Quan hệ Mỹ - Trung:

Bài 2: Nếu xảy ra, chiến tranh Trung – Mỹ sẽ là cuộc chiến hủy diệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Xin đăng tiếp phần hai bài viết dài của Giáo sư Tiêu Công Tần, học giả nổi tiếng ở Khoa Lịch sử Đại học Sư phạm Thượng Hải bàn về quan hệ Trung – Mỹ và nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay. Bài viết được đăng trên trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 11/9.
Giáo sư Tiêu Công Tần: nếu xảy ra, chiến tranh Trung - Mỹ sẽ là một cuộc chiến mang tính hủy diệt (Ảnh: Sohu).
Giáo sư Tiêu Công Tần: nếu xảy ra, chiến tranh Trung - Mỹ sẽ là một cuộc chiến mang tính hủy diệt (Ảnh: Sohu).

Ông Tiêu Công Tần viết: "Như đã phân tích trước đây, một khi Mỹ coi một quốc gia nào đó là kẻ thù, thì phản ứng của họ với quốc gia đó chưa bao giờ có giới hạn. Nếu họ ra tay, hành động của họ không bao giờ có thể được suy đoán dựa trên suy luận thông thường “phản ứng tương đương” của chúng ta. Chính vì vậy, trong bước tiếp theo, Mỹ rất có thể trực tiếp tấn công vào các tàu sân bay và hạm tàu chủ lực hiện có của Trung Quốc bất kể cái giá phải trả là bao nhiêu, đồng thời cố gắng tiêu diệt lực lượng hải quân Trung Quốc trong thời gian ngắn.

Nếu Hoa Kỳ làm như thế, họ chắc chắn sẽ kích động sự bi thương và phẫn nộ của chủ nghĩa dân tộc của người Trung Quốc trong hàng trăm năm qua. Trung Quốc tất phải có phản ứng mạnh mẽ nhất để đáp ứng yêu cầu của công chúng về tính hợp pháp chính trị trong thời đại khủng hoảng dân tộc. Sức mạnh quốc gia của Trung Quốc cũng có thể hỗ trợ tâm lý dân tộc này trong một thời gian. Mọi phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc sau đó đều có thể tưởng tượng ra được.

Nếu xảy ra, chiến tranh Trung - Mỹ sẽ là cuộc chiến có tính hủy diệt (Ảnh: Sohu).
Nếu xảy ra, chiến tranh Trung - Mỹ sẽ là cuộc chiến có tính hủy diệt (Ảnh: Sohu).

Chúng ta nên làm gì nếu Mỹ tiếp tục tấn công chúng ta hơn nữa? Vị giáo sư quân sự quyền uy nọ nói trong video rằng chúng ta sẽ tận dụng cơ hội ngàn năm mới có này để chuẩn bị cho việc "vũ thống" (thống nhất bằng đòn quân sự) Đài Loan và hiện thực hóa việc thống nhất Trung Quốc.

Nếu chúng ta bắt đầu chuẩn bị toàn diện cho việc thống nhất Đài Loan bằng quân sự, Mỹ rất có thể sẽ áp dụng các biện pháp cực đoan sau đây: thừa cơ xé bỏ ba bản thông cáo chung Trung - Mỹ, thiết lập quan hệ ngoại giao trực tiếp với Đài Loan, thậm chí cố tình xúi giục Đài Loan tuyên bố độc lập, kích thích Trung Quốc sử dụng vũ lực hơn nữa đối với Đài Loan.

Nếu quân đội đại lục tiến vào đảo Đài Loan, khả năng tiếp theo là gì? Mỹ có đưa quân sang  trực tiếp đánh nhau với Trung Quốc không?

Khi tình huống này xảy ra, khả năng lớn nhất đối với Mỹ là, bản thân nước này không đưa quân tham chiến mà lợi dụng công nghệ cao của họ để phong tỏa hạn chế eo biển Hormuz ở Trung Đông, Ấn Độ Dương và eo biển Malacca; sử dụng máy bay không người lái để kiểm soát thủy lôi, cắt đứt tuyến vận chuyển dầu giữa Trung Đông với Trung Quốc để buộc quân đội ta (Trung Quốc-ND) đã đổ bộ phải rút khỏi Đài Loan.

Như mọi người đã biết, cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, khoảng 70% lượng dầu của Trung Quốc phải nhập khẩu từ Trung Đông. Một khi nguồn cung dầu bị gián đoạn thì hậu quả sẽ rất đáng lo ngại. Căn cứ khả năng công nghệ hiện tại của Mỹ, máy bay không người lái của quân đội Mỹ hoàn toàn có khả năng tự động nhận dạng các tàu chở dầu của Trung Quốc. Về mặt kỹ thuật, Mỹ hoàn toàn có thể sử dụng thủy lôi được điều khiển bởi thiết bị nhận dạng tự động để tấn công các tàu buôn và tàu chở dầu của Trung Quốc mà không ném bom các tàu của nước khác.

Tên lửa liên lục địa DF-41 của Trung Quốc. Theo ông Tiêu Công Tần, Trung Quốc có 600 đầu đạn hạt nhân, nhưng Mỹ có nhiều gấp 10 lần (Ảnh: Tân Hoa xã).
Tên lửa liên lục địa DF-41 của Trung Quốc. Theo ông Tiêu Công Tần, Trung Quốc có 600 đầu đạn hạt nhân, nhưng Mỹ có nhiều gấp 10 lần (Ảnh: Tân Hoa xã).

Khi Trung Quốc không có cách nào khác; để được sinh tồn, liệu chúng ta có thể sử dụng bom nguyên tử để oanh tạc lãnh thổ Mỹ? Trung Quốc có khoảng 600 đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, tình hình thực tế là Mỹ có ít nhất 6.000 chiếc, nhiều gấp mười lần Trung Quốc.

Bước tiếp theo nữa là gì? Có thể giễu cợt rằng bước tiếp theo là hai bên lại dùng gạch đá và gậy gỗ. Nhưng đó có thể là 500 ngàn năm nữa (ý nói cả hai đều bị hủy diệt-ND).

Không ai muốn nhìn thấy viễn cảnh của việc đánh bạc với vận mệnh quốc gia

Vị giáo sư chuyên gia quân sự nọ không biết có nghĩ đến những vấn đề này chưa. Tôi (Tiêu Công Tần-ND) hy vọng chuyên gia này chỉ đại diện cho những ý kiến chưa được chín chắn của cá nhân ông ta.

Có người nói rằng Mỹ thậm chí không dám động đến một quốc gia hạt nhân nhỏ như Bắc Triều Tiên thì làm sao họ có thể tiến hành chiến tranh với Trung Quốc? Thực tế, đây là một phán đoán sai lầm khác. Một số người trong "phái cao giọng" (hay Chiến lang) vài năm trở lại đây đều dựa trên cơ sở lập luận này.

Tình hình thực tế là, sức mạnh quốc gia của Triều Tiên quá yếu, không thể đặt ra thách thức thực sự đối với địa vị bá chủ và lợi ích thực tế của Mỹ như Trung Quốc.

Trên thực tế, Mỹ không có cảm giác gì về sự tồn tại của Triều Tiên. Cũng như con voi dù mệt mỏi cũng chẳng mấy hứng thú với việc bị ong đốt.

Trung Quốc thì khác, Trung Quốc được coi là “chó sói vừa cai sữa”, nhưng lại vô tình đánh thức “con hổ đang ngủ” là Mỹ. Theo quan điểm của người Mỹ, Trung Quốc có dã tâm muốn thay thế Mỹ trở thành “bá chủ thế giới” mới trong tương lai,  đe dọa trật tự thế giới hiện tại, dù “con hổ” này từ lâu đã không còn phong độ trẻ khỏe của quá khứ. Chính vì điều này, trong mắt Mỹ, Trung Quốc, trước khi trở nên hùng mạnh thực sự, mới là kẻ thù mà họ phải đối phó.

Lại có những người khác cho rằng "Mỹ là một xã hội đa nguyên, nhìn từ góc độ của đại dịch lần này thì sự chia rẽ nội bộ của xã hội Mỹ là rất nghiêm trọng. Một khi bắt đầu chiến tranh với Trung Quốc thì xã hội Mỹ sẽ bị chia rẽ thành hai phái chủ chiến và chủ hòa. Một xã hội đa nguyên bị chia rẽ như Mỹ không thể hình thành một ý chí thống nhất trong chiến tranh"...

Đây lại là một sự thiếu hiểu biết khác về văn hóa chiến lược của Mỹ. Nước Mỹ sau biến cố Trân Châu Cảng là một minh chứng rõ ràng. Một khi trong nước Mỹ đã hình thành định kiến xã hội rằng “Trung Quốc là Đế quốc Đỏ thách thức lợi ích cốt lõi của Mỹ”, một khi nước này rơi vào trạng thái chiến tranh với Trung Quốc, Mỹ sẽ phát huy khác thường sức gắn kết bên trong và khả năng huy động cho chiến tranh, điều này đáng phải cảnh giác. Cũng giống như Chiến tranh Thái Bình Dương giữa Mỹ - Nhật sau Sự kiện Trân Châu Cảng năm xưa. Những kẻ kích động chiến tranh ở Mỹ đang cần có một cuộc chiến tranh để vực dậy nền kinh tế Mỹ, giống như họ tin rằng Chiến tranh Thái Bình Dương đã làm hồi sinh nền kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929.

Ông Tiêu Công Tần cho rằng Mỹ có thể sử dụng Ấn Độ để tiến hành cuộc "chiến tranh ủy nhiệm" chống Trung Quốc. Ảnh: quân đội Trung Quốc phá dỡ vị trí tiền tiêu của quân đội Ấn Độ mà họ cho là xây dựng trên đất Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều).
Ông Tiêu Công Tần cho rằng Mỹ có thể sử dụng Ấn Độ để tiến hành cuộc "chiến tranh ủy nhiệm" chống Trung Quốc. Ảnh: quân đội Trung Quốc phá dỡ vị trí tiền tiêu của quân đội Ấn Độ mà họ cho là xây dựng trên đất Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều).

Chiến tranh Lạnh đối kháng mềm cũng không phải sự lựa chọn tốt

Đối đầu quân sự trực tiếp tiềm ẩn đầy rủi ro và chi phí rất lớn cho cả hai bên. Xác suất xảy ra chiến tranh đối kháng quy mô lớn nếu được kiểm soát một cách có ý thức, thì sẽ rất thấp. Vậy còn đối kháng mềm thì sao?

Cuộc đối kháng mềm kiểu chiến tranh Lạnh này sẽ tiêu tốn rất nhiều nguồn lực tài chính và vật chất của Trung Quốc trong cuộc chạy đua vũ trang. Liên Xô đã bị kéo sụp đổ trong cuộc đối kháng mềm lâu dài suốt thời kỳ chiến tranh Lạnh.

Kiểu chiến lược này có lợi nhất cho mục tiêu của Mỹ là khiến Trung Quốc “tách rời” khỏi thế giới và đó chính là điều mà những người bảo thủ chống Trung Quốc của Mỹ hy vọng có thể kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc với giá thành thấp.

Ngoài ra, Mỹ cũng có thể “mượn dao giết người” trong quá trình “đối kháng mềm”, chẳng hạn như khuyến khích Ấn Độ hành động như một con tốt và tham gia vào các cuộc chiến tranh cục bộ hoặc xung đột quân sự ở biên giới với Trung Quốc. Ấn Độ là một nước lớn, sức mạnh quốc gia của nước này đã được nâng cao rất nhiều trong mười năm qua. Một khi chiến tranh và xung đột nổ ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ, do cả hai bên đều có chiều sâu chiến lược, tài nguyên và dân số rất lớn, cả hai bên lại đều có chủ nghĩa dân tộc cực kỳ mạnh mẽ, cuộc chiến sẽ kéo dài trong nhiều năm, thậm chí là không kết thúc. Chiến tranh Trung - Ấn là cuộc chiến ủy nhiệm lý tưởng nhất trong mắt người Mỹ.

Mỹ thậm chí có thể tiếp tục làm suy yếu sức mạnh của Trung Quốc thông qua chiến tranh kéo dài nhiều năm giữa Trung Quốc và Ấn Độ để tiêu hao sức mạnh quốc gia. Một khi Ấn Độ bị thua thiệt trong cuộc chiến biên giới Trung - Ấn, do ưu thế hải quân của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương, Mỹ có thể khuyến khích Ấn Độ phong tỏa và uy hiếp các tàu dầu của Trung Quốc từ eo biển Hormuz ở Trung Đông đến Ấn Độ Dương và Mỹ sẽ “ngư ông đắc lợi” từ việc này.

Mỹ cũng có thể lợi dụng các nguồn lực của mình, lợi dụng mâu thuẫn giữa Trung Quốc với các nước láng giềng để hình thành một thế bao vây toàn diện đối với Trung Quốc. Ngoài Ấn Độ, Nga, Triều Tiên, Việt Nam và Nhật Bản đều có thể trở thành đối lượng lôi kéo của Mỹ trong chiến lược Trung Quốc. Trên thực tế, hiện nay Mỹ đã bắt đầu làm điều gì đó".

 (Còn tiếp)