Ông Kiêm bình luận hoạt động mua bán trái phiếu là việc làm thường xuyên của Chính phủ. Chỉ có căn cứ vào đối tượng mua, lãi suất quy định cao quá làm phá vỡ mặt bằng lãi suất, hay là sử dụng vốn không đúng mục đích, không hiệu quả gây nợ công hoặc nợ xấu của ngân hàng tăng lên mà xem xét.
“Với việc bộ Tài chính bán cho Vietcombank 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ với lãi suất 4,8%, kỳ hạn 5 - 10 năm, có vẻ Chính phủ sẽ thiệt hơn còn Vietcombank thì có lợi. Vì vậy, cần phải công khai những hoạt động mua bán này để thiệt hại được giảm bớt”, ông Kiêm đánh giá.
Ưu ái cho Vietcombank?
Ở một góc nhìn khác, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng khó có thể nói vấn đề thiện hơn ở đây, vì nếu phát hành trái phiếu Chính phủ bằng tiền VND thì lãi suất còn cao hơn.
Ông Kiên nhận định việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua trái phiếu này vì lãi suất 4,8% là cao thì chưa chắc.
“Cần phải nhìn lại lãi suất phát hành trái phiếu USD năm 2006 ở New York thế nào. Khi đó mình phải huy động lãi suất hơn 6%/năm cho lô trái phiếu trị giá 750 triệu USD. Thời điểm đó lãi suất vẫn chưa cao”, ông Kiên bình luận.
Ông Kiên nhận định sức khỏe nền kinh tế của mình thì mình tự đánh giá là khỏe nhưng quốc tế lại đánh giá thấp và phải chấp nhận.
“Mình cứ nói vậy thôi chứ đánh giá thực lực nền kinh tế của mình thì nước ngoài đánh giá khác và đòi mức lãi suất khác”, ông Kiên phân tích.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng mức lãi suất 4,8% là mức lãi suất tương đương lãi suất trái phiếu quốc tế của Chính phủ mới phát hành ra thị trường quốc tế vào tháng 11/2014.
“Mức lãi suất này được thị trường đánh giá đáng mơ ước với một khoản đầu tư của ngân hàng thương mại vì nó cao hơn lãi suất tiền gửi USD tại ngân hàng Việt Nam khá nhiều. Thậm chí, nếu Chính phủ đấu thầu công khai số trái phiếu này thì có lẽ giá vốn thu về cho ngân sách sẽ rẻ hơn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính bình luận.
Song ông Hiếu cũng cho rằng việc làm này cũng có phần hợp lý, bởi Nhà nước vẫn là cổ đông lớn nhất của Vietcombank.
“Do vậy, nếu đánh giá việc mua trái phiếu này là lợi thì đương nhiên, Chính phủ sẽ ưu tiên cho Vietcombank. Còn nếu đánh giá việc mua này là hỗ trợ, thì Vietcombank với tư cách là “con” thì phải hỗ trợ Chính phủ”, ông Hiếu bình luận.
Lý giải nguyên do Bộ Tài chính chọn Vietcombank để bán lô trái phiếu này, ông Ngô Hoàng Long, Trưởng phòng CTCK Vietcombank, cho rằng tính theo số liệu cuối năm 2014, huy động bằng USD tại Vietcombank từ các khách hàng ngoài thị trường liên ngân hàng cao hơn gấp hai lần so với tại Vietinbank và BIDV. Cụ thể, đạt 4,2 tỷ USD vào cuối năm 2014.
“Giao dịch mua trái phiếu Chính phủ lần này phản ánh khả năng của các ngân hàng quốc doanh trong việc thu hút nguồn tiền gửi bằng USD và trong khía cạnh này, Vietcombank và Vietinbank hiện ngang nhau khi cùng huy động được khoảng 1 tỷ USD trong năm 2014. Tuy nhiên, Vietcombank đã đạt được điều này phần lớn nhờ tiền gửi khách hàng trong khi VietinBank đạt được hoàn toàn từ tiền gửi liên ngân hàng, vốn chịu nhiều biến động hơn”, ông Long phân tích.
Vietcombank hưởng lợi từ thương vụ này?
CTCK TP.HCM (HSC) cho rằng việc bộ Tài chính bán 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5-10 năm và lãi suất coupon 4,8%/năm cho Vietcombank sẽ giúp cải thiện tỷ lệ NIM (tỷ lệ lãi cận biên) cho ngân hàng này, dù không đáng kể lắm.
Theo HSC, Vietcombank được chọn để mua trái phiếu Chính phủ bằng USD trên vì đây là ngân hàng duy nhất trong hệ thống có nguồn huy động USD dồi dào nhờ hệ số LDR (tỷ lệ dư nợ trên huy động vốn) USD thấp, là 64,7% (nguồn huy động USD gồm tiền gửi dân cư và tài khoản thanh toán từ Kho bạc nhà nước).
“Ngoài ra, Vietcombank mới thu về các khoản cho vay vài trăm triệu tỷ USD cho các doanh nghiệp dầu khí. Quan trọng là, Vietcombank có thể vay ngoại tệ từ các định chế tài chính quốc tế (chẳng hạn như đối tác chiến lược là Ngân hàng Mizuho) nếu cần”, HSC phân tích.
Theo HSC, thương vụ mua trái phiếu trên sẽ giúp cải thiện tỷ lệ NIM dù không đáng kể cho Vietcombank vì mức chênh lệch lãi suất 3% (bằng lợi suất trừ đi lãi suất huy động) từ đầu tư trái phiếu USD cao hơn so với mức trên 2% từ đầu tư trái phiếu bằng tiền đồng do lãi suất huy động USD thấp hơn nhiều lãi suất huy động tiền đồng.
“Chúng tôi ước tính đầu tư 1 tỷ USD trái phiếu với lãi suất coupon 4,8% sẽ đem lại cho Vietcombank thêm 160 tỷ đồng so với đầu tư cùng một số tiền vào trái phiếu tiền đồng kỳ hạn 5 năm (hiện có lợi suất là 5,95%)”, HSC tính toán.
Ông Ngô Hoàng Long, Trưởng phòng CTCK Vietcombank, tính toán kết thúc quý 4/2014 Vietcombank đã có tỷ lệ trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn vào khoảng 11,5%. Việc mua lại 1 tỷ USD trái phiếu sẽ đẩy tỷ lệ này lại gần mức trần 15% quy định tại Thông tư 36/2014.
Theo ông Long các số liệu do Vietcombank cung cấp cụ thể là chi phí huy động bằng USD trung bình tại mức 0,75%/năm và lợi suất tín dụng bằng USD trung bình là 4,8%/năm.
Theo Bizlive