Thị trường mỹ thuật Việt:

Bài 1: Lộn xộn cảnh “chợ chiều”

VietTimes -- Suốt hơn ba mươi năm liền, mỹ thuật bát nháo, lộn xộn và không hình thành được thị trường khiến tất cả cùng thua thiệt.  

Trong tình cảnh phát lộ nhiều sự việc đau đầu, lộn xộn của mỹ thuật Việt, sự có mặt của những tổ chức, cá nhân hoạt động mỹ thuật độc lập có làm xoay chuyển thị trường?

"Quê ngoại” tranh của Lưu Hoàng - tác phẩm tiêu biểu của trào lưu sơn mài hiện thực.
"Quê ngoại” tranh của Lưu Hoàng - tác phẩm tiêu biểu của trào lưu sơn mài hiện thực.

“Chợ” mỹ thuật sôi động hay đìu hiu

Bà Nguyễn Thị Phương Nhung, giám đốc điều hành tổ chức nghệ thuật độc lập RealArt cho biết: “Chuỗi sự kiện của hội chợ nghệ thuật Domino Art Fair đã được tổ chức nghệ thuật độc lập RealArt tổ chức một số lần, nằm trong lộ trình thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu hội chợ nghệ thuật Vietnam Art Fair của RealArt. Tại Hà Nội, chúng tôi đã thực hiện được đúng hình thức hội chợ nghệ thuật nhưng khi đưa vào TPHCM mới chỉ là triển lãm truyền thống”.

Bà Lý Bích Ngọc hàng năm đều đặn đi các “chợ” mỹ thuật nước ngoài.

Bà Lý Bích Ngọc hàng năm đều đặn đi các “chợ” mỹ thuật nước ngoài. 

Lý do chỉ có thể cấp phép cho phần triển lãm mà không thể cấp phép cho phần hội chợ được ông Trịnh Xuân Yên – phó giám đốc bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cho biết vì bảo tàng không có chức năng thương mại.

Cái gọi là “chợ”, “thị trường” đối với mỹ thuật Việt lâu nay, những người quan tâm ai cũng biết là ở các cửa hàng tranh trên các tuyến phố Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TPHCM), xung quanh Chùa Cầu (Hội An) hay dọc phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) chỉ bán những sản phẩm thứ cấp của mỹ thuật. Hàng hóa chất đống và cực kỳ sôi động nhưng chính ở các cửa hàng này, họa sĩ có  chút tên tuổi bị sao chép, nhái đủ kiểu, thậm chí trộn phong cách của người nọ vào với người kia thành những sản phẩm hổ lốn bán cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Hà, chủ một cửa hàng kinh doanh sản phẩm mỹ thuật trên phố Trường Chinh (TP. HCM) cho biết: “Người tiêu dùng Việt chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc với mỹ thuật nên đối với họ giá cả là vấn đề quan trọng nhất. Một bức tranh sáng tác cho dù khổ nhỏ nhưng giá trị chất xám của người nghệ sĩ rất lớn thì không thể mua vào với giá vài ba triệu đồng, trong khi khách hàng đến ngắm nghía, xem xét mãi, rồi thậm chí chỉ muốn mua nếu có tranh giá năm bảy trăm ngàn”.

Bức “Rượu hồng” - họa sĩ Lê Thế Anh lấy cảm hứng từ thành công lớn của các danh họa đi trước và dùng giá trị đó để tương tác, đối thoại, trở thành một tác phẩm độc lập.

Bức “Rượu hồng” - họa sĩ Lê Thế Anh lấy cảm hứng từ thành công lớn của các danh họa đi trước và dùng giá trị đó để tương tác, đối thoại, trở thành một tác phẩm độc lập. 

Ông Hà cho biết thêm, chính vì cạnh tranh khốc liệt về giá nên nhiều cửa hàng buộc phải thuê người làm tranh “hàng chợ”, chưa bàn đến phong cách nghệ thuật hay trường phái sáng tạo mà vì đầu tư tối thiểu nên chỉ vẽ một lớp màu, lúc mới giao hàng thì cũng rực rỡ nhưng một thời gian sau tranh sẽ phai màu, thậm chí bay mất từng mảng loang lổ. “Điều này rất phản cảm vì tác phẩm mỹ thuật có đặc tính là phải lưu giữ được rất lâu, thậm chí càng lâu càng có giá trị” – ông Hà nói.

Các gallery xây dựng cho mình một con đường tiến vào thị trường mỹ thuật nghiêm túc thì hầu như không có cách gì sôi động được vì người mua quá hiếm. Phòng tranh Tự Do – một trong những phòng tranh hoạt động lâu đời nhất tại TPHCM cũng đã đóng cửa hồi năm 2015, sau 28 năm hoạt động. Gallery 39 Lý Quốc Sư (Hà Nội) của họa sĩ Lê Thiết Cương dù hoạt động cũng lâu năm nhưng từng có lần định đóng cửa vì không thể duy trì.

Nhà sưu tập Nguyễn Văn Sĩ cho biết, ở các địa điểm triển lãm thuộc sở hữu và quản lý của Si Antiques (TP. HCM), ông rất thường xuyên tổ chức các triển lãm, sự kiện mỹ thuật nhưng chủ yếu là mang tính chất hỗ trợ nghệ sĩ, người đến tham dự thì đông nhưng chỉ ngắm xem cho vui thôi, không hề thu được lợi nhuận và cũng không biết trong tương lai các phòng tranh kiểu này sẽ duy trì được bao lâu. Phòng trưng bày Si Antiques chủ yếu được dùng để giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật Việt và văn hóa Việt với du khách nước ngoài chứ không phải nặng về giao dịch bán mua.

Thời gian gần đây, TP. HCM ngoài các gallery vẫn hoạt động đều đặn và có tiếng như Quỳnh Gallery, Craig Thomas (Quận 1)… còn có những điểm trưng bày và hoạt động mỹ thuật cực kỳ hiệu quả như The Factory Contemporary Arts Center (Quận 2) … Tuy nhiên, đó mới chỉ là hiệu quả trưng bày nghệ thuật, chưa phải thị trường nghệ thuật.

Chưa có thị trường - Tất cả đều thiệt

“Chúng tôi nỗ lực để Vietnam Art Fair có thể trở thành một thương hiệu hội chợ quốc gia cho Việt Nam, sánh tầm với các thương hiệu hội chợ nghệ thuật khác trong khu vực và trên thế giới như Singapore Art Stage, Hong Kong Art Basel… Nhưng đúng là tiến hành ở Việt Nam thì có nhiều cái khó. Việt Nam hiện tại chưa có thị trường mỹ thuật” – bà Nguyễn Thị Phương Nhung, giám đốc điều hành RealArt nói.

Sàn đấu giá Chọn Auction House tại Hà Nội với nhiều hoạt động mạnh mẽ gần đây đã đưa tranh Việt lên những mức giá khá cao; chẳng hạn bức  “Giác ngộ” của họa sĩ Nguyễn Trung cán mốc 20.000 USD trong phiên đấu giá số 17.

Bức “Mẫu đơn đỏ” của danh họa Lê Phổ.

 Bức “Mẫu đơn đỏ” của danh họa Lê Phổ. 

Sàn đấu giá nghệ thuật Lý Thị - Lythi Auction House (TP. HCM) trong một phiên đấu giá hồi cuối năm 2016  đã đưa lên sàn bức “Mẫu đơn đỏ” của danh họa Lê Phổ với mức giá 35.000 USD, cùng tranh của nhiều họa sĩ khác như Lê Văn Xương, Lương Lưu Biên, Lê Thiết Cương, Lê Kinh Tài, Trần Đông Lương… Bà Lý Bích Ngọc – sáng lập và là giám đốc điều hành Lythi Auction House khẳng định mong muốn người Việt hiểu rằng mỹ thuật là một kênh đầu tư hấp dẫn và những ai yêu mỹ thuật đều có thể tiến vào thị trường nghệ thuật.

Tuy nhiên, một số bức tranh được báo với giá cao chưa phải đã là thị trường. “Thị trường mỹ thuật thấp như hiện tại, điều đầu tiên phải kể đến là người tiêu dùng bị thiệt vì đang sử dụng những sản phẩm kém, thứ hai là nghệ sĩ bị thiệt và họ đã rất nghèo, cuối cùng là nhà đầu tư cũng thiệt vì những món hàng nghệ thuật khó sinh lời” – Bà Phương Nhung phân tích.

Hơn nữa, vẫn tồn tại quá nhiều sự lộn xộn như vụ bức tranh giả danh cố họa sĩ Vũ Giáng Hương (thuộc bộ sưu tập của ông Phạm Việt Phương, được đưa vào phiên đấu giá số 15 của Chọn Auction House), hoặc bức tranh làm giả tranh của họa sĩ Đặng Xuân Hòa được chính gia đình họa sĩ phát hiện và Chọn Auction House đã phải bỏ ra khỏi phiên đấu giá số 3.

Tất cả những cố gắng của các gallery và sàn đấu giá nghệ thuật liệu có khẳng định rằng trong thời gian tới, thị trường mỹ thuật Việt sẽ thoát cảnh “chợ chiều” lộn xộn?

Bài 2: Đừng tuyệt vọng