Báo Trung Quốc khích: “Mỹ chế tạo thêm tàu sân bay cũng vô dụng"

VietTimes -- Tàu sân bay Mỹ nếu độc lập dựa vào liên đội máy bay của mình để thực hiện nhiệm vụ tấn công thì chẳng khác nào "đưa thịt vào miệng hùm" - báo Trung Quốc nói.
Cụm tấn công tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông. Ảnh: Sina
Cụm tấn công tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông. Ảnh: Sina

Trang tin Sina Trung Quốc ngày 5/9 dẫn một phần nội dung của tờ nguyệt san The National Interest Mỹ ngày 30/8 đăng bài viết "Thời đại tàu sân bay đã kết thúc?".

Bài viết đã tiến hành phân tích trên các khía cạnh như chi phí sử dụng, khoảng cách tác chiến hiệu quả của máy bay tàu sân bay giảm đi và khả năng tác chiến hệ thống vũ khí chống can thiệp/chống tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc từng bước tăng lên.

Bài viết đưa ra quan điểm thời đại tàu sân bay kết thúc, đồng thời đã cố gắng khắc họa khả năng chống tàu sân bay của Trung Quốc với các lời tự khen như "mạnh chưa từng có"... đồng thời cho rằng khả năng tác chiến của máy bay tàu sân bay Mỹ không có hiệu quả như tuyên truyền.

Tên lửa đạn đạo Đông Phong-26 Trung Quốc. Ảnh: Sina
Tên lửa đạn đạo Đông Phong-26 Trung Quốc. Ảnh: Sina

Theo Sina, trước hết, liên đội máy bay trên tàu sân bay lớp Nimitz Mỹ gồm có 62 máy bay, trong đó nòng cốt là máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet và máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet, khoảng cách tác chiến bình quân chỉ là 496 hải lý ( bằng khoảng 918,592 km).

Trong tương lai, nòng cốt của liên đội máy bay tàu sân bay Mỹ là máy bay tàng hình F-35, khoảng cách tác chiến bình quân tăng lên đến 630 hải lý (1.166,76 km), nhưng tải trọng hiệu quả nhỏ hơn, khiến cho hiệu quả tấn công giảm đi.

Điều này có nghĩa là, trong tương lai, Quân đội Mỹ nếu sử dụng toàn diện F-35 thay thế cho máy bay F-18, để duy trì khả năng tác chiến hiện có, ngoài việc tăng số lượng thì không có biện pháp nào khác.

Thứ hai, các tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D và Đông Phong-26 của Trung Quốc ngày càng hoàn thiện, không những cơ động linh hoạt mà còn thể hiện khả năng đột phá phòng không mạnh và độ chính xác cao khi bắn thử trên đất liền và trên biển.

Tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-26 Trung Quốc. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-26 Trung Quốc. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.

Số liệu do Mỹ đưa ra cho thấy, tên lửa Đông Phong-21D có tầm bắn là 900 hải lý (1.666 km), tên lửa Đông Phong-26 có tầm bắn là 1.800 - 2.500 hải lý (3.000 - 4.600 km). Phạm vi tấn công mở rộng, bao trùm lên toàn bộ chuỗi đảo thứ nhất và một phần chuỗi đảo thứ hai.

Mỹ cho rằng tàu sân bay nếu độc lập dựa vào liên đội máy bay của mình để thực hiện nhiệm vụ tấn công thì hầu như có nghĩa là "đưa thịt vào miệng hùm".

Vì vậy, phóng viên Mỹ cho rằng, thời đại tàu sân bay sắp kết thúc, Trung Quốc cũng không cần lãng phí tiền của để chế tạo loại trang bị "vô dụng" này (trên thực tế Trung Quốc đang đóng tàu sân bay mới, thậm chí phải tái chế hàng không mẫu hạm "hết date" của nước ngoài).

Tuy nhiên, báo Trung Quốc tuyên truyền cho rằng Trung Quốc chế tạo tàu sân bay khác biệt hoàn toàn với Mỹ - Mục đích chế tạo tàu sân bay của Trung Quốc là dựa trên "lập trường tích cực, hoàn toàn không phải là đi khoe vũ lực ở cửa nhà nước khác".

Vì vậy, báo Trung Quốc cho rằng báo Mỹ "không cần lo lắng" cho Trung Quốc (về việc chế tạo tàu sân bay). Trung Quốc “biết mình nên làm gì".

Tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Tên lửa đạn đạo chống hạm Đông Phong-21D Trung Quốc (ảnh tư liệu)