Báo Mỹ Washington Post: Đội ngũ của ông Biden bị chia rẽ về chính sách Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo Washington Post, các trợ lý của ông Biden bị chia rẽ trong vấn đề chính sách với Trung Quốc. Ông Kerry ủng hộ thúc đẩy hợp tác thông qua tiếp xúc cấp cao Mỹ-Trung, trong khi Cố vấn ANQG Sullivan phản đối.
Phía sau mâu thuẫn Mỹ - Trung gay gắt dưới thời chính quyền Joe Biden là sự chia rẽ của đội ngũ trợ lý Nhà Trắng về Chính sách với Trung Quốc (Ảnh: Chinesenews).
Phía sau mâu thuẫn Mỹ - Trung gay gắt dưới thời chính quyền Joe Biden là sự chia rẽ của đội ngũ trợ lý Nhà Trắng về Chính sách với Trung Quốc (Ảnh: Chinesenews).

Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 26/10, sau khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng, ông Joe Biden vẫn đi theo các chính sách thuế quan và lệnh trừng phạt của người tiền nhiệm Donald Trump đối với Trung Quốc, đồng thời đồng ý với nhận định của chính quyền Donald Trump rằng “cách chính phủ Trung Quốc đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã cấu thành tội ác diệt chủng và chống lại loài người”.

Nhưng không giống như Donald Trump, trong khi coi Trung Quốc là "thử thách địa chính trị lớn nhất thế kỷ 21", chính quyền Joe Biden cũng coi biến đổi khí hậu là một "mối đe dọa sinh tồn. Do Trung Quốc là quốc gia phát thải khí carbon lớn nhất thế giới và sở hữu một nửa số nhà máy nhiệt điện than trên thế giới, chính quyền Joe Biden cho rằng phải tăng cường hợp tác với Trung Quốc nếu muốn đạt được mục tiêu kiểm soát mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức từ 1,5 độ C trở xuống.

Sau khi vào Nhà Trắng, ông Joe Biden đã bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng John Kerry làm Đặc phái viên về khí hậu (Ảnh: AP).

Sau khi vào Nhà Trắng, ông Joe Biden đã bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng John Kerry làm Đặc phái viên về khí hậu (Ảnh: AP).

Tờ Washington Post tiết lộ rằng các cuộc thảo luận trước đây của John Kerry, Đặc phái viên Khí hậu của ông Biden, với người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa, đã bị đình trệ vì chính phủ Trung Quốc khẳng định rằng sẽ không thể bắt đầu hợp tác về khí hậu trong bối cảnh căng thẳng về các vấn đề nhân quyền, Hồng Kông, Đài Loan và mậu dịch giữa hai nước.

Tờ báo viết: "John Kerry đã nhiều lần thúc đẩy ngoại giao trực tiếp giữa hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình, cho rằng cải thiện quan hệ song phương có thể tạo ra kết quả tốt hơn ở Scotland (Hội nghị cấp cao về khí hậu của Liên Hợp Quốc sắp họp). Nhưng các trợ lý khác của Nhà Trắng, trong đó có Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, lại hoài nghi về khả năng Mỹ có thể thuyết phục được Trung Quốc giảm bớt lượng khí thải".

Ông Sullivan nói tại một cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia vào mùa xuân rằng ông sẽ không coi trao đổi hợp tác với Trung Quốc về biến đổi khí hậu như là ân huệ của Bắc Kinh trao đổi đối với Mỹ. Ông cũng lặp lại lập trường này khi gặp Dương Khiết Trì, nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc tại Zurich hồi đầu tháng này.

Cuộc gặp gỡ giữa hai ông Jake Sullivan và Dương Khiết Trì hôm 6/10 tại Zurich đã đạt được thỏa thuận tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến Joe Biden - Tập Cận Bình vào tháng 11 tới (Ảnh: Deutsche Welle).

Cuộc gặp gỡ giữa hai ông Jake Sullivan và Dương Khiết Trì hôm 6/10 tại Zurich đã đạt được thỏa thuận tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến Joe Biden - Tập Cận Bình vào tháng 11 tới (Ảnh: Deutsche Welle).

Tờ Washington Post viết rằng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ khiến các nhà lập pháp tự do và các nhà hoạt động khí hậu lo ngại hội nghị khí hậu sắp tới tại Scotland sẽ kết thúc mà không đạt kết quả gì.

Tờ báo viết rằng để tránh xuất hiện kết quả như vậy, John Kerry từ đầu mùa hè đã chủ trương liên lạc qua điện thoại giữa Joe Biden và Tập Cận Bình, nhưng ông Jake Sullivan không đồng ý, cho rằng cuộc gọi như vậy là quá sớm.

Tờ báo viết: “Liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc đã ở mức thấp trong suốt mùa hè. Các chuyến thăm Trung Quốc đầy thất vọng của Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman và ông John Kerry cuối cùng đã khiến đội ngũ của ông Biden đoàn kết và ủng hộ sự cần thiết phải tiến hành liên lạc giữa hai vị tổng thống và chủ tịch nước". Washington Post dẫn lời một quan chức Mỹ nói: "Vì quyền lực tập trung trong tay ông Tập Cận Bình, chúng tôi đánh giá cho rằng cần có cuộc tiếp xúc cấp cao để thúc đẩy sự phát triển của tình hình".

Hai ông John Kerry (giữa) và Jake Sullivan (phải) bất đồng về Chính sách đối với Trung Quốc (Ảnh: Thetimes).

Hai ông John Kerry (giữa) và Jake Sullivan (phải) bất đồng về Chính sách đối với Trung Quốc (Ảnh: Thetimes).

Do đó, ngày 9/9, ông Joe Biden đã có cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với ông Tập Cận Bình. Sau khi ông Sullivan đến Zurich vào tháng trước để có cuộc gặp kéo dài 6 giờ với cố vấn chính sách đối ngoại Trung Quốc Dương Khiết Trì, hai nước Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về việc hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến trước cuối năm nay.

Washington Post viết rằng sự tập trung của John Kerry vào điều phối khí hậu đã khiến ông ta trở thành mục tiêu của các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bang Florida Marco Rubio đã kêu gọi sa thải ông John Kerry, chỉ trích ông cản trở việc thông qua "Luật ngăn chặn cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ". Tờ báo dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng chính phủ vẫn kiên quyết phản đối cưỡng bức lao động, nhưng cơ quan hành chính lo ngại rằng dự luật có thể cấm đưa tất cả các tấm polysilicon ra khỏi Tân Cương, thứ vật liệu cho hầu hết các tấm pin mặt trời trên thế giới, mà việc quảng bá pin năng lượng mặt trời chính là mấu chốt để nói lời tạm biệt với nền kinh tế khí thải carbon.

Theo Washington Post, Mỹ hiện đang gây sức ép với Trung Quốc yêu cầu họ thực hiện các cam kết đầy tham vọng về thời điểm đạt đỉnh lượng khí thải carbon và cung cấp chi tiết cụ thể về cam kết của ông Tập Cận Bình trong việc chấm dứt tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài.

Cho đến nay thời gian và chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Joe Biden - Tập Cận Bình vẫn chưa được xác định (Ảnh: WSJ).

Cho đến nay thời gian và chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Joe Biden - Tập Cận Bình vẫn chưa được xác định (Ảnh: WSJ).

Theo truyền thông Anh, Thủ tướng Boris Johnson đã được thông báo rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không tham dự Hội nghị Khí hậu Liên hợp quốc tại Glasgow, Scotland diễn ra từ ngày 31/10 đến 12/11. Lãnh đạo nhiều nước, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, sẽ tới tham dự hội nghị về khí hậu này. Theo Reuters hôm 26/10 trích dẫn một nguồn thạo tin, ông Tập Cận Bình cũng sẽ không đến Roma để tham dự hội nghị thượng đỉnh Tập đoàn 20 quốc gia (G20) vào thứ Bảy và Chủ nhật (30 và 31/10), mà sẽ chỉ tham gia hội nghị thông qua kết nối trực tuyến.

Hãng tin Reuters trước đó đã đưa tin rằng Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Joe Biden – Tập Cận Bình dự kiến ​​sẽ được tổ chức vào tháng 11. Chương trình nghị sự chi tiết có thể chưa được hoàn thiện cho đến khi Mỹ bàn bạc với các đồng minh khác tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Roma và Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Glasgow (COP26). Nhóm của ông Joe Biden cho rằng bản thân cuộc gặp trực tuyến này có thể không mang lại nhiều kết quả cụ thể. Tuy nhiên, cũng có chuyên gia phân tích cho rằng “Hội nghị thượng đỉnh Joe Biden – Tập Cận Bình sẽ không có kết quả thực sự, nhưng có thể ngăn mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”.