Nếu chiến tranh Mỹ-Trung xảy ra, hàng triệu người hoặc có thể là hàng tỷ người sẽ chết nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng, nền kinh tế toàn cầu cũng có nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên thật may là đến nay nguy cơ này vẫn còn ở rất xa, National Interest phân tích.
Dẫu vậy, mối đe dọa xung đột Mỹ-Trung vẫn còn treo lơ lửng do có quá nhiều những vấn đề gây áp lực khác trong quan hệ giữa hai nước. Tạm thời quên đi những thách thức đến từ IS, Ukraine, Syria hay bất kỳ vấn đề nào khác hiện nay, quan hệ Mỹ-Trung dù có yên ổn hay không vẫn là thách thức quan trọng nhất trên toàn cầu.
Sau hơn 20 năm đầu tư một cách toàn diện, Trung Quốc đã phát triển từ một nước có quân đội hạng ba ít có khả năng tấn công trở thành cỗ máy quân sự hiện đại hàng đầu trên hành tinh. Với sự đầu tư tập trung vào hệ thống vũ khí thực hiện học thuyết quân sự chống tiếp cận, Trung Quốc có vẻ như đang phát triển công cụ cần thiết trong trường hợp chiến tranh với Mỹ thực sự xảy ra. Chủ trương của Bắc Kinh hiện nay là chuẩn bị sẵn sàng.
NI xem xét những thách thức mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt nếu xung đột với Mỹ, theo một cách toàn diện. Theo tạp chí Mỹ, dù Trung Quốc có những công cụ để triển khai sức mạnh nếu có chiến tranh với Mỹ, những thách thức mà Trung Quốc gặp phải vẫn sẽ vô cùng lớn, và nhiều thách thức trong số đó sẽ là những thách thức cơ bản.
Trung Quốc sẽ phải đối đầu với quân đội hiện đại và mạnh nhất hành tinh và đồng thời là cỗ máy chiến đấu mang tính sát thương lớn nhất mọi thời đại. NI đã chỉ ra những lý do vì sao nhiều người tin rằng Mỹ sẽ dễ dàng đánh bại Trung Quốc trong một cuộc chiến.
Bí ẩn lớn: Rốt cuộc quân đội Trung Quốc mạnh cỡ nào?
Trung Quốc vẫn tiếp tục phát triển những vũ khí công nghệ cao. Hiện nay nước này đã sở hữu tên lửa sát thủ tàu sân bay mới. Trung Quốc đang xây dựng thêm tàu sân bay, chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, các loại tên lửa hành trình, các tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm diesel, tàu lặn không người lái, thủy lôi…
Mọi việc có vẻ như rất hoàn hảo, ít nhất là trên giấy tờ.
Nhưng nếu xảy ra chiến tranh thực tế với Mỹ, liệu Trung Quốc sử dụng tất cả các loại vũ khí này hiệu quả đến đâu? Câu hỏi thực tế có vẻ như rất đơn giản: Đúng vậy, Trung Quốc chắc chắn đang phát triển tất cả các yếu tố về công nghệ và quân sự để có thể triển khai một đội quân hùng mạnh. Tuy nhiên, liệu đội quân này sẽ vận hành các thiết bị hiệu quả ra trong điều kiện chiến tranh khốc liệt? Trung Quốc đang phát triển quân đội mang đẳng cấp thế giới, nhưng liệu quân lính nước này có thể vận hành tất cả các thiết bị một cách thành thạo hay không? Họ có được huấn luyện thành thục không? Tóm lại, NI cho rằng có vẻ Trung Quốc sở hữu một quân đội hàng đầu thế giới nhưng lại không biết cách vận hành nó thế nào cho hiệu quả.
Nhiều học giả cũng đồng quan điểm với cách nhìn nhận của NI. Ông Ian Easton từ Dự án 2049 của The Diplomat đã gợi nhắc lại về khả năng, bản chất và nhiệm vụ của quân đội Trung Quốc (PLA).
“Thực trạng phần mềm (quá trình huấn luyện và tính sẵn sàng chiến đấu) hiện nay thực sự đáng lo ngại. Trong một cuộc diễn tập quân sự vào mùa hè năm 2012, một đơn vị chiến lược của PLA có nhiệm vụ xử lý các đầu đạn hạt nhân trong khu chứa nhiên liệu ngầm đã phải bỏ thời gian ra xem phim, tổ chức các bữa tiệc và hát karaoke vào ban đêm trong thời gian 15 ngày tập trận giả. Thực tế, vào ngày tập trận thứ 9, một đoàn văn công đã được đưa ra căn cứ quân sự để biểu diễn trước những người lính mòn mỏi vì nhớ nhà…
Trong khi những năm gần đây, Trung Quốc nỗ lực tuyên truyền nhằm thuyết phục thế giới tin rằng nước này là một cường quốc quân sự được tôn trọng, thế giới lại thường quên rằng Trung Quốc thậm chí còn không có một quân đội chuyên nghiệp. Không giống như lực lượng vũ trang của Mỹ, Nhật, Hàn, Đài Loan hay các đối trọng trong khu vực khác, PLA không phải là một lực lượng chiến đấu chuyên nghiệp do cách thức tổ chức rối rắm và điều hành của nó...”.
Vậy những điều trên ảnh hưởng ra sao tới thời gian cần thiết để đưa ra quyết định nhanh chóng khi xảy ra chiến tranh với Mỹ? Liệu Trung Quốc có bị phụ thuộc vào thách thức này hay không? Dù cho cuộc tập trận năm 2012 có thể chỉ là một sự cố, PLA vẫn là một quân đội đảng trị. Điều này có ý nghĩa ra sao trong cuộc chiến với Mỹ?
Quân đội Trung Quốc có phối hợp tác chiến hiệu quả?
“Phối hợp tác chiến” là cách tốt nhất để khiến một quân đội hiện đại trở nên hùng mạnh hơn. Chia sẻ thông tin tình báo và tiến hành chiến tranh bằng cách điều phối đồng bộ các lực lượng trên nhiều lĩnh vực (trên không, trên biển, trong không gian và trên bộ) là cách tốt nhất để đạt được các mục tiêu quân sự khó khăn và là cách tăng cường gấp bội sức mạnh của lực lượng. Đó là điều mà hiện nay Mỹ và nhiều nước lớn khác đang giành nhiều thời gian, năng lượng và nguồn lực để phát triển.
Trung Quốc cũng đang hành động hướng theo mục tiêu này. Và trong khi các nguồn đưa tin khác nhau về khả năng Bắc Kinh có thể thực hiện một hoạt động phối hợp lớn chống lại một kẻ thù quyết tâm, đặc biệt là chống lại Mỹ, nhiều người vẫn còn nghi ngờ về hiệu quả của việc này.
(còn tiếp)