Australia tố máy bay chiến đấu Trung Quốc ngăn chặn trái phép máy bay trên Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ Quốc phòng Australia đã phản ứng mạnh mẽ trước việc máy bay chiến đấu Trung Quốc ngăn chặn,có hành vi gây mất an toàn bay cho máy bay của quân đội nước này hoạt động hợp pháp trên vùng trời quốc tế Biển Đông.
Máy bay trinh sát tàu ngầm P-8 Poseidon của không quân Australia (Ảnh: ABC).
Máy bay trinh sát tàu ngầm P-8 Poseidon của không quân Australia (Ảnh: ABC).

Theo trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương) trưa ngày 5/6, Bộ Quốc phòng Australia hôm Chủ nhật (5/6) đưa ra tuyên bố nói rằng một máy bay trinh sát trên biển của không quân nước này đã bị máy bay chiến đấu của Trung Quốc ngăn chặn một cách nguy hiểm trong không phận quốc tế ở Biển Đông vào tháng trước, thậm chí còn phóng ra các mảnh kim loại nhỏ. Australia đã chỉ trích hành động của máy bay Trung Quốc đã gây ra mối đe dọa đối với phi hành đoàn Australia.

Tuyên bố nêu rõ một máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) đã bị một máy bay chiến đấu J-16 của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ngăn chặn trong một nhiệm vụ trinh sát trên biển thường lệ ở Biển Đông vào ngày 26/5.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles chỉ ra rằng, lúc đó chiếc máy bay chiến đấu J-16 của PLA đã bay phía trước máy bay trinh sát P-8 của Không quân Hoàng gia Australia, khoảng cách giữa hai bên rất gần. Máy bay Trung Quốc còn thả ra một số dị vật nhỏ, trong đó có các mảnh nhôm, chúng đã bị hút vào động cơ của máy bay trinh sát Australia.

Tuyên bố phê phán vụ ngăn chặn này đã gây ra mối đe dọa an toàn đối với chiếc máy bay trinh sát P-8 và phi hành đoàn của nó, mô tả đây là một hành động nguy hiểm.

Máy bay chiến đấu J-16 của không quân Trung Quốc.

Máy bay chiến đấu J-16 của không quân Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Australia cho biết chính phủ nước này đã bày tỏ quan ngại với chính phủ Trung Quốc về vấn đề này.

Đông Phương cho biết, cho đến khi đăng tin (10h30 phút, giờ Việt Nam), Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia vẫn chưa lên tiếng phản hồi về vụ việc.

Đây không phải là lần đầu tiên Australia lên tiếng cáo buộc Trung Quốc gây nguy hiểm cho máy bay trinh sát Australia hoạt động trên biển.

Vào tháng 2/2022, một máy bay tuần tra chống ngầm P-8A Poseidon của Không quân Australia được cho là đã bị tàu hải quân Trung Quốc chiếu tia laser trên vùng biển Arafura thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Bộ Quốc phòng Australia tuyên bố rằng chiếc máy bay tuần tra của họ hôm 17/2 đã phát hiện bức xạ laser cấp độ quân sự do các tàu Trung Quốc phát ra chiếu vào họ và Australia đã nêu vấn đề với Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao và quốc phòng.

"Tàu Trung Quốc chiếu tia laser vào máy bay là sự cố an toàn nghiêm trọng. Những hành vi thế này có khả năng gây nguy hiểm cho sự an toàn và tính mạng của binh sĩ. Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành vi quân sự thiếu chuyên nghiệp và không an toàn này", thông cáo của Bộ Quốc phòng Australia nhấn mạnh.

Thủ tướng Scott Morrison và Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Dutton đều cho biết việc chiếu tia laser không chỉ làm hỏng máy bay mà còn có thể khiến phi công bị mù. “Hành vi này không khác gì một sự hăm dọa vô cớ, Australia sẽ không bao giờ chấp nhận những hành vi đe dọa như vậy". Thủ tướng Morrison nói tại một buổi họp báo và cho biết chính phủ Australia yêu cầu nhận được câu trả lời từ phía Trung Quốc.

Khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời rằng thông tin của Australia là không đúng sự thật. Người phát ngôn bộ này, ông Uông Văn Bân nói rằng việc tàu Trung Quốc hoạt động bình thường trên biển là phù hợp với luật pháp quốc tế và yêu cầu Australia ngừng tung tin ác ý về Trung Quốc.

Vì cả chính phủ Australia và Trung Quốc sau đó đều không công bố thêm chi tiết về vụ việc, nên người ta không biết chuyện gì đã xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế phía bắc của Australia.

Tàu khu trục mang tên lửa Type 052D Hợp Phì của Hải quân Trung Quốc.

Tàu khu trục mang tên lửa Type 052D Hợp Phì của Hải quân Trung Quốc.

Vào thời điểm xảy ra vụ việc, chiếc tàu liên quan và một tàu chiến khác đang đi về phía đông qua Biển Afra. Sau đó, hai con tàu đi qua eo biển Torres ở phía bắc Queensland, hướng đến vùng biển San hô gần Great Barrier Reef.

Đánh giá từ các bức ảnh do Hải quân Australia công bố, các tàu Trung Quốc liên quan là chiếc tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Type 052D "Hefei" (Hợp Phì, số hiệu 174), và tàu đổ bộ đổ bộ Type 071 "Jinggangshan" (Tỉnh Cương Sơn, số hiệu 999).

Tiến sĩ Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao tại Australian Strategic Policy Institute (Viện Chính sách Chiến lược Australia), cho rằng hành vi của Trung Quốc là "hành vi thù địch trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của chúng ta", là "hoàn toàn không thể chấp nhận được ".

Ông nói: “Tôi không nghĩ chúng ta sẽ đáp trả bằng vũ lực, nhưng tôi nghĩ điều thực sự có thể làm là sử dụng đòn bẩy chính trị và ngoại giao”.

Khi đó, Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc trong một bài báo đã dẫn lời chuyên gia quân sự Tống Trung Bình (Song Zhongping) nói rằng Australia có thể đang thổi phồng "lý thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc", nếu không thì sẽ cho thấy "PLA đã đạt được tiến bộ lớn trong việc nghiên cứu và phát triển vũ khí laser, có thể được áp dụng vào thực tế."

Bài báo của Thời báo Hoàn cầu viết rằng một số nhà phân tích cho rằng máy đo xa laser được trang bị hệ thống vũ khí phòng không tầm ngắn trên tàu không có khả năng đe dọa, và gọi phản ứng của quân đội Australia là cố ý "lòe bịp".