Báo Úc: Lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc tranh cãi chuyện quần đảo Trường Sa

Trang Business Insider Time nêu tối 25.9, Lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc tranh cãi chuyện quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, khi ông Tập Cận Bình thăm Nhà Trắng và nói chuyện với Tổng thống Mỹ Barack Obama.  
TQ xây dựng đường băng trên Bãi Đá Chữ Thập
TQ xây dựng đường băng trên Bãi Đá Chữ Thập

Việc lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc tranh cãi chuyện quần đảo Trường Sa được đặt ra, khi 3 năm qua, TQ xây trái phép 7 đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bằng cách đổ cát lên các bãi san hô và các bãi nửa chìm rồi xây dựng tiền đồn quân sự, trong âm mưu độc chiếm Biển Đông.

Mỹ và các nước láng giềng của TQ nói Bắc Kinh vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển, vi phạm quyền tự do hàng hải và cố tình giành chủ quyền.

Còn phải chờ xem ông Obama sẽ xử lý việc này thế nào, nhưng các chuyên gia quốc tế nói: ông Tập sẽ khư khư đòi chủ quyền. Điều này dẫn đến các thắc mắc: Mỹ sẽ chứng tỏ sức mạnh thế nào với các đồng minh ở châu Á, trong khi nỗ lực không làm TQ nóng giận.

Hiện các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ hy vọng Washington sẽ nhận được lời bảo đảm từ chính ông Tập:  Bắc Kinh sẽ ngưng xây dựng trên Biển Đông.

Nhưng từ đầu năm nay, không có dấu hiệu nào cho thấy ông Tập sẽ đồng ý ngưng cải tạo các đảo: người phát ngôn sứ quán TQ tại Mỹ nói: “Quyết tâm bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của TQ thì vững như thạch và không thể tranh cãi”.

Dean Cheng, nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm nghiên cứu châu Á (thuộc tổ chức nghiên cứu Heritage Foundation ở Mỹ) nói:

“Đáng tiếc là tổng thống Mỹ có bàn tay rất yếu về vấn đề này, vì xem ra Nhà Trắng chọn cách không vượt qua vùng hải phận quốc tế mà TQ tuyên bố chủ quyền trái phép”.

Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ (PACOM)  nói quân đội Mỹ cần cử tàu chiến và máy bay tới vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà TQ xây bất hợp pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Theo báo The Wall Street Journal (WSJ) thuyết phục Bắc Kinh thôi xây đảo nhân đảo trên Biển Đông là một trong những thách thức an ninh lớn nhất mà Nhà Trắng phải đối mặt.

Mỹ chọn hướng ngoại giao, thay vì đồng ý với đề nghị của chỉ huy PACOM, nhằm phát thông điệp rằng Mỹ không công nhận tuyên bố chủ quyền của TQ.   

Ông Dean Cheng nói: “Vị đô đốc muốn thế, nhưng Nhà Trắng bảo không được. Vậy là chúng ta chỉ cho TQ rằng họ cứ làm lơ sự phản đối của chúng ta, vì chúng ta chẳng có gì để hỗ trợ cho sự phản đối này”.

Ông Obama tiếp ông Tập
Ông Obama tiếp ông Tập

Theo tờ báo Úc, quần đảo Trường Sa có 30.000 đảo, bãi chìm và bãi san hô. Tất cả đều cách xa bờ biển TQ. Vậy mà TQ hung hăng tuyên bố chủ quyền không phận, vùng đánh cá phong phú và thềm lục địa của quần đảo được cho là có nhiều dầu khí này.

Để thực hiện yêu sách chủ quyền, TQ bắt đầu xây một căn cứ quân sự chính trên Bãi Đá Chữ Thập, vốn được xây dựng thành một đảo nhân tạo 200 hecta. Từ khi bắt đầu xây dựng, bãi này nay có đường băng hơn 3.000 mét, đủ lớn để chiến đấu cơ và vận tải cơ TQ hạ cánh. Đây là âm mưu kiểm soát hàng không Biển Đông của Bắc Kinh.  

Bờ kè cũng đủ lớn để tàu chiến lớn nhất của hải quân TQ cập cảng, trong khi vùng nước xung quanh Bãi Đá Chữ Thập  đủ sâu cho tàu ngầm hiện đại TQ lặn mà không bị phát hiện.

Sau đó, TQ xây thêm 6 đảo nhân tạo nữa, và nhóm đảo này đều sử dụng vào mục đích quân sự.

Khi trả lời phỏng vấn của báo The Wall Street Journal trước chuyến đi Mỹ, ông Tập khẳng định các đảo nhân tạo “sẽ phục vụ tự do hàng hải” nhưng  không giải thích rõ ràng.

TQ cũng tuyên bố các đảo này chỉ phục vụ hàng hải, khí tượng thủy văn và an toàn hàng hải, nhưng đây là các chức năng thứ yếu. Thực chất chúng được dùng để hải quân, cảnh sát biển và ngư dân TQ thực hiện yêu sách chủ quyền trong cả năm, không cho các nước khác quyền tiếp cận những vùng biển tranh chấp.

TQ gọi đó là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý (tính từ bờ biển TQ) để có thể khai thác dầu khí.  

Greg Polling, giám đốc Chương trình minh bạch hàng hải thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nói:

“Nếu bạn bơm cát lên một bãi san hô nửa chìm, chuyển nó thành một đảo nhân tạo, thì bạn có tổng cộng một vùng an toàn 500 m, để bạn đưa giàn khoan dầu hoặc bất kỳ cấu trúc nổi nhân tạo nào.

Hiện Mỹ đứng ngoài những vấn đề liên quan quần đảo Trường Sa, nhưng Mỹ quan tâm những gì TQ đã làm ở Biển Đông, theo ông Polling:

“Mỹ muốn bảo đảm các tranh chấp giữa TQ với các nước láng giềng được giải quyết một cách hòa bình, giữ gìn hòa bình ở Thái Bình Dương, và TQ không bắt nạt các nước láng giềng.

Mỹ cũng muốn duy trì quyền tự do hàng hải, để Mỹ và các nước khác có thể tự do đi qua các vùng biển mà không bị tàu chiến và máy bay TQ quấy nhiễu”.

Ông Dean Cheng nói: trong khi ông Obama có thể bàn chuyện Biển Đông với ông Tập, các nỗ lực ngoại giao của Mỹ cho đến nay, nhằm ngăn TQ chấm dứt xây đảo nhân tạo và cho phép tự do hàng hải, vẫn chưa đem lại kết quả nào.

Ngày 5.8, Ngoại trưởng TQ Vương Nghị nói TQ sẽ dừng cải tạo đất nhưng tiếp tục xây dựng cơ sở trên các đảo. Nhưng ảnh vệ tinh vẫn cho thấy TQ tiếp tục cải tạo đất, tức là TQ  nói một đàng làm một nẻo.

Bắc Kinh cũng không nói rõ có tiếp tục xây dựng đảo mới hay không.    

Những cách kiểm tra ông Vương Nghị có giữ lời hay không, là Nhà Trắng cho phép không quân-hải quân tuần tra ở các đảo nhân tạo.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter hồi tháng 5 nói: quân đội Mỹ sẽ bay, đưa thuyền và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép.

Nhưng kể từ đó, Mỹ không làm gì. Thượng nghị sĩ Mỹ John MacCain (đảng Cộng hòa) nói việc Nhà Trắng miễn cưỡng đưa tàu chiến hải quân đến khu vực, là “một sai lầm nguy hiểm, công nhận tuyên bố chủ quyền của TQ”.

Nhưng cho đến nay, ông Obama chưa cho phép PACOM đưa tàu chiến đến khu vực vì sợ gây ra một cuộc xung đột khu vực, theo ông Dean Cheng.

Điều này sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm, cho phép TQ “tự giải thích luật quốc tế theo cách của TQ”. Vì các đảo nhân tạo không được tính có EEZ và vùng lãnh hải, theo luật quốc tế.

Ông Dean Cheng cũng nói: “Sau hội nghị thượng đỉnh Obama-Tập, chính phủ Mỹ có thể dốc sức gây sức ép với TQ: cho phép máy bay, tàu chiến Mỹ đi vào vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo, trừng phạt tin tặc TQ xâm nhập an ninh Mỹ…

Nhưng chúng ta chưa có bằng chứng chính quyền Obama đang sẵn sàng có hành động kiên quyết, thường xuyên trước khi ông Obama mãn nhiệm kỳ năm 2017”.

Ứng cử viên tổng thống Mỹ Ben S. Carson (đảng Cộng hòa) viết trên trang National Interest:

“Chính sách đối với TQ của chính quyền Obama không xuyên suốt và không hiệu quả, nên vị tổng tư lệnh Mỹ kế tiếp phải làm điều khá hơn. Dưới sự lãnh đạo của tôi, Mỹ sẽ đứng cạnh đồng minh, quy trách nhiệm khi TQ xử sự xấu, nói thẳng thắn vì những thị trường tự do, vì người tự do và lãnh đạo bằng sức mạnh và sự rõ ràng”.

Ông nêu đối diện TQ trỗi dậy, chính sách “xoay trục về châu Á” của chính quyền Obama nhằm chuyển nguồn lực kinh tế-quân sự Mỹ đến vùng này. Nhưng chiến lược này chưa ngăn được TQ khiêu khích, trong khi lại làm các đồng minh của Mỹ thất vọng.

Ông Carson nói tại châu Á, chính quyền Obama chỉ có những lời phản đối mạnh trước những khiêu khích của TQ, như xây đảo nhân tạo vì mục đích quân sự, đơn phương tuyên bố lập Vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông.

Nhưng sự bức xúc của chính quyền Obama vẫn chưa đủ tầm, nên TQ chẳng sợ. Ông Carson chê chính quyền chỉ tính chứ chưa dám chuyện phạt nặng hoạt động ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ Mỹ của TQ, chẳng thể công khai buộc tội tin tặc TQ đánh cắp dữ liệu cá nhân nhạy cảm của 22 triệu công chức liên bang Mỹ. 

Vĩnh Thụy - Theo Business Insider Times, Một thế giới