Báo Nga cũng nhắc lại rằng, gần đây truyền thông và giới chức chỉ huy quân sự của Bắc Kinh đã công khai lên tiếng kêu gọi nước này sẵn sàng cho một cuộc "chiến tranh nhân dân trên biển".
Cụ thể, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đã lớn tiếng dọa rằng Trung Quốc sẵn sàng tấn công Australia để nâng cao vị thế của Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông sau chính quyền Australia cho biết chính kiến và lập trường của mình về tình hình căng thẳng và hiện trạng ở Biển Đông.
Sputnik cho hay, trước những căng thẳng leo thang ở Biển Đông, mới đây, Đài Truyền hình Nhà nước Trung Quốc cũng đưa tin về việc quân đội nước này đã nâng cao được sức chiến đấu của tàu sân bay Liêu Ninh.
Trong đó, truyền hình Trung Quốc khoe rằng khả năng chiến đấu của tàu sân bay Liêu Ninh (CV-16) đã tăng mạnh. Cụ thể, hàng không mẫu hạm Liêu Ninh có thể mang theo 20 máy bay chiến đấu, giúp năng cao cân bằng sức mạnh của hải quân và không quân Trung Quốc trong khu vực.
Trong cảnh quay cuối cùng của Đài Truyền hình Trung Quốc hôm thứ Hai vừa rồi, tàu sân bay Liêu Ninh đã được biên chế 8 máy bay J-15 cùng các máy bay trực thăng Z-18, Z-9.
Tuy nhiên, hiện nay chưa thể thấy hết số lượng máy bay trên Liêu Ninh nhưng việc nó sẽ hiện diện ở Thái Bình Dương là điều chắc chắn bởi Liêu Ninh là một quân bài giúp Trung Quốc gia tăng khả năng khống chế không phận ở khu vực Biển Đông.
Trong một chương trình truyền hình ngày 4/8, Phó Đô đốc Trung Quốc Yin Zhou cho biết “Khi 8 máy bay J-15 phối hợp tác chiến, nó sẽ tạo ra khả năng uy hiếp cực lớn đối với bất kỳ đối thủ nào”.
Phó Đô đốc Trung Quốc lưu ý: “Liêu Ninh có thể mang tới 20 máy bay".
Theo báo Nga, sự hiện diện của trực thăng cảnh báo sớm trên không (AEW) Z18J và máy bay chống tàu ngầm (ASW) Z-18F bên cạnh dàn máy bay J-15 cho thấy sự phát triển mạnh của không quân, hải quân Trung Quốc.
J-15 được Trung Quốc đánh giá là vũ khí thế hệ thứ năm, là máy bay tiêm kích đa năng có tầm hoạt động lên tới 2175 dặm. Khi kết hợp cùng bộ đôi Z-18J, Z-18F, không quân Trung Quốc ở Thái Bình Dương được truyền thông của Trung Quốc khoe là sẽ có sức mạnh “vô song”.
Sputnik cho rằng, thực tế, việc đưa tàu sân bay Liêu Ninh vào biên chế giúp Hải quân Trung Quốc tăng đáng kể sức mạnh của nước này ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, việc công bố về sức mạnh của Liêu Ninh cho thấy đó là lời đáp trả của Bắc Kinh đối với phán quyết của Tòa trọng tài, trong đó đã bác bỏ yêu sách đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.
Thông qua đó, chính quyền của ông Tập Cận Bình cũng muốn khẳng định với Mỹ và phương Tây thấy sự quyết tâm muốn "làm chủ khu vực" của Bắc Kinh.
Theo truyền thông Nga, Bắc Kinh dương như cảm thấy đã bị dồn đến chân tường trong khi chiến lược “trục châu Á” của chính quyền Obama đang được triển khai, cụ thể hóa, đặc biệt khi Hoa Kỳ triển khai hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.
Trung Quốc đã lên tiếng quan ngại rằng hệ thống THAAD sẽ kích thích việc phổ biến vũ khí tên lửa trong khu vực.
Việc nâng cao sức chiến đấu của tàu sân bay Liêu Ninh cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng lao vào một cuộc chiến tranh trên biển với hi vong sẽ chiếm ưu thế bằng kỹ thuật vượt trội so với các đối thủ nhỏ hơn.