Theo bài viết, các chuyên gia quân sự Liên Xô đã có mặt ở miền Bắc Việt Nam từ 1965 đến 1975 và nhiều bí mật đến nay chưa được công bố hết. Trong số các chuyên gia này có nhân viên tình báo quân sự, chuyên viên vũ khí và cả phi công. Phi công Xô viết sang Bắc Việt Nam để huấn luyện phi công Việt Nam sử dụng máy bay do Liên Xô và Trung Quốc (thực ra sản xuất theo giấy phép Liên Xô) cung cấp.
Phi công Liên Xô bị cấm trực tiếp tham gia chiến đấu, tuy nhiên luôn có ngoại lệ trong chiến tranh và không ngạc nhiên khi biết có những bằng chứng khó mà công bố trước khi Bộ Quốc phòng Nga xác nhận. Một trong những bằng chứng đó là chiến thắng đầu tiên của Không quân Bắc Việt Nam trước Không quân Mỹ ngày 4.4.1965 ở Thanh Hoá là có các phi công Liên Xô tham gia, theo Russian Planet.
Ngày 4.4.1965, Không quân Mỹ dùng 8 máy bay cường kích F-105 Thần sấm tấn công cầu Hàm Rồng ở Thanh Hoá. Trung đoàn không quân 921 của Việt Nam tung 4 chiếc MiG-17 lên đánh các máy bay Mỹ. Các chiếc MiG-17 bay thành 2 tốp tấn công F-105 đang đánh phá cầu Hàm Rồng và nhà máy điện. Kết quả 2 chiếc F-105 bị bắn rơi, không chiếc MiG-17 nào bị trúng đạn, theo Russian Planet.
Thần sấm F-105 của Mỹ bị bắn cháy gần Vĩnh Phúc tháng 9.1966, phi công phải nhảy dù - Ảnh: Tư liệu |
Russian Planet cho rằng chính xác phi công nào ngồi trong buồng lái MiG-17 ngày hôm đó phải đợi khi nào Nga giải mật hồ sơ, nhưng nhiều chuyên gia quân sự Xô viết nói đó là chiến thắng đầu tiên của phi công Liên Xô trước Không quân Mỹ trên bầu trời Việt Nam. Chiến thắng này càng ý nghĩa hơn khi máy bay có tốc độ cận siêu âm như MiG-17 lại đánh thắng máy bay siêu âm và to lớn, hiện đại như F-105.
MiG-17 nhờ ưu thế nhanh nhẹn, cơ động đã bám sát và hạ gục F-105 trong khi phi công Mỹ không hay biết gì về sự nguy hiểm của MiG-17.
F-105 mang tên lửa và bom, bay nhanh nhưng kém cơ động, và chiến thuật tấn công mặt đất của loại máy bay này không thay đổi khi ở Việt Nam là bay thành đôi lao xuống cắt bom vào mục tiêu, không quan tâm đến không chiến.
Và phi công Bắc Việt Nam đã thể hiện khả năng hoàn hảo với sự hướng dẫn của các chuyên gia quân sự Liên Xô và họ cũng phối hợp trực tiếp trong trận chiến (từ liên lạc vô tuyến trên mặt đất đến liên lạc trên không, trừ khi các phi công Liên Xô thực sự tham gia vào các trận không chiến), đã tận dụng lợi thế trước tính toán sai lầm của Không quân Mỹ.
Phi công Bắc Việt Nam chuẩn bị cất cánh với máy bay MiG-17 - Ảnh: acepilots.com |
Việc MiG-17 bám đuôi máy bay F-105 bay nhanh hơn là rất khó khăn, ngay cả khi F-105 chở đầy bom và không đạt tốc độ tối đa; thay vào đó các phi công MiG-17 đã áp dụng chiến thuật phục kích từ mặt đất. Sáng sớm, một hoặc hai chiếc MiG-17 từ sân bay chính cất cánh ở độ cao cực thấp, bay đến gần các mục tiêu nằm gần đường quốc lộ vốn được phi công Mỹ hay dùng để định hướng bay khi ném bom. Và ngay sau khi gặp F-105, các chiếc MiG-17 lao lên, dùng pháo bắn vào F-105, vô hiệu hóa tất cả các lợi thế tốc độ của Thần sấm.
Trong những trường hợp này, máy bay Liên Xô thể hiện tốt nhất các lợi thế cơ động cũng như sự lợi hại của 3 khẩu pháo trên máy bay khi cận chiến. Bởi lúc cận chiến như thế, tên lửa không đối không của máy bay Mỹ không thể phát huy tác dụng vì khoảng cách quá gần.
Cầu Hàm Rồng - Ảnh tư liệu |
Trong các trận không chiến, tỉ lệ thắng nghiêng về MiG-17 so với F-105 là 1,5/1: có khoảng 150 chiếc F-105 bị MiG-17 bắn hạ và chỉ 100 chiếc MiG-17 bị rơi vì F-105. Đó là thành tựu lớn lao của các chuyên gia quân sự Xô viết, đặc biệt là các phi công Liên Xô đã chia sẻ với những người đồng chí Việt Nam về vũ khí lẫn kinh nghiệm chiến thuật.
Và theo kết luận của bài báo trên Russian Planet, nếu cuộc không chiến ngày 4.4.1965 hoàn toàn do phi công Bắc Việt Nam thực hiện thì "dấu vết của Nga" cũng nhiều hơn đáng kể, ngay cả khi các máy bay MiG-17 ngày đó nếu do phi công Liên Xô lái thì cũng phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về tính bí mật.
Bắn hạ "Thần sấm"
Một F-105D bị tên lửa S-75Dvina bắn cháy trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, thời gian khoảng 1965 hoặc 1966 - Ảnh: Wikipedia |
Sáng ngày 4.4.1965, máy bay Mỹ ồ ạt tập trung đánh phá cầu Hàm Rồng và Nhà máy điện Thanh Hóa. Bộ tư lệnh quân chủng cho không quân xuất kích.
Lúc 10 giờ 20 phút, biên đội nghi binh 4 chiếc bay trước, về khu vực Vụ Bản, Phủ Lý (Nam Hà) làm nhiệm vụ thu hút tiêm kích địch. Hai phút sau biên đội tiến công gồm biên đội trưởng Trần Hanh số 1, Phạm Giấy số 2, Lê Minh Huân số 3 và Trần Nguyên Năm số 4 được lệnh cất cánh, bay thấp ra hướng đông rồi bất ngờ vào hướng đông - nam. Đến khu vực chiến đấu, toàn biên đội được lệnh kéo lên chiếm độ cao.
10 giờ 30 phút, các phi công trong biên đội báo cáo phát hiện máy bay địch. Một tốp 4 chiếc F-105D đang kéo lên sau khi bổ nhào cắt bom, độ cao và tốc độ ở thế bất lợi. Phát hiện được điều đó, biên đội trưởng lệnh cho số 2 yểm hộ rồi lao tới bám chiếc đi đầu. Đến cự ly cách địch còn khoảng 400 m, Trần Hanh siết cò, cả ba khẩu pháo cùng nhả đạn. Chiếc "thần sấm" trúng đạn, lật nghiêng rơi thẳng xuống.
Phát hiện máy bay ta, tiêm kích Mỹ quay lại, lợi dụng ưu thế về số lượng, tốc độ và hỏa lực tập trung chặn đánh. Biên đội phải phân làm hai tốp. Số 1 và số 2 ở phía nam Hàm Rồng, số 3 và số 4 ở phía bắc Hàm Rồng. Ít phút sau, được số 4 yểm hộ, Lê Minh Huân số 3 bắn rơi chiếc F-105 thứ hai. Bị đòn đau, đối phương kéo tới đông hơn. Trận không chiến diễn ra ác liệt. Tên lửa không đối không của địch phóng tới từ nhiều phía. Phi công Trần Nguyên Năm anh dũng hy sinh. Trần Hanh vượt ra ngoài vòng vây máy bay địch sau nhiều động tác xử lý phức tạp, để tránh tên lửa của địch nên bị mất phương hướng, liên lạc với sở chỉ huy cũng không được trong khi dầu trên máy bay sắp cạn. Trần Hanh quyết định không nhảy dù và đã hạ cánh an toàn xuống một thửa ruộng trong thung lũng thuộc bản Ké Tằm, phía tây tỉnh Nghệ An. Nhân dân địa phương đã chăm sóc rồi đưa anh về cơ quan huyện đội.
Tấn Tú (Thanh Niên, ngày 21.12.2009)
MiG-17 do Liên Xô phát triển từ dòng MiG-15, sản xuất từ năm 1952, có 1 chỗ ngồi, 1 động cơ, dài 11,26 m, sải cánh 9,63 m, tốc độ tối đa 1.145 km/giờ, bay xa 2.000 km (có thùng dầu phụ). Máy bay này vũ trang 2 pháo 23 mm và 1 pháo 37 mm, mang được 500 kg bom hoặc tên lửa.
F-105 Thần sấm của Mỹ |
F-105 Thunderchief (Thần sấm) do hãng Republic (Mỹ) sản xuất từ năm 1958, có 1 chỗ ngồi, 1 động cơ, dài 19.63 m, sải cánh 10,65 m, tốc độ tối đa 2.200 km/giờ, bay xa 3.550 km, bán kính chiến đấu 1.250 km. Máy bay này vừa không chiến vừa ném bom (cường kích), vũ trang 1 pháo 20 mm loại 6 nòng Vulcan, mang khoảng 6,4 tấn vũ khí gồm bom (có thể mang bom hạt nhân) gắn ở 4 giá treo 2 bên cánh và 1 giá dưới bụng cùng khoang chứa bom trong bụng, và tên lửa.
Theo Thanh Niên
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu