Báo Mỹ vạch trần 5 bước Trung Quốc “dọn đường” chiến tranh

VietTimes -- Bất cứ nước nào muốn gây chiến đều cần cái cớ gây hấn và Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Với những yêu sách chủ quyền phi lý, xây đảo nhân tạo, quân sự hóa, kích động chủ nghĩa dân tộc và phát ngôn ngang ngược, Bắc Kinh đang liên tiếp tự gây hấn ở Biển Đông, Qz nhận định.
Quân đội Trung Quốc tập trận đổ bộ chiếm đảo
Quân đội Trung Quốc tập trận đổ bộ chiếm đảo

Hãy xem xét việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép và quân sự hóa Đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Thậm chí đảo nhân tạo này còn chưa từng tồn tại chỉ vài năm trước và trong hàng thập kỷ nay, tàu bè của các nước có thể đi qua đó thường xuyên mà không bị quấy nhiễu gì. Nhưng hiện nay Bắc Kinh bỗng dưng cảm thấy “bị khiêu khích” nếu như có ai đó đi qua gần địa điểm đó, và phát tín hiệu cảnh cáo hoặc phản ứng một cách hành động hung hăng.

Mới đây, khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường của Mỹ USS William P. Lawrence đã thực hiện đợt tuần tra hàng hải thứ ba gần Đá Chữ Thập và tiến vào phạm vi 12 hải lý của đảo nhân tạo nói trên. Nếu như Mỹ thừa nhận bãi đá này như lãnh thổ của Trung Quốc  (nước này đã bắt đầu làm thế), động thái này sẽ bị xem là tiến vào lãnh hải của Trung Quốc.

Vấn đề là Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền một cách hết sức phi lý với gần như toàn bộ Biển Đông và xem đó như ao nhà của họ. Hãy xem xét thực tế rằng khoảng 5.000 tỷ USD hàng hóa thông thương qua hải lộ chiến lược này hàng năm. Đây là vấn đề không chỉ đối với Mỹ mà với bất cứ quốc gia nào tham gia vào kinh tế toàn cầu. Hải quân Mỹ tuần tra là một sự nhắc nhở Trung Quốc rằng đây là vùng biển mở, bất chấp có các đảo nhân tạo đột ngột được xây dựng sau này.

Bắc Kinh đưa ra tuyên bố yêu sách chủ quyền đối với Biển Đông dựa trên “đường 9 đoạn” vẽ bừa trên một tấm bản đồ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Việc này mâu thuẫn với các luật lệ quốc tế và chồng lấn lên chủ quyền của các nước láng giềng, bao gồm Philippines, Việt Nam và Malaysia, những quốc gia có bờ biển nằm sát ngay vùng biển tranh chấp chứ không xa xôi như Trung Quốc.

Vấn đề là Trung Quốc hiện đang coi là chuyện nghiêm túc, cho dù yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh cực kỳ phi lý. Xét từ quan điểm chiến lược quân sự, ít nhất có thể hiểu tại sao. Tuyến hải lộ chiến lược qua Biển Đông là một trong những điểm vận chuyển dầu khí quan trọng nhất thế giới, theo nhà phân tích địa chính trị Tim Daiss viết trên tạp chí Forbes. Theo ông Daiss, mỗi năm khoảng 60% nguồn cung năng lượng của Nhật  Bản và Đài Loan và 80% nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc phải đi qua vùng biển này.

Nếu như nổ ra một cuộc xung đột liên quan tới các nước kể trên hay các quốc gia khác, kiểm soát được Biển Đông sẽ đem lại cho Trung Quốc một lợi thế rõ ràng trong việc bảo đảm (hoặc phong tỏa) nhu cầu năng lượng cho sức mạnh của bộ máy chiến tranh. Nguồn tài nguyên sống còn nhất mà đế quốc Nhật thiếu hụt trong thế chiến thứ hai chính là dầu mỏ, một bài học lịch sử mà chắc chắn các nhà chiến lược quân sự Trung Quốc không thể bỏ qua (chưa kể Biển Đông được cho là có trữ lượng dầu khí khổng lồ chưa khai thác).

Báo Mỹ vạch trần 5 bước Trung Quốc “dọn đường” chiến tranh  ảnh 1
Báo Mỹ vạch trần 5 bước Trung Quốc “dọn đường” chiến tranh  ảnh 2
Cận cảnh đường băng Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Đá Subi ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Theo báo Mỹ, nhằm giành được lợi thế chiến lược ở Biển Đông, Trung Quốc trước hết phải thiết lập quyền kiểm soát đối với tuyến hàng hải. Việc này cần thực hiện từng bước, có thể diễn ra như sau:

1. Tuyên bố chủ quyền biển.

2. Tạo ra các điểm đóng trú trên biển và biến chúng thành các căn cứ quân sự.

3. Thể hiện sự tức giận nếu có bất cứ ai đến gần các tiền đồn kể trên. Qua thời gian, thiết lập một mô thức bị coi là khiêu khích, cho dù phải kiên nhẫn cảnh báo. Dù thế nào, các tiền đồn không được xem là căn cứ quân sự, do đó sẽ hữu dụng khi thời cơ đến.

4. Khi các tiền đồn gần như đã biến thành các căn cứ quân sự thực sự, khi đó có thể gay gắt phản ứng trước “những hành động khiêu khích”.

5. Một khi hệ thống hạ tầng quân sự đã hoàn thiện, sẽ là bước sẵn sàng cho chiến tranh, thậm chí có thể ghi lại những “hành động khiêu khích” để biện minh cho cớ gây chiến.

Trong khi Trung Quốc không chỉ dựa vào lực lượng quân đội. Nước này có một hạm đội tàu cá khổng lồ và có một ngành công nghiệp đánh cá loại lớn nhất thế giới. Nhiều năm qua, Bắc Kinh đã chi tiền cho các tàu cá hoạt động gần các khu vực tranh chấp trên biển, thậm chí lực lượng này không cần phải đánh bắt nhiều tại khu vực mà chắc chắn đóng vai trò hỗ trợ.

Hạm đội tàu cá Trung Quốc cần phải bành trướng ra xung quanh bởi lẽ nguồn hải sản gần bờ biển nước này đã cạn kiệt do bị khai thác quá mức. Do đó ngư dân Trung Quốc đang cần gia tăng đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, như đang diễn ra. Bằng cách thiết lập các tiền đồn và kiểm soát chặt hơn vùng biển, quân đội Trung Quốc có thể hỗ trợ hành động ăn cướp của hạm đội tàu cá ở các vùng biển xa hay trong vùng biển tranh chấp, báo Mỹ vạch rõ.

Những đợt đánh bắt kiểu ăn cướp trên thường dẫn tới va chạm với lực lượng tuần duyên hay hải quân nước ngoài (càng khiêu khích tiềm tàng hơn). Với những nước khác đáp trả bằng cách tăng cường lực lượng hàng hải và giám sát công nghệ như trường hợp Indonesia, những sự cố va chạm như vậy sẽ diễn ra nhiều hơn trong tương lai.

Bắc Kinh cũng đang cổ súy tình cảm dân tộc trong dân chúng Trung Quốc về quyền lợi quốc gia biển. Gần đây Trung Quốc đã điều chiến hạm đổ bộ chở một đoàn văn công đi lưu diễn ở một loạt các đảo nước này chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông. Nữ ca sĩ nổi tiếng Tống Tổ Nga đã tới Đá Chữ Thập biểu diễn cổ vũ binh lính đồn trú trái phép ở đây. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tung hô sự kiện này, bao gồm phỏng vấn sĩ quan hải quân tuyên bố nực cười rằng “Chúng tôi quyết không để mất một tấc lãnh thổ của tổ tiên chúng ta để lại”. (Trung Quốc mới dùng vũ lực cưỡng chiếm 7 đảo đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988).

Truyền hình Trung Quốc chỉ quay thoáng qua về quy mô của đảo nhân tạo xây dựng ở Đá Chữ Thập ra sao. Đảo nhân tạo bồi lấp trái phép thậm chí có đường băng tiếp nhận tất cả các loại chiến đấu cơ và máy bay vận tải cỡ lớn của Trung Quốc. Điều này cho thấy Trung Quốc rất có thể sẽ bước vào giai đoạn 4 kể trên và do đó Bắc Kinh sẽ gia tăng phản ứng quyết liệt trước cái gọi là “những hành động khiêu khích”.

Báo Mỹ dẫn thực tế khi chiến hạm hải quân Mỹ đi qua Trường Sa hồi tháng 10/2015, Trung Quốc đơn giản chỉ cảnh báo sẽ chống lại hành động vô trách nhiệm. Nhưng trong đợt tuần tra thực thi tự do hàng hải lần thứ ba, khu trục hạm Mỹ vẫn tiến hành như trước, song Bắc Kinh đã điều chiến đấu cơ và tàu chiến bám sát chiến hạm Mỹ.

Thậm chí nói về những hành động của Trung Quốc trên biển trong các sự kiện ngoại giao hiện nay cũng khiến Bắc Kinh nổi giận. Vào tháng 4 vừa qua, Trung Quốc đã cảnh báo hội nghị các lãnh đạo G7 tại Nhật Bản chớ thảo luận về tranh chấp Biển Đông và sau đó đã triệu tập đại diện G7 để bày tỏ “sự bất mãn mạnh mẽ” sau khi G7 vẫn ra tuyên bố chung về vấn đề này.

Chỉ mới đây thôi, một quan chức bộ ngoại giao Trung Quốc là Âu Dương Ngọc Tĩnh, lãnh đạo Cục Biên giới và Đại dương đã cảnh cáo rằng những lời chỉ trích hành động trên biển của Trung Quốc sẽ bị “bật lại như ép lò xo”, càng ép sẽ càng bị bật lại mạnh hơn. Nói cách khác, Bắc Kinh đang thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi pháp , ngang ngược của nước này ở Biển Đông và sẽ coi bất kỳ sự phản đối nào như một lý do để buộc nước này ra tay thậm chí cứng rắn hơn, Qz nhận định.

Chiến hạm Trung Quốc tập trận cùng dàn trực thăng trên biển
Chiến hạm Trung Quốc tập trận cùng dàn trực thăng trên biển

Tư lệnh các lực lượng Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, đô đốc Harry B. Harris đã thẳng thừng tuyên bố trước quốc hội Mỹ rằng Trung Quốc rõ ràng đang quân sự hóa Biển Đông. Trung Quốc biết rằng không thể đứng một mình và do đó đang ra sức tập hợp một số sự ủng hộ ngoại giao, cố lên một danh sách các đồng minh bao gồm cả Gambia, trước khi Toà án Trọng tài Thường trực quốc tế The Hague ra phán quyết, được dư luận rộng rãi trông đợi sẽ có lợi cho Philippines.

Tòa án được thành lập từ năm 1899 này đã giải quyết nhiều vụ tranh chấp biển giữa các nước. Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện do Philippines khởi xướng chống “đường lưỡi bò” ngang ngược ở Biển Đông và bác bỏ thẩm quyền của tòa án quốc tế, hiển nhiên vì hiểu rõ rằng họ đuối lý trong đòi hỏi chủ quyền của mình.

Trong khi đó, theo đúng bài và luận điệu các nhà quan sát quốc tế đã chỉ rõ, bộ quốc phòng Trung Quốc đã sử dụng cuộc tuần tra thực thi tự do hàng hải của Mỹ để biện minh cho việc quân sự hóa quần đảo Trường Sa.  Phát ngôn viên bộ quốc phòng nước này tố Mỹ “quân sự hóa” Biển Đông và trắng trợn tuyên bố: “Hành động trên chứng tỏ việc Trung Quốc xây dựng các cơ sở ở quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa) là hoàn toàn hợp lý và vô cùng cần thiết”.

Báo Mỹ kết luận, chính do hành động của mình, Trung Quốc lại tự coi là nạn nhân bị khiêu khích và lấy cớ đó để thậm chí hành động ngang ngược hơn trong thời điểm hiện nay cũng như sắp tới.