAV chỉ có thể đại diện cho các hội viên hiện có của mình mà thôi chứ không thể nhân danh, thay mặt cho tất cả các nhà sản xuất bản ghi Việt Nam. Ở Việt Nam hiện có hàng trăm doanh nghiệp (DN) sản xuất chương trình ca nhạc, nhiều ca sĩ cũng lập DN như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Linh, Ánh Tuyết, hoặc nhiều trang web âm nhạc nổi tiếng nhưng không tham gia RIAV. Ca sĩ Ánh Tuyết cho hay, chị không ký ủy thác bất cứ điều gì cho RIAV nhưng lãnh đạo RIAV đi đâu cũng “rêu rao” là đang đại diện cho chị là không đúng. Trả lời về việc có “lạm dụng danh nghĩa” hay không, bà Trương Thị Thu Dung “đính chính” lại, RIAV chỉ đại diện cho các hội viên chứ không phải thay mặt cho toàn bộ các nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.

Thiếu minh bạch

Ngay danh sách hội viên, danh sách doanh nghiệp, cá nhân ký hợp đồng ủy thác (độc quyền và không độc quyền) cho RIAV thu tiền bản quyền (gồm số lượng danh sách bài hát, số lượng bản ghi karaoke) bà Dung cũng không dám công khai, nguy biện rằng đó là tài liệu... mật. Thông thường, bản ghi karaoke là tác phẩm phát sinh của bản ghi bài hát. Vì vậy, để chứng minh mình là chủ sở hữu bản ghi karaoke, nhà sản xuất phải có giấy phép phát hành, phải trả tác quyền cho tác giả thì mới có đủ quyền. Thế nhưng khi chúng tôi đề cập đến việc RIAV bán bao nhiêu bản ghi karaoke cho một Cty Đài Loan (đang có vụ kiện của một số ca sĩ với Cty Đông Hải) bà Dung cũng qua quýt rằng chỉ có 1 số bản ghi karaoke còn phần nhiều là bản ghi ca khúc, đối tác Đài Loan tự đánh chữ và trả bản quyền qua Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Như vậy RIAV có bao nhiêu bản ghi karaoke hợp lệ được ủy quyền hợp pháp để đi đòi tiền bản quyền liên quan?

Việc chia tiền bản quyền mà RIAV thu được theo kiểu cào bằng, đếm số lượng bài để chia khiến hội viên, nhà sản xuất bản ghi không hài lòng. Ông Hoàng Tuấn - đại diện HT Production - cho biết, phần trăm hiệp hội lấy thì hợp lý nhưng ở RIAV có những cái mà hội viên hơi mù mờ về tỷ lệ ăn chia. Có đơn vị này nhận 1 đồng, đơn vị kia 2 đồng, nhưng hội viên không được biết. “Hội viên chỉ nhận được bản tổng hợp số lượng bài thu, số tiền được chia chứ không biết vì sao được như vậy” - ông Tuấn nói. Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Khánh - Giám đốc Cty TNHH Nhạc Xanh - bức xúc, cách chia tiền bản quyền của RIAV không minh bạch nhưng khi ông thắc mắc thì RIAV đã tự ngưng hợp đồng. Tôi ví dụ 10.000 bài hát do các hội viên thân thiết của RIAV thực hiện chỉ vài trăm lượt nghe, trong khi vài trăm bài hát do tôi sản xuất có hàng triệu lượt nghe, nhưng khi chia tiền bản quyền thì RIAV chia như nhau. Chỉ có một số ít thành viên trong BCH quyết định cách chia mà không thông qua chúng tôi. Cũng chính vì sự không minh bạch đó nên Cty Nhạc Xanh đã rút ra khỏi hội và không ủy thác cho RIAV nữa - ông Khánh nói.

Lãnh đạo của RIAV thừa nhận chưa được minh bạch thông tin cho hội viên. Thế nhưng, RIAV vẫn cứ thu, cứ chia tiền theo kiểu thiếu minh bạch rồi vẫn cứ “kêu gào” bản quyền bị xâm phạm. Khi RIAV thu các đối tượng kinh doanh dịch vụ karaoke không được thì quay qua đòi thu của các nhà sản xuất đầu máy. Chính sự mập mờ đó đã khiến giới kinh doanh karaoke lên tiếng.

Theo Lao động