-Nghề chế tác katana từ thời cổ đại, đã là một trong những nghề đáng kính nhất ở Nhật Bản. Ngay cả các Nhật Hoàng cũng đã từng học cách rèn vũ khí. Cũng chính vì thế mà đó là một nghề có tính chất đặc quyền. Ngày nay tình hình trong nghề này thế nào?
-Đến tận ngày nay, việc chế tác katana về cơ bản, vẫn là một nghề gia đình. Masafumi con trai tôi, cũng là một nghệ nhân thợ rèn. Nó vừa vượt qua thành công kỳ thi nghệ nhân năm ngoái. Cũng giống như các nghệ nhân khác, tôi có thể nhận người học việc từ bên ngoài. Hai trong số những người học việc của tôi đã trở thành những nghệ nhân độc lập. Hiện nay, tôi đang nhận thêm hai người học việc, và con trai tôi đang dậy dỗ họ.
Nguyên tắc chọn người học việc của tôi rất đơn giản. Tôi giải thích cho người trẻ đến học việc, rằng việc chế tác katana không mang lại thu nhập quá cao, như hình dung từ bên ngoài. Con đường trở thành một nghệ nhân tự lập và được công nhận là lâu dài và gai góc. Nhưng nếu người trẻ không sợ hãi khó khăn, ông sẽ thu nhận anh ta làm một người học việc.
Công nghệ truyền thống làm lưỡi gươm Nhật Bản có khác so với Châu Âu không?
-Có khá nhiều khác biệt. Chẳng hạn, nguyên liệu cho những thanh katana được thu thập từ sa khoáng ở sông. Vì sa khoáng chứa ít sắt, thường là cần rất nhiều quặng. Đồng thời, người ta phải rửa, sàng lọc và tuyển chọn sa khoáng rất lâu. Quặng sau đó được nấu thành sắt, trong lò đốt bằng than củi ở 1500 độ.
Quá trình rèn lưỡi gươm cũng kéo rất dài và không đồng đều. Bởi vì các bộ phận khác nhau của thanh gươm, phải có các đặc tính khác nhau. Chẳng hạn, phần lưỡi gươm phải cứng hơn hẳn, so với phần thân chính của thanh gươm. Việc tạo ra một thanh gươm chất lượng cao, đòi hỏi người làm phải có nhiều kinh nghiệm và một sự nhạy cảm tinh tế đặc biệt. Lý do là việc sử dụng các thiết bị đo lường bị cấm tuyệt đối. Chỉ được phép xác định mọi thứ bằng mắt thường.
Chúng tôi thường phải mất khoảng một tháng để rèn một thanh gươm. Việc tôi thanh gươm ngược lại, không kéo dài. Nhưng nếu việc tôi thanh gươm thất bại, một điều mà nghệ nhân có thể nhận biết qua một số tính năng, họ buộc phải hủy bỏ chúng không thương tiếc.
Thậm chí có lúc tôi từng phải hủy bỏ đến ba mươi thanh gươm, trước khi đạt được kết quả mong muốn. Nhưng phiên bản thành công thì lại độc đáo đến mức, khi nhìn vào không những xác định ngay được trường phái, mà còn có thể xác định ngay được cả dấu ấn cá nhân của nghệ nhân.
Đồng thời ở các nước khác, phần lớn sự chú ý dành cho thiết kế thanh gươm. Còn đối với những người sành điệu Nhật Bản, điều chủ yếu vẫn là lưỡi gươm. Có nguyên cả một hệ thống thẩm mỹ và quan niệm dành riêng cho lưỡi gươm. Cũng như nghi thức chiêm ngưỡng chúng. Đó là sự tràn ngập ánh sáng trên bề mặt lưỡi gươm, bao phủ đường nét kỳ ảo phân chia ranh giới giữa thân gươm và lưỡi gươm.
Từ thiên thạch có thể làm những phiên bản katana xuất sắc. Nhưng việc gia công chúng, đặc biệt là công đoạn rèn, thực hiện rất vất vả. Bù lại, chất lượng thanh katana thu được thường vượt mọi mong đợi. Fujiwara Kanefusa (sinh 1957) còn kể rằng, khi mới trở thành nghệ nhân, từ 10 miếng phôi ông chỉ làm được một thanh katana. Sau 10 năm, từ 10 miếng phôi, ông làm được 7 thanh katana. Còn hiện nay, ông rất hiếm khi làm hỏng phôi.
Fujiwara Kanefusa cùng các thợ học việc rèn lưỡi gươm katana.
|
Có đúng là các nghệ nhân katana Nhật Bản chỉ làm việc vào ban đêm và chỉ dưới ánh trăng không?
-Tất cả phụ thuộc vào công đoạn. Thép thường được nấu vào ban ngày. Nhưng việc tôi lưỡi gươm thì phải làm vào ban đêm. Ban đêm, việc kiểm soát một cách chính xác, nhiệt độ nung kim loại cần có là 800 độ dễ dàng hơn hẳn. Lý do là vì, người nghệ nhân chỉ được phép xác định nhiệt độ cần có này, bằng mắt qua màu sắc của ngọn lửa, mà nó phải là màu cam tươi sáng. Rõ ràng, khi không có các nguồn ánh sáng khác, việc quan sát thuận lợi hơn nhiều.
Thanh katana thường được gọi là "linh hồn của samurai", người ta chấp nhận đối xử với chúng với một sự tôn trọng, như với chính chủ nhân của chúng. Vậy katana có ý nghĩa gì đối với ông?
-Sau Thế chiến thứ II, Nhật Bản bị cấm làm vũ khí lạnh. Nhiều nghệ nhân buộc phải ngừng chế tác katana, họ chuyển sang làm dao nhà bếp. Fujiwara Kanefusa XXIII, đại diện đời thứ 23 của triều đại Kanefusa, ông nội của tôi đã cương quyết không đổi nghề. Mặc dù cả gia đình tôi lúc đó vô cùng khó khăn. Vào một ngày tốt lành, Fujiwara Kanefusa XXIII cùng những người thợ rèn đồng chí hướng đã đến Tokyo, để gặp Nhật Hoàng.
Gia đình chúng tôi đã được Nhật Hoàng tiếp, và Fujiwara Kanefusa XXIII đã thuyết phục thành công Nhật Hoàng, rằng nghệ thuật làm vũ khí cổ đại, mà gia đình chúng tôi đã gìn giữ liên tục từ thế kỷ 13, là một tài sản vô giá của nhân dân Nhật Bản. Phải bảo tồn bằng mọi cách. Lời thỉnh cầu của Fujiwara Kanefusa XXIII đã được Nhật Hoàng chấp thuận.
Câu chuyện này, tôi được nghe kể lại, khi tôi vẫn còn là một đứa trẻ. Và lúc đó, tôi đã tâm niệm rằng tôi sẽ tiếp tục truyền thống của dòng họ Kanefusa, bất kể tạm thời hoàn cảnh khó khăn đến thế nào. Bởi vì katana chính là linh hồn không chỉ của samurai, mà là của cả đất nước Nhật Bản.
Hiện nay mỗi năm gia đình tôi chỉ làm từ 8-10 thanh katana. Và nhất thiết chỉ theo đặt hàng. Tuy nhiên, cũng không phải đặt hàng của bất cứ ai chúng tôi cũng nhận. Chúng tôi đã từ chối một vài trường hợp. Tôi rất thích đến thăm khách hàng của mình, những người đã mua katana của chúng tôi, để nhìn lại những tác phẩm của mình. Như thể đi thăm những cô con gái đã kết hôn.
(còn nữa)