Ba Lan sẽ đòi Đức bồi thường chiến tranh 1.320 tỉ USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hơn 77 năm sau ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Ba Lan sắp bắt đầu khởi động yêu cầu chính phủ Đức bồi thường một khoản tiền khổng lồ, có thể sẽ gây nên sóng gió ngoại giao giữa hai nước.
Ông Jaroslaw Kaczynski, cựu Thủ tướng, nhà lãnh đạo Đảng Công lý và Pháp luật cầm quyền , đương kim Phó Thủ tướng chính phủ Ba Lan (Ảnh: Guancha).
Ông Jaroslaw Kaczynski, cựu Thủ tướng, nhà lãnh đạo Đảng Công lý và Pháp luật cầm quyền , đương kim Phó Thủ tướng chính phủ Ba Lan (Ảnh: Guancha).

Theo tin của các hãng ReutersAP ngày 1/9, cùng ngày ông Jaroslaw Kaczynski, cựu Thủ tướng, nhà lãnh đạo Đảng Công lý và Pháp luật cầm quyền , đương kim Phó Thủ tướng chính phủ Ba Lan, cho biết nước này sẽ chính thức đề nghị Chính phủ Đức hiện nay bồi thường thiệt hại tương đương 1.320 tỉ USD để bù đắp cho những thiệt hại do cuộc xâm lược và chiếm đóng Ba Lan của nước Đức Quốc xã trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai gây nên.

Theo bản tin, kể từ khi Đảng Công lý và Pháp luật lên nắm quyền vào năm 2015, Đức đã nhiều lần yêu cầu bồi thường, nhưng không thông qua các kênh chính thức. Vào năm 2019, một nghị sĩ của đảng cầm quyền đã tính toán và đưa ra yêu cầu nhận được khoản tiền bồi thường ước tính là 850 tỉ USD, nhưng nay số tiền mà lãnh đạo đảng cầm quyền của Ba Lan đề xuất vượt quá con số đó gần 500 tỉ USD nữa.

Nhân dịp kỷ niệm 83 năm ngày Chiến tranh Thế giới thứ Hai bùng nổ (1/9/1939), ông Jaroslaw Kaczynski, lãnh đạo Đảng Công lý và Pháp luật Ba Lan, ngày 1/9 đã đọc bản báo cáo được chờ đợi từ lâu về cái giá mà Đức phải trả cho việc nước Đức Quốc xã xâm lược và chiếm đóng Ba Lan, trong đó bao gồm một yêu sách bồi thường khoản tiền lớn.

Hãng tin Reuters đưa tin về vụ việc.

Hãng tin Reuters đưa tin về vụ việc.

"Chúng tôi không chỉ chuẩn bị văn bản báo cáo mà còn quyết định bước tiếp theo sẽ thực hiện", ông Kaczynski nói trong một cuộc họp báo. "Chúng ta sẽ triển khai đàm phán với Đức về việc bồi thường" – ông bổ sung: “Đây sẽ là một con đường dài và không dễ đi, nhưng tất sẽ có ngày thành công”. Ông cũng nói số tiền 1.320 tỉ USD mà Ba Lan đề nghị là đã hạn chế và dè dặt nhất, có thể sẽ còn tăng lên.

Hãng tin AP cho biết cùng ngày 1/9, Kaczynski, một nhà hoạch định chính sách chủ yếu của Ba Lan và các lãnh đạo cấp cao nhất của chính phủ trong đó có Thủ tướng Mateus Moravecki, đã tham dự nghi thức công bố bản Báo cáo tại một khu di tích đổ nát do Thế chiến II gây ra ở thủ đô Warsaw.

Chính phủ cánh hữu đang cầm quyền ở Ba Lan hiện tại cho rằng Ba Lan là nạn nhân đầu tiên của Thế chiến thứ hai, nhưng nước láng giềng Đức hiện là một trong những đối tác chính của Ba Lan trong EU, đã không bồi thường thỏa đáng cho Ba Lan.

Phát xít Đức ném bom và xâm lược Ba Lan vào ngày 1/9/1939 sau đó là một cuộc chiếm đóng tàn bạo kéo dài 5 năm ở đất nước này. Khoảng 6 triệu người Ba Lan, trong đó có 3 triệu người Do Thái Ba Lan, đã thiệt mạng trong Thế chiến thứ II, khoảng 200.000 dân thường đã thiệt mạng trong "Cuộc nổi dậy Warsaw" của Ba Lan chống lại Đức Quốc xã vào năm 1944.

Trong khi đó Đức từng giải thích rằng trong mấy năm sau chiến tranh, tiền bồi thường đã được trả cho các nước Đông Âu, và Berlin cho rằng vấn đề đã kết thúc với việc Ba Lan đã nhận được một phần đất trước chiến tranh của Đức khi vẽ lại đường biên giới phía đông.

Bản tin của Reuters mô tả ông Kaczynski là một "lãnh tụ theo chủ nghĩa dân tộc" ở Ba Lan, nói rằng Đảng Công lý và Pháp luật của Ba Lan thường lợi dụng "lập trường hiếu chiến" chống lại Đức để vận động cử tri của mình, điều này cũng dẫn đến quan hệ căng thẳng giữa Ba Lan với Đức. Đặc biệt là sau khi bùng phát cuộc xung đột Nga-Ukraine, Ba Lan đã chỉ trích mạnh mẽ việc Đức phụ thuộc vào khí đốt của Nga và sự chậm chạp trong việc hỗ trợ Ukraine.

Vào ngày 17/8, giờ địa phương, theo phiên bản châu Âu của trang mạng tin tức Politico, người đứng đầu ngân hàng trung ương Ba Lan, ông Adam Glapinski, đã đưa ra cảnh báo trong một cuộc trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông quốc gia, nói rằng Đức hiện đang mưu đồ “dùng một số hình thức" để lấy lại các vùng đất mà họ đã phải giao cho Ba Lan sau Thế chiến II, thậm chí còn nói Đức "đang cố gắng chinh phục một loạt quốc gia giữa Đức và Nga" trong nỗ lực kiểm soát lục địa châu Âu.

Hãng tin Mỹ AP viết về việc Ba Lan yêu cầu Đức bồi thường.

Hãng tin Mỹ AP viết về việc Ba Lan yêu cầu Đức bồi thường.

Năm 1953, chính phủ Ba Lan lúc bấy giờ đã từ bỏ mọi yêu cầu bồi thường chiến tranh dưới áp lực của Liên Xô. Đảng Công lý và Pháp luật cho rằng thỏa thuận này vô hiệu vì Ba Lan đã không được trực tiếp tiến hành đàm phán bồi thường công bằng.

Ông Donald Franciszek Tusk, lãnh đạo đảng Cương lĩnh Công dân đối lập lớn nhất của Ba Lan, ngày 1/9 lên tiếng cho rằng tuyên bố của ông Kaczynski "không liên quan đến việc bồi thường."

Ông nói: “Đây là một chiến dịch chính trị nội bộ nhằm xây dựng lại sự ủng hộ đối với đảng cầm quyền”.

Đảng Công lý và Pháp luật Ba Lan hiện vẫn dẫn đầu trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận, nhưng vị trí dẫn đầu của nó cũng đã bị thu hẹp trong bối cảnh làn sóng chỉ trích bởi lạm phát tăng vọt và nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại trong những tháng gần đây.

Chính phủ và Bộ Ngoại giao Đức đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận về phát biểu của ông Kaczynski cũng như thông tin của giới truyền thông.