Nỗi sợ thứ nhất là tình trạng thổi phồng sức mạnh của Trung Quốc khi sử dụng số liệu GDP. Đây không phải lần đầu tiên thế giới phóng đại sức mạnh của Trung Quốc thông qua GDP của nước này. Vào năm 2010, GDP của Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Lần này số liệu của Ngân hàng Thế giới sẽ khiến Trung Quốc trở thành nền kinh tế số một thế giới vô cùng sớm.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng dù GDP của họ hay GDP tính theo sức mua tương đương có lớn đến đâu, thì 1,3 tỉ người Trung Quốc – con số lớn nhất thế giới – sẽ pha loãng sức mạnh thực của nước này. Ví dụ, theo Ngân hàng Thế giới , vào năm 2012, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đứng thứ 91, thậm chí còn xếp sau Iraq, nước vẫn còn nhiều khó khăn do cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương nâng Trung Quốc lên vị trí số 89, nhưng vẫn còn đứng sau Cộng hòa Dominica.
Hơn thế nữa, ngân sách quân sự của Trung Quốc vẫn chưa bằng nổi một phần ba của Mỹ mặc dù Trung Quốc đã cố gắng duy trì mức tăng trưởng hai con số đối với chi tiêu quân sự trong những năm gần đây. Về mặt quyền lực mềm, hay ảnh hưởng liên quan đến các lý tưởng và quy chuẩn của nước này trên thế giới – thì sức mạnh của Trung Quốc vẫn chẳng đáng kể so với Mỹ. Trong cuốn sách mới của mình, China Goes Global: The Partial Power, David Shambaugh, một học giả hàng đầu về Trung Quốc, đã khảo cứu một cách có hệ thống ảnh hưởng trên nhiều mặt của Trung Quốc đối với chính trị thế giới hiện nay. Ông đi đến kết luận rằng Trung Quốc vẫn chưa thực sự là cường quốc toàn cầu, mà chỉ là cường quốc một phần. Và có lẽ sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai gần.
Nỗi sợ thứ hai là những hệ lụy chính sách đằng sau ảo tưởng “Trung Quốc là số một”. Mọi người đều biết rằng đi liền với vị thế cường quốc là trách nhiệm lớn. Lãnh đạo Trung Quốc lo ngại rằng Trung Quốc sẽ rơi vào một “cái bẫy luận điệu” mà thế giới, đặc biệt là Mỹ tạo ra. Vào năm 2005, Robert Zoellick, khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, dự đoán rằng Trung Quốc có thể đóng vai trò của một “thành viên có trách nhiệm” trong việc định hình tiến trình quốc tế. Trong mắt lãnh đạo Trung Quốc, dự đoán của Zoellick là một “cái bẫy luận điệu”, nhằm mục đích bức ép và kiềm chế hành vi đối ngoại của Trung Quốc.
Trong tâm lý học chính trị, chiến lược này được gọi là “đổi vai”. Trong trường hợp Trung Quốc và Mỹ, Mỹ đã áp đặt vai trò “thành viên có trách nhiệm” cho Trung Quốc với kì vọng và lời nhắc nhở tương ứng là Trung Quốc sẽ hành xử như vậy. Nếu Trung Quốc không thể thực hiện được vai trò mong đợi, thì Trung Quốc sẽ bị chỉ trích nặng nề, trở thành “người xấu” trong mắt các quốc gia khác
Chúng ta có thể thấy nhiều ví dụ từ vấn đề biến đổi khí hậu, luật lệ tài chính, đàm phán thương mại cũng như “ngoại giao cứng rắn” của Trung Quốc trong khu vực. Rõ ràng là lần này thì các lãnh đạo Trung Quốc đã nhận thức được việc họ đang rơi vào một cái “bẫy luận điệu” khác với vai trò nền kinh tế số một thế giới, như là người ta nói “mỗi lần vấp ngã là một lần bớt dại”.
Nỗi sợ cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng lên cao, có liên hệ với vị trí số một thế giới về kinh tế của Trung Quốc. Các lãnh đạo Trung Quốc chẳng hề ngần ngại khi đặt mục tiêu chiến lược là trở thành một “cường quốc”, cái được gọi là “cuộc tái sinh vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” trong “Giấc mơ Trung Hoa” của ông Tập Cận Bình. Chủ nghĩa dân tộc, hay vẫn được gọi là “chủ nghĩa yêu nước” ở Trung Quốc, đã trở thành một công cụ chính trị để đảng cộng sản Trung Quốc thu hút sự ủng hộ.
Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc là một con dao hai lưỡi ở bất kì quốc gia nào. Nếu được kiểm soát tốt, chủ nghĩa dân tộc có thể sẽ có ích với Trung Quốc trong khi chủ nghĩa dân tộc quá khích có thể là nhát dao đâm sau lưng.
Không khó để tưởng tượng rằng nếu Trung Quốc tung hộ vị thế mới là nền kinh tế số 1 thế giới, thì sẽ có càng nhiều yêu cầu và áp lực đối với chính phủ Trung Quốc. Ngoại giao nhún nhường rõ ràng không tương xứng với giấc mơ “nước giàu dân mạnh” trong tâm lý của công chúng Trung Quốc. Do đó, chính phủ Trung Quốc đã nói rõ rằng nước này không hoàn toàn đồng ý với phương thức của Ngân hàng Thế giới và “không đồng ý công khai kết quả của Trung Quốc”.
Bởi vì Trung Quốc từ chối vị trí nền kinh tế số một thế giới, nhiều người coi đây là dấu hiệu cho việc Trung Quốc thu hẹp những nghĩa vụ mà họ có trách nhiệm. Ví dụ, Trung Quốc vẫn khăng khăng cho rằng họ là nước đang phát triển khi đàm phán về việc giảm khí thải gây hiêu ứng nhà kính. Đúng là nếu tính đến dân số khổng lồ, Trung Quốc đang và sẽ là một nước đang phát triển trong thời gian dài. Tuy nhiên nhiều người tin rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất.
Mặc dù bây giờ vẫn còn quá sớm để nghĩ về việc lãnh đạo thế giới như thế nào, đã đến lúc lãnh đạo Trung Quốc học xem lãnh đạo nghĩa là gì và bao gồm những gì. Đầu tiên, quốc gia lãnh đạo thế giới phải giữ yên ổn nhà mình. Xét đến dân số khổng lồ của Trung Quốc, chu cấp đủ cho người dân và duy trì xã hội ổn định có lẽ là đóng góp lớn nhất của Trung Quốc cho thế giới.
Thứ hai, một quốc gia lãnh đạo thế giới phải duy trì hòa bình với các nước láng giềng thông qua luật lệ và quy chuẩn. Về mặt lịch sử, rõ ràng là chẳng có sự quản lý bằng quyền lực nào có thể kéo dài. Do vậy, một quốc gia lãnh đạo thực thụ cần phải biết làm sao đặt ra các luật lệ và quy chuẩn trong xã hội quốc tế. Tuy nhiên, để khuyến khích các nước khác đi theo, quốc gia lãnh đạo cũng phải là tấm gương trong việc thực thi các luật lệ và quy chuẩn mình đặt ra. Kí Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) ở Biển Đông có lẽ là bước đầu tiền để Trung Quốc đặt ra các luật lệ nhằm giảm xung đột ở Biển Đông.
Thách thức thực sự đối với Trung Quốc là làm sao để giải quyết những xung đột này. Trung Quốc sẽ chẳng thể trở thành nhà lãnh đạo thực thụ nếu nước này tiếp tục tranh cãi ngang ngược về các đảo đá và đảo nhỏ ở Biển Đông.
Lược dịch bài viết của tác giả Kai He - Phó Giáo sư ngành Khoa học Chính trị ở Đại học bang Utah