Vụ thử mới nhất này là vụ thử lần thứ tư mà Triều Tiên thực hiện trong năm 2022, trong đó 2 vụ thử trước có liên quan tới “các tên lửa siêu thanh” với khả năng đạt vận tốc cực cao và chuyển hướng sau khi được phóng, và một vụ thử khác trong hôm thứ Sáu tuần trước trong đó tên lửa đạn đạo tầm ngắn được phóng từ tàu hỏa.
Quân đội Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ một sân bay ở thủ đô Bình Nhưỡng, bay được khoảng 380 km và đạt độ cao tối đa 42 km.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) ngày 18/1 cho hay, Học viện Khoa học Quốc phòng đã tổ chức một cuộc thử nghiệm tên lửa dẫn đường chiến thuật ở miền Tây nước này, và những tên lửa này “đã đáp trúng mục tiêu trên đảo một cách chính xác”.
“Cuộc thử nghiệm được thực hiện nhằm đánh giá có chọn lọc các tên lửa dẫn đường chiến thuật đang được chế tạo và triển khai, và để xác nhận độ chính xác của hệ thống này” – KCNA cho hay, thêm rằng vụ thử nghiệm “đã xác nhận được độ chính xác, an toàn và hiệu quả của hệ thống vũ khí đang được sản xuất”.
Hàng loạt các vụ thử diễn ra với tần suất cao bất thường của Triều Tiên đã vấp phải sự lên án của Mỹ cùng lời kêu gọi áp lệnh trừng phạt, trong khi Bình Nhưỡng cảnh báo về những hành động mạnh tay hơn. Điều này làm dấy lên sự lo ngại về sự trở lại của một giai đoạn”lửa và phẫn nộ” trong năm 2017.
Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên, Sung Kim, đã hối thúc Bình Nhưỡng “ngừng những hoạt động phi pháp và gây bất ổn” và mở lại đối thoại, nói rằng ông luôn sẵn sàng tham gia các cuộc gặp “mà không có điều kiện tiền đề”; Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 18/1 nói rằng họ coi tất cả các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là “mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng”, thêm rằng họ có đủ khả năng để phát hiện và đánh chặn chúng.
Phát ngôn viên của LHQ Stephane Dujarric cũng gọi các vụ thử tên lửa của Triều Tiên là “ngày càng gây quan ngại” trong một cuộc họp báo, kêu gọi tất cả các bên trở lại bàn đàm phán để giảm thang căng thẳng và thúc đẩy “tiến trình giải giáp hạt nhân có thể xác nhận được trên bán đảo Triều Tiên”.
Triều Tiên từng sử dụng sân bay Sunan để phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 vào năm 2017, với sự tham gia của lãnh đạo Kim Jong-un.
Triều Tiên đã ngừng thử nghiệm các tên lửa đạn đạo liên lục địa có tầm bắn xa nhất của họ và các vũ khí hạt nhân kể từ năm 2017, và đến năm 2018 Washington bắt đầu có nhiều hoạt động ngoại giao để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng bắt đầu nối lại các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn sau khi đối thoại giải giáp hạt nhân bị bế tắc kể từ năm 2019.
Vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên không có sự tham dự của ông Kim Jong-un. KCNA đã công bố một bức ảnh cho thấy một tên lửa đang bay thẳng lên trời, phía sau nó là một làn khói bụi dày đặc.
Kim Dong-yun, cựu quan chức Hải quân Hàn Quốc hiện đang giảng dạy tại đH Kyungnam ở Seoul, nói rằng Triều Tiên dường như đã phóng tên lửa KN-24, mà lần gần đây nhất được đem ra thử nghiệm là vào tháng 3/2020, và tên lửa này đã bay được 410 km, độ cao tối đa 50 km. Ông nói rằng KN-24 được thiết kế để né các hệ thống phòng thủ tên lửa, được sử dụng để thực hiện các đòn tấn công chính xác cao.
“Triều Tiên dường như đã triển khai và bắt đầu sản xuất hàng loạt tên lửa KN-24” – ông Kim nói – “Thêm nữa, vụ thử vừa qua có thể là động thái phô trương sức mạnh để làm đậm thêm lời cảnh báo mà họ đưa ra.”
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu