Avangard làm thay đổi mọi thứ: Đầu đạn siêu thanh của Nga ảnh hưởng thế nào tới cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu?

VietTimes -- Một khi chính quyền Moscow triển khai các đầu đạn siêu thanh Avangard, nó cũng đồng nghĩa với việc các hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ lắp đặt ở châu Âu giờ đã lỗi thời - và rằng Washington cần phải chi thêm rất nhiều tiền để có thể bắt kịp công nghệ vũ khí của Nga.
Vũ khí siêu thanh của Nga được cho là sẽ thay đổi cục diện cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu (Ảnh: National Interest)
Vũ khí siêu thanh của Nga được cho là sẽ thay đổi cục diện cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu (Ảnh: National Interest)

Một đoạn video mà Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm thứ Sáu vừa qua cho thấy các đầu đạn siêu thanh được lắp đặt trên các tên lửa phóng từ Silo (tháp chứa). Ở thời điểm này, Avangard tạm thời được lắp trên các tên lửa đạn đạo UR-100N (NATO định danh là SS-19 Stiletto) cho đến khi tên lửa RS-28 Sarmat được hoàn thiện.

Avangard trong vụ phóng thử nghiệm giai đoạn cuối cùng

Ai cũng hiểu rằng các vũ khí siêu thanh có vận tốc vượt vận tốc âm thanh. Avangard có khả năng đạt vận tốc Mach 27 (khoảng 33.000 km/giờ) và không bị mất kiểm soát hay bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cũng như áp suất. Điều này có nghĩa rằng Avangard có thể né tránh mọi hàng phòng thủ trong giai đoạn tiếp cận mục tiêu của nó, giúp nó trở thành thứ vũ khí "hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa hay phòng không nào", như Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhận định.

"Chúng ta không có bất kỳ hàng phòng thủ nào có thể ngăn chặn được thứ vũ khí như vậy nếu nó nhằm vào chúng ta" - Tướng John Hyten, người từng đứng đầu Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, từng nói trước Ủy ban Vũ trang Thượng viện vào tháng 3/2018, tức sau khi ông Putin xác nhận về sự tồn tại của Avangard cùng một số vũ khí siêu thanh khác mà Nga phát triển.

Trong một động thái thể hiện rõ sự tự tin đối với các vũ khí siêu thanh mới, Moscow hồi tháng trước còn cho phép các thành sát viên Mỹ tới quan sát Avangard, như một nỗ lực nhằm cải thiện tính minh bạch liên quan tới hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn tồn tại giữa hai nước. Được biết, Nga đã đề nghị với Mỹ gia hạn Hiệp ước New START tới tháng 2/2021, nhưng Washington vẫn chưa hồi đáp.

Hình ảnh cho thấy Avangard đang được chuyển vào tháp phóng (Ảnh: RT)
Hình ảnh cho thấy Avangard đang được chuyển vào tháp phóng (Ảnh: RT)

Nga hiện là quốc gia duy nhất sở hữu các tên lửa siêu thanh - gồm Avangard và "người họ hàng" Kinzhal phóng từ máy bay và có tầm bắn ngắn hơn. Theo Tổng thống Putin, các nhà khoa học quân sự Nga cũng đang phát triển các hệ thống phòng thủ đánh chặn các tên lửa siêu thanh.

Hồi đầu tuần này, Tổng thống Putin đã tuyên bố rằng Nga giờ đang là nước đi đầu trong công nghệ vũ khí, khác với trong quá khứ thời Chiến tranh Lạnh khi mà họ luôn tụt hậu một bước so với Mỹ. Và giờ đây, Mỹ lại phải cố gắng bắt kịp công nghệ vũ khí của Nga.

Mỹ hiện cũng đang ra sức đẩy nhanh quá trình phát triển vũ khí siêu thanh. Một bản hợp đồng đã được ký kết hồi đầu năm nay nhằm phát triển một vũ khí siêu thanh đạt vận tốc Mach 5, nhưng dự kiến phải đến năm 2023 mới hoàn thiện.

Sự tồn tại của Avangard ở thời điểm hiện tại sẽ khiến các siêu cường phải đẩy nhanh quá trình phát triển các hệ thống đánh chặn đặt ngoài không gian, mà trên lý thuyết có thể bắn chặn tên lửa ngay trong giai đoạn tăng tốc của chúng, tức trước khi các đầu đạn siêu thanh được phóng ra. Đây có thể là lý do mà Mỹ mới đây tuyên bố thành lập "Lực lượng Không gian".

Những thứ vũ khí tương lai nguy hiểm như Avangard cũng có thể là nguyên nhân đằng sau những ý tưởng mang đậm chất giả tưởng của Lầu Năm Góc trong thập kỷ 80, khi Tổng thống Ronald Reagan đưa ra sáng kiến chiến lược mang tên "Star Wars" (Chiến tranh giữa các vì sao). Mặc dù ở thời điểm bấy giờ, không ai có thể nghĩ tới một thứ vũ khí nguy hiểm như vậy có thể tồn tại, nhưng Washington tính toán rằng "Star Wars" sẽ đẩy Liên Xô vào một cuộc chạy đua vũ trang đắt đỏ với họ, và cuối cùng đẩy nó tới sự sụp đổ.

Mặc dù nhiều học giả Nga ngày nay cũng tranh luận rằng việc phát triển vũ khí siêu thanh quá đắt đỏ, nhưng chính quyền Moscow vẫn quyết tâm thử nghiệm chúng.

Và giờ đây, các vũ khí siêu thanh của Nga đã đẩy Mỹ vào chính vị trí mà Mỹ từng nghĩ là sẽ đẩy Liên Xô vào, và trong thời gian tới Washington sẽ phải dành nhiều nguồn lực để đổ vào phát triển vũ khí siêu thanh, ngay trong lúc mà khoản nợ của họ lên tới 23 nghìn tỷ USD và có xu hướng tăng thêm. Điều này có lẽ sẽ khiến Mỹ phải suy tính nghiêm túc hơn về việc kiến tạo hòa bình với các nước trên thế giới, thay vì tìm cách thống trị.

Nga rõ ràng có suy tính rất kỹ lưỡng về các khoản chi tiêu quốc phòng của họ, vốn thấp hơn nhiều so với Mỹ, nhưng phần lớn trong khoản ngân sách quốc phòng của Nga đều dồn vào việc phát triển các hệ thống vũ khí mới.

Moscow giờ đã đảm bảo được khả năng đánh chặn hạt nhân của họ trong giai đoạn 10-15 năm tới - theo đánh giá của các nhà khoa học chính trị Sergey Karaganov và Dmitry Suslov.