Bắc Kinh “bó tay” với kinh tế

Thị trường chứng khoán (TTCK) châu Á tiếp tục có ngày giao dịch đầu tuần u ám. Theo Reuters, chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 1,8%, xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2011.
Các nhà đầu tư chứng khoán tại thủ đô Bắc Kinh – Trung Quốc hôm 11-1 Ảnh: EPA
Các nhà đầu tư chứng khoán tại thủ đô Bắc Kinh – Trung Quốc hôm 11-1 Ảnh: EPA

Tại TTCK Trung Quốc, các chỉ số chính thậm chí thê thảm hơn: CSI 300, Shanghai Composite, Shenzhen Composite lần lượt giảm 5%, 5,33% và 6,21%. Diễn biến này cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa yên tâm bất chấp Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tiếp tục tăng nhẹ tỉ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ (NDT) lên mức 6,5626 NDT/USD hôm 11-1.

Báo The Wall Street Journal (Mỹ) nhận định những biến động chứng khoán, tiền tệ Trung Quốc tuần rồi làm dấy lên nỗi lo sợ lớn nhất của nhà đầu tư: nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gặp rắc rối và chính quyền tỏ ra bất lực. Theo bài viết, Bắc Kinh muốn hướng tăng trưởng kinh tế sang một con đường chậm và an toàn hơn, đồng nghĩa nền kinh tế sẽ chịu tác động của thị trường nhiều hơn.

Vấn đề ở đây là giới lãnh đạo nước này vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận mất quyền kiểm soát kinh tế. Khi tăng trưởng chậm lại, Bắc Kinh thường xuyên can thiệp với hy vọng ngăn thị trường bớt hỗn loạn. Dù vậy, kết quả thường ngược lại và ví dụ mới nhất sự phản tác dụng của cơ chế “tự động ngắt mạch”, tức TTCK đóng cửa đến hết ngày khi chỉ số CSI 300 giảm 7%. Giới phân tích cho rằng cơ chế này khiến nhà đầu tư đua nhau bán tháo cổ phiếu.

Thực trạng trên khiến ông Lý Vĩ, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc, hôm 11-1 nhận định nước này sẽ rất khó khăn trong việc đạt tốc độ tăng trưởng trên 6,5% trong giai đoạn 2016-2020, nhất là khi nhu cầu toàn cầu chậm lại và chi phí lao động đang tăng trong nước. Trong khi đó, Công ty Quản lý đầu tư Omni Partners (Anh) dự báo giá trị đồng NDT trong năm 2016 có thể giảm 15% hoặc nhiều hơn nếu Trung Quốc xảy ra khủng hoảng tín dụng.

Theo NLĐ