Báo cáo mật của Liên Hợp Quốc: Triều Tiên tấn công mạng lấy tiền phát triển tên lửa, vũ khí hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Một cơ quan giám sát các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của LHQ công bố Báo cáo cho rằng Triều Tiên đã sử dụng các cuộc tấn công mạng để kiếm tiền dùng cho nghiên cứu, phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân.

Báo cáo mật của cơ quan giám sát các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc cho rằng Triều Tiên sử dụng tấn công mạng để kiếm tiền phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân (Ảnh: RTHK).
Báo cáo mật của cơ quan giám sát các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của Liên Hợp Quốc cho rằng Triều Tiên sử dụng tấn công mạng để kiếm tiền phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân (Ảnh: RTHK).

Hãng tin Anh Reuters ngày 6/2 trích dẫn một báo cáo mật chỉ ra rằng mặc dù Liên Hợp Quốc từ lâu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Triều Tiên, với hy vọng cắt đứt dòng tiền chi cho các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng; tuy nhiên, thông qua các cuộc tấn công mạng vào các sàn giao dịch tiền điện tử không chỉ trở thành nguồn thu nhập quan trọng mà còn gây quỹ cho nghiên cứu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt của của Bình Nhưỡng. Điều này cho phép Triều Tiên tiếp tục phát triển các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của họ bất chấp đòn kép các lệnh trừng phạt quốc tế và đại dịch COVID-19 gây ra trong năm qua.

Bản báo cáo thường niên, do một cơ quan độc lập giám sát các biện pháp trừng phạt Triều Tiên chuẩn bị, đã được đệ trình lên “U.N. Security Council North Korea Sanctions Committee” (Ủy ban trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc) vào hôm thứ Năm (3/2). Báo cáo cho biết: “Mặc dù Triều Tiên không tiến hành các vụ thử hạt nhân hay phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, nhưng họ vẫn tiếp tục nâng cao khả năng sản xuất vật liệu hạt nhân”.

Chỉ trong tháng 1/2022, Triều Tiên đã liên tiếp thực hiện 9 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo (Ảnh: KCNA).

Chỉ trong tháng 1/2022, Triều Tiên đã liên tiếp thực hiện 9 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo (Ảnh: KCNA).

Mặc dù Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từ lâu đã cấm Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân và phóng thử tên lửa đạn đạo, nhưng báo cáo cho biết: "Triều Tiên vẫn tiếp tục duy trì và xây dựng cơ sở hạ tầng tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Bình Nhưỡng tiếp tục tìm kiếm vật liệu, công nghệ và kỹ thuật chuyên ngành ở nước ngoài cho các chương trình này cho dù thông qua truy cập Internet hoặc liên kết nghiên cứu học thuật."

Báo cáo cho biết kể từ năm 2006 đến nay, Triều Tiên đã liên tục phải gánh chịu các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, và Hội đồng Bảo an đã liên tục gia tăng sức mạnh của các lệnh trừng phạt nhằm tìm cách cắt nguồn kinh phí nghiên cứu cho các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, bản báo cáo thường niên này lưu ý rằng trong khi bị thế giới bên ngoài áp đặt phong tỏa và trừng phạt nặng nề, các vụ thử tên lửa của Triều Tiên lại "gia tăng đáng kể". Trên thực tế, Mỹ và các quốc gia khác gần đây đã xác nhận rằng Triều Tiên đã tiến hành tổng cộng 9 vụ thử tên lửa đạn đạo chỉ trong tháng 1 năm 2022. Đây là có số vụ phóng thử nhiều nhất trong một tháng được ghi nhận trong lịch sử từ khi có chương trình tên lửa và vũ khí hủy diệt hàng loạt của nước này.

Báo cáo cho biết: “Triều Tiên đã tăng cường khả năng triển khai nhanh chóng, tính cơ động (bao gồm cả cơ động trên biển) và khả năng phục hồi của lực lượng tên lửa.

Bản báo cáo mật này lưu ý: "Các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là nhằm vào các tài sản tiền điện tử, vẫn là một nguồn thu nhập quan trọng của Bắc Triều Tiên". Tin tặc Triều Tiên thường nhắm mục tiêu vào các tổ chức tài chính, công ty tiền điện tử và các sàn giao dịch.

Báo cáo cho biết: “Từ năm 2020 đến giữa năm 2021, các tin tặc Triều Tiên đã lấy được hơn 50 triệu USD từ ít nhất ba sàn giao dịch tiền điện tử ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á”. Báo cáo trích dẫn một báo cáo vào tháng trước của nền tảng dữ liệu blockchain Chainalysis nói rằng Triều Tiên đã thực hiện ít nhất 7 cuộc tấn công mạng vào các nền tảng tiền điện tử trong năm ngoái, lấy được gần 400 triệu USD.

Tương tự như vậy, một báo cáo năm 2019 của cơ quan giám sát các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cho biết Triều Tiên đã sử dụng các cuộc tấn công mạng quy mô và ngày càng tinh vi để kiếm được ít nhất 2 tỷ USD tài trợ cho chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trong nhiều năm, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã cấm Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, chì, hàng dệt may và thủy sản; đồng thời hạn chế họ nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế. Tuy nhiên Triều Tiên đã đẩy mạnh buôn bán bất hợp pháp, nhập khẩu và xuất khẩu những mặt hàng đó qua buôn lậu. Báo cáo mới nhất của cơ quan này năm 2022 chỉ ra rằng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của Triều Tiên nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 cũng đã ngăn Bình Nhưỡng tiếp tục buôn bán bất hợp pháp.

Báo cáo phân tích, “Mặc dù số lượng xuất khẩu than của Triều Tiên bằng đường biển gia tăng trong nửa cuối năm 2021 nhưng vẫn ở mức tương đối thấp. Trong cùng thời kỳ, số lượng nhập khẩu bất hợp pháp dầu tinh chế tăng mạnh, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với những năm trước."

Triều Tiên đã đạt những tiến bộ rất nhanh trong công nghệ tên lửa (Ảnh: KCNA).

Triều Tiên đã đạt những tiến bộ rất nhanh trong công nghệ tên lửa (Ảnh: KCNA).

Báo cáo cho biết: “Có thể do tác động của các biện pháp hạn chế chống COVID-19, hoạt động buôn lậu dầu của các tàu chở dầu nước ngoài đến Triều Tiên đã chấm dứt; ngược lại, các chuyến hàng dầu hiện được thực hiện bằng các tàu của Triều Tiên”.

Báo cáo cũng nêu lên điều kiện sống ngày càng khó khăn của người dân Triều Tiên. Tình hình nhân đạo ở Triều Tiên tiếp tục xấu đi, có thể là do việc đóng cửa để chống COVID-19; tuy nhiên, việc thiếu thông tin từ Triều Tiên có nghĩa là rất khó để làm rõ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đã vô tình làm tổn thương người dân nước này đến mức nào.”

Báo cáo đề cập rằng cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Triều Tiên tiếp tục xấu đi theo các biện pháp phong tỏa dịch bệnh mới, nhưng rất khó để đánh giá tác động của các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với người dân địa phương do thiếu thông tin.

Tuy nhiên, phái bộ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc ở New York đã không lên tiếng phản hồi về bản báo cáo thường niên này của Liên Hợp Quốc do Reuters tiết lộ.