Thời COVID-19:

”Bách hóa trực tuyến” chiếm ưu thế, các ngành hàng không thiết yếu “lận đận”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Số liệu thống kê về thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam trong quý 2/2020 cho thấy, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam xếp thứ 3 Đông Nam Á với 19,5 %, chỉ sau Indonesia 34% và Singapore 25%.
Tiêu dùng online đang trở thành xu hướng tại Việt Nam nửa đầu năm 2020. Ảnh minh họa: Bộ Công thương.
Tiêu dùng online đang trở thành xu hướng tại Việt Nam nửa đầu năm 2020. Ảnh minh họa: Bộ Công thương.

Đây là số liệu do iPrice Group và App Annie báo cáo về sự thay đổi xu hướng tiêu dùng, chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến tại Việt Nam sau 6 tháng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thách thức do dịch bệnh đã tạo cơ hội cho xu hướng tiêu dùng trực tuyến tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, cả về số lượng và giá trị giao dịch.

Nhu cầu mua sắm bách hóa trực tuyến tăng mạnh từ quý 1/2020 và tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng khi sang quý 2. Mặc dù Việt Nam sớm kết thúc giãn cách xã hội, sự duy trì này được coi là tín hiệu chứng minh xu hướng tiêu dùng đang chuyển dịch từ offline sang online.

Theo dữ liệu từ iPrice Group và SimilarWeb lượng truy cập vào các website bách hóa 6 tháng đầu năm tại Việt Nam tăng hơn 41%. Trong đó, lượng truy cập vào các website ngành hàng mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe tăng 21%. Các sàn TMĐT nhanh chóng nắm bắt xu thế, đưa các ngành hàng bách hóa và thực phẩm tươi sống làm trọng tâm. Bên cạnh đó, thị trường TMĐT cũng thúc đẩy sự phát triển của hậu cần giao vận. Hàng loạt ứng dụng mua sắm trực tuyến ra mắt dịch vụ cung cấp nhu yếu phẩm, “đi chợ hộ” siêu tốc, giao hàng nhanh sau 2-3 giờ.

Thống kê về các ngành hàng trên các sàn TMĐT quý 2/2020. Ảnh chụp màn hình báo cáo của iPrice.
Thống kê về các ngành hàng trên các sàn TMĐT quý 2/2020. Ảnh chụp màn hình báo cáo của iPrice.

Mặt khác, các ngành hàng không thiết yếu phải đối diện với tình trạng “ảm đạm”. Cụ thể, ngành thời trang có tổng lượng truy cập website giảm sâu 29%, ngành thiết bị di động giảm đến 13% so với quý 1. Sự sụt giảm trong chi tiêu do nhu cầu tiết kiệm của người dân đã khiến các ngành hàng không thiết yếu chịu thiệt hại.

Người dân Việt Nam “chi mạnh tay” mua sắm trực tuyến qua ứng dụng di động


Lượng khách hàng dùng TMĐT quý 2/2020 đạt kỷ lục với 12,7 tỷ lượt truy cập các ứng dụng mua sắm trực tuyến, tăng 43% so với quý 1/2020.

iPrice là công cụ tìm kiếm sản phẩm và so sánh giá, hiện đã có tại Vietnam và 6 quốc gia khác, bao gồm Malaysia, Singapore, Indonesia, Thailand, Philippines và Hong Kong. 

Số liệu thu thập từ các giao dịch trên website iprice.vn cho thấy, giá trị trung bình của các đơn hàng trực tuyến trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 344.000 đồng, tăng 31% so với năm 2019.

Thời gian cao điểm dịch tháng 4/2020, các sàn TMĐT giảm các hoạt động khuyến mãi, quảng cáo, thay vào đó đẩy mạnh hoạt động livestream và game trên ứng dụng di động để tăng tương tác với khách hàng khi giãn cách xã hội. Các ứng dụng mua sắm trực tuyến cũng phát triển các tính năng để người dùng dễ dàng “đi chợ” tại nhà.

Tuy nhiên, thị phần TMĐT tại Việt Nam hiện nay hầu hết là doanh nghiệp nước ngoài. Theo thống kê của iPrice Group và App Annie về top 10 ứng dụng mua sắm trực tuyến được sử dụng nhiều nhất Việt Nam trong quý 2/2020,  chỉ có 3 doanh nghiệp Việt Nam là Thegioididong, Tiki và Sendo có mặt trong danh sách này.