Báo Pháp: Thời của hàng rẻ “Made in China” sắp hết

Le Figaro của Pháp vừa có bình luận liên quan đến nền kinh tế khác đang hoạt động chậm lại và làm cả thế giới lo ngại: Kinh tế Trung Quốc.
Nhà đầu tư ngủ gục trước màn hình một sàn chứng khoán ở Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc, 31/07/2015 - REUTERS/China Daily.
Nhà đầu tư ngủ gục trước màn hình một sàn chứng khoán ở Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc, 31/07/2015 - REUTERS/China Daily.

Le Figaro của Pháp vừa có bình luận liên quan đến nền kinh tế khác đang hoạt động chậm lại và làm cả thế giới lo ngại: Kinh tế Trung Quốc. Tờ báo dành hai trang bên trong điểm qua tình hình dưới tựa đề "Cú phanh đáng ngại của kinh tế Trung Quốc".

Nhật báo Pháp ghi nhận là giới đầu tư nước ngoài và lãnh đạo chính trị e ngại nền kinh tế thứ hai của thế giới hạ cánh thô bạo sau nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang suy yếu: Từ thị trường chứng khoán lao xuống dốc, tăng trưởng chờ đợi dưới 7%, tệ nhất từ ¼ thế kỷ nay, cho đến sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trầy trật, xuất khẩu giảm 8,3% vào tháng Bảy...

Le Figaro nêu nguyên nhân đập mắt làm Trung Quốc mất sức cạnh tranh trong tư cách là xưởng gia công của thế giới: Nhân công đắt đỏ hơn, đồng yuan mạnh, năng suất kém, khiến cho sản phẩm giá hạ của Trung Quốc không cạnh tranh được với các các quốc gia Đông Nam Á hay Châu Phi.

Trước khi nhìn tác động bên ngoài, Le Figaro nhận thấy kinh tế Trung Quốc yếu kém đi hiện nay là một thách thức đối ông Tập Cận Bình. Khó khăn kinh tế sẽ khiến người dân mất tin tưởng, việc tăng cường quyền hạn của ông do đó sẽ khó khăn, phức tạp hơn.

Thời hàng rẻ "Made in China" sắp tận

Về hậu quả đối với bên ngoài, dĩ nhiên giới đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc, như các tập đoàn sản xuất xe hơi phương Tây đã bị tác hại nặng nề. Nhưng nếu quả thật hoạt động kinh tế Trung Quốc chậm lại đột ngột, thì đó sẽ là điều đen tối đối với mọi người.

Theo RFI, trong bài xã luận tựa đề "Khi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại...", tờ Le Figaro của Pháp ghi nhận là thời kỳ mà sản phẩm thường dùng nhất hầu như đều mang ghi chú ''made in China" sắp nhanh chóng đi qua.

Tờ báo nhắc lại các sự kiện từ cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán vào đầu hè đã làm mọi người hụt hẫng, giới đầu tư cũng như chính quyền, Bắc Kinh đã tung 144 tỷ đô la để trấn an các thị trường tài chính, cho đến mức tăng trưởng thấp như nói trên và việc Trung Quốc mất sức cạnh tranh.

Tờ báo cho rằng kinh tế Trung Quốc đang trở nên "bình thường" và không có gì đáng ngạc nhiên, có điều là nó mang mầm mống xáo trộn và có thể gây bất ổn.

Tờ báo Pháp nhìn thấy là cách Bắc Kinh giải quyết khủng hoảng sẽ có ảnh hưởng ở cấp độ thế giới. Kinh tế Trung Quốc chậm dần sẽ khiến nhu cầu về nguyên liệu giảm đi, nhập khẩu Trung Quốc giảm khiến đầu tư thay đổi, cũng như quy trình sản xuất quốc tế.

Kinh tế Trung Quốc "hạ cánh mềm" thì các nước phát triển cũng như trỗi dậy có thể rút tỉa được lợi, nhưng nếu "hạ cánh cứng" thì sẽ gây suy thoái toàn cầu, các đối tác yếu của Trung Quốc sẽ bị đè bẹp.

MAI VÂN theo BizLive