Để được công nhận là kinh tế thị trường: Cần gì?
Trong các chuyến thăm Hoa Kỳ (năm 2013 của ông Nguyễn Tấn Dũng và năm 2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) các nhà lãnh đạo cao cấp nhất của nước ta đều đề nghị Mỹ sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Chúng ta cũng kêu gọi EU làm điều tương tự. Tại sao kinh tế thị trường quan trọng với Việt Nam như thế?
- Theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà Việt Nam chúng ta trở thành thành viên chính thức từ ngày 11/01/2007, những nước được công nhận có nền kinh tế thị trường thì được hưởng những lợi thế như: không bị áp đặt những công cụ chống bán phá giá, không bị phân biệt đối xử. Điều này cho phép Việt Nam được bình đẳng hơn và có lợi cho các doanh nghiệp, cho đất nước phát triển.
Hiện nay, trong số 162 nước thành viên WTO thì có gần 1/3 số nước (trên 50 nước) công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và vì thế họ giảm thiểu tất cả các phân biệt đối xử với chúng ta. Cứ mỗi năm thêm được một vài nước công nhận chúng ta. Đây là điều tốt. Tốt ở chỗ chúng ta đã có sự cải thiện về môi trường pháp lý, kinh doanh. Tốt ở chỗ chúng ta đã vận động để được họ công nhận nhanh hơn, để đến năm 2018, muốn hay không, Việt Nam buộc phải là kinh tế thị trường theo quy định của WTO.
Tuy nhiên cho đến nay, mặc dù đã nhiều lần kêu gọi, nhưng Mỹ vẫn chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Mỹ có những quy định ngặt nghèo hơn?
- Quan niệm thị trường của mỗi nước không giống nhau hoàn toàn. Mỗi nước có những tiêu chí khác nhau. Riêng đối với Mỹ, một nước muốn được công nhận có nền kinh tế thị trường phải đảm bảo 5 tiêu chí mà Mỹ đưa ra. Một là, phải tự do hóa kinh doanh. Hai là, đồng tiền phải được tự do chuyển đổi. Ba là, Nhà nước không can thiệp vào quá trình phân bố nguồn lực. Bốn là, các doanh nghiệp bình đẳng, không phân biệt đối xử doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân. Năm là, vấn đề lao động: quyền đối xử tự do, quyền thương lượng lao động.
Theo ông thì cho đến nay Việt Nam đã đáp ứng được bao nhiêu tiêu chí rồi?
- Hiện nay chúng ta đã đạt được một số tiêu chí rồi. Thứ nhất, vấn đề lao động của ta đạt tới tiêu chuẩn của ILO. Cái này Mỹ công nhận rồi. Chúng ta đã hoàn toàn đồng ý cho phép thành lập công đoàn độc lập ở cấp cơ sở khi ký kết TPP. Thứ hai, Việc Nhà nước không can thiệp vào phân bổ nguồn lực thì chúng ta đang làm từng bước. Hiện nay các loại hình doanh nghiệp đang bình đẳng. Tất cả các dự án, công trình đều được Nhà nước tiến hành đấu thầu tự do, đấu thầu công khai, đấu thầu quốc tế bình đẳng. Rồi thì việc thực hiện sự tự do kinh doanh cũng đang từng bước được hoàn thiện. Thứ ba, về đồng tiền tự do chuyển đổi; cái này chúng ta chưa làm được. Không chỉ có ta chưa làm được. Trung Quốc cũng chưa làm được. Tiêu chuẩn này khó hơn các tiêu chuẩn khác. Nó phụ thuộc vào sức mạnh của nền kinh, khả năng cạnh tranh, khả năng quản lý, rồi uy tín của đồng tiền… Đây là vấn đề không thể làm được trong ngày một ngày hai. Nó đòi hỏi phải có lộ trình, thời gian.
Còn những vấn đề khác liên quan chúng ta đang làm từng bước một. Chúng ta sẽ phấn đấu để từng bước theo những tiêu chuẩn chung của quốc tế. Hơn nữa áp lực cũng chưa tới. Tới năm 2018, khi chúng ta thực hiện TPP, chắc chắn chúng ta sẽ đáp ứng được những tiêu chuẩn chung của quốc tế.
Trong số 162 nước thành viên WTO thì hiện có trên 50 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và vì thế họ giảm thiểu tất cả các phân biệt đối xử với chúng ta.Như ông nói, trong 5 tiêu chí thì việc tự do hóa đồng tiền Việt Nam là khó khăn nhất. Nhưng nếu phải tự do hóa đồng tiền Việt thì điều gì có thể xảy ra?
- Tự do hóa tuyệt đối về tiền tệ là điều rất đáng ngại. Về việc này nhiều nước cũng khuyên chúng ta là đừng nên tự do hóa vội, vì nếu ta tự do hóa quá nhanh thì các tập đoàn thế giới, các nhà tài chính thế giới, rồi những nhà đầu cơ thế giới họ sẽ bỏ hàng tỷ USD để mua bán đồng nội tệ Việt Nam. Họ sẽ mua, bán ngoại tệ, tạo ra những làn sóng lên, xuống và, rất có thể, sẽ khiến toàn bộ nền kinh tế bị đổi theo dòng sóng ấy. Nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế là khá cao. Rõ ràng chúng ta không thể tự do hóa tiền tệ ngay được, vì đây là nguyên tắc, là vấn đề an ninh tiền tệ. Trong toàn bộ các bước tự do hóa thị trường thì tự do tiền tệ là khâu cuối cùng.
Định hướng XHCN và câu chuyện công đoàn độc lập
Lâu nay chúng ta vẫn luôn khẳng định nền kinh tế của chúng ta là “kinh tế thị trưởng định hướng XHCN”. 30 năm qua chúng ta vẫn loay hoay với khái niệm này. Khi còn là Bộ trưởng Bộ KH&ĐT ông Bùi Quang Vinh từng nói “làm gì có nền kinh tế ấy mà đi tìm”. Đối với người Việt Nam còn khó hiểu thì làm sao Mỹ, EU, hoặc các nước khác hiểu được để mà công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường hiện đại, thưa ông? Hơn nữa, khi mà tư liệu sản xuất quan trọng nhất là đất đai vẫn thuộc sở hữu nhà nước?
- Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất là, chúng ta thường chú ý vận động các nước lớn công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường để có được lợi thế. Vì tiêu chí, đòi hỏi của họ khắt khe hơn. Hơn nữa, tiếng nói của họ có trọng lượng lớn. Một khi họ công nhận mình là nền kinh tế thị trường thì các doanh nghiệp của chúng ta vào thị trường họ thuận lợi hơn và đạt được nhiều quyền lợi hơn. Rõ ràng là khi Mỹ, EU ủng hộ, công nhận chúng ta thì các nước khác họ cũng sẽ theo thôi và chúng ta sớm được công nhận là kinh tế thị trường. Đó là lý do vì sao chúng ta hay có xu hướng vận động các nước lớn, đặc biệt là Mỹ công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Việc vận động này hoàn toàn đúng, nước nào cũng thế thôi, để được công nhận là kinh tế thị trường họ đều phải thông qua những lobby như vậy. Điều đó là bình thường.
Hai là, liệu có sự lo ngại hay bị vướng mắc bởi khái niệm “định hướng XHCN”, hay tư liệu sản xuất hay không?
Hiện nay việc nước này hoặc nước kia coi đất đai là là sở hữu tư hay công thì, thực ra, không phải là tiêu chuẩn chung bắt buộc của thế giới. Nói về tư liệu sản xuất thì đất đai cũng chỉ là một dạng tư liệu sản xuất chứ không phải tất cả. Hơn nữa, Mỹ đòi hỏi Việt Nam cũng như tất cả các nước khác, muốn được công nhận là kinh tế thị trường, thì tư liệu sản xuất phải được phân bổ theo nguyên tắc thị trường, chứ không đòi hỏi nó phải thuộc sở hữu của ai.
Vì vậy, Việt Nam có thể giữ đất đai là sở hữu nhà nước, nhưng phải để đất đai phân bổ theo nguyên tắc thị trường. Vậy, thế nào là đất đai theo nguyên tắc thị trường? Tức là “anh” nào: DNNN, DNTN sử dụng hiệu quả hơn thì “anh” ấy được phép sử dụng. Như vậy chúng ta hoàn toàn hài hòa giữa cái chuẩn chung của thế giới với thực tế của Việt Nam hiện nay.
Thế còn định hướng XHCN hay không định hướng XHCN, như đã nói, đối với thế giới, thực ra không quan trọng. Trước hết, TPP không phân biệt và đòi hỏi thế nào là DNNN, nhà nước giữ bao nhiêu phần trăm cổ phần chi phối trong doanh nghiệp. Điều quan trọng là tất cả các loại hình doanh nghiệp phải được đối xử bình đẳng. Bất luận “ông” là ai, “ông” phải ở trong cùng một cơ chế, cùng một sân chơi và không có bất kỳ một phân biệt đối xử nào, không giành bất kỳ ưu đãi nào cho doanh nghiệp nhà nước, thế là được.
Còn việc “định hướng XHCN” hay không định hướng XHCN không quan trọng, miễn là “ông” có cùng một sân chơi, tư nhân, nhà nước như nhau, người dân được bình đẳng, được tự do, nhân quyền được đảm bảo; các hiệp hội dân sự như nhau, các công đoàn, hội đoàn bình đẳng như nhau. Thế là được! Chúng ta chấp nhận cuộc chơi đó.
Khi chúng ta thực hiện Hiệp định TPP, thì một trong những điều kiện tiên quyết phải thực hiện là cho phép thành lập công đoàn độc lập. Liệu điều này có gây ra lo lắng cho chính quyền các các cấp không, theo ông?
- Vấn đề này, về cơ bản là chúng ta đã có sự nhất trí cao và đang từng bước luật hóa để triển khai. Cụ thể đến đâu còn phải chờ thời gian.
Tuy nhiên chúng ta có thể suy diễn theo một logic như thế này: chúng ta chấp nhận công đoàn độc lập. Đây là việc Mỹ đòi hỏi và Mỹ công nhận thì họ mới ký TPP. Ta có chấp nhận nên mới trở thành thành viên của TPP. Công đoàn độc lập là công đoàn hoàn toàn vì quyền lợi của người lao động, là trung gian giữa người lao động với chủ sở hữu lao động, giữa người lao động với nhà nước. Điều đó hoàn toàn đúng, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Và độc lập theo nghĩa là “anh” chỉ hoạt động trong khu vực doanh nghiệp của mình thôi, “anh” không được liên kết thành hiệp hội toàn quốc để tạo ra một lực lượng chính trị đối lập.
Như vậy thì nhà nước vẫn kiểm soát được tình hình. Chúng ta vẫn giải quyết được câu chuyện công đoàn độc lập theo đúng nghĩa là bảo vệ quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp.
Xin cám ơn ông!