Armenia hỗn loạn sau khi ký hiệp định ngừng bắn: dân chúng tự đốt nhà bỏ đi, Ngoại trưởng từ chức...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Armenia và Azerbaijan đã thực hiện ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh, nhưng thỏa thuận rất bất lợi cho Armenia. Dân chúng phẫn nộ nổi loạn, người Armenia ở Nagorno-Karabakh đốt phá nhà cửa, bỏ về; Ngoại trưởng buộc phải từ chức...

Nagorno-Karabakh sau khi lệnh ngừng bắn được thực thi: người Armenia sống ở các khu vực phải bàn giao cho Azerbaijan tự đốt nhà, thu dọn đồ đạc bỏ về Armenia (Ảnh: AP).
Nagorno-Karabakh sau khi lệnh ngừng bắn được thực thi: người Armenia sống ở các khu vực phải bàn giao cho Azerbaijan tự đốt nhà, thu dọn đồ đạc bỏ về Armenia (Ảnh: AP).

Theo trang tin Đa Chiều (Dwnew), bà Anna Naghdalyan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Armenia ngày 16/11 đã công bố trên Facebook lá đơn từ chức viết tay của Bộ trưởng Ngoại giao Zohrab Mnatsakanyan gửi Thủ tướng Nikol Pashinyan.

Trước đó mấy hôm, ông Samvel Babayan, thư ký Ủy ban An ninh của “Cộng hòa Nagorno-Karabakh (NKR)”, đã lên tiếng chỉ trích chính phủ Armenia và các nhà lãnh đạo của “Cộng hòa Nagorno-Karabakh” đã đơn phương đưa ra các quyết định, do đó ông đã tuyên bố từ chức để phản đối.

Ông Mnatsakanyan viết trong thư: "Thưa Thủ tướng, xin hãy chấp nhận đơn từ chức của tôi. Tôi rất cảm ơn sự tin tưởng và hợp tác trong thời gian vừa qua”. Trước đó, trong một cuộc họp đặc biệt của quốc hội, Thủ tướng Armenia Pashinyan đã công bố quyết định bãi chức ông Mnatsakanyan, người đã giữ chức ngoại trưởng từ tháng 5/2018.

Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanyan mất chức vì ký hiệp định ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh với Azerbaijan và Nga (Ảnh: AP).

Ngoại trưởng Armenia Zohrab Mnatsakanyan mất chức vì ký hiệp định ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh với Azerbaijan và Nga (Ảnh: AP).

Việc ông Mnatsakanyan từ chức có liên quan đến thỏa thuận ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan. Hai nước bắt đầu xảy ra xung đột quân sự lớn ở khu vực Nagorno-Karabakh từ tháng 9/2020. Mặc dù đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhiều lần, nhưng họ cũng đã nhiều lần xé bỏ thỏa thuận, khiến xung đột kéo dài đến tháng 11.

Vào ngày 9/11, dưới sự hòa giải mạnh mẽ của Nga, Armenia và Azerbaijan cuối cùng đã đồng ý ký một thỏa thuận ngừng bắn. Sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố bắt đầu từ nửa đêm 10/11, một lệnh ngừng bắn hoàn toàn được thực hiện ở khu vực Nagorno-Karabakh.

Quân đội Nga triển khai vào Nagorno-Karabakh để gìn giữ hòa bình (Ảnh: AP).

Quân đội Nga triển khai vào Nagorno-Karabakh để gìn giữ hòa bình (Ảnh: AP).

Theo nội dung của thỏa thuận ngừng bắn, Azerbaijan có thể tiếp tục giữ lại khu vực hiện họ đã chiếm giữ, nhưng Armenia phải từ bỏ phần lớn phần đất do họ kiểm soát và chỉ có thể giữ lại một phần lãnh thổ xung quanh Stepanakert, thủ phủ của Nagorno-Karabakh và Hành lang Lachin, một hành lang giao thông quan trọng kết nối Nagorno-Karabakh với Armenia. Điều đáng nói là Nga cũng đã đưa lực lượng gìn giữ hòa bình vào vùng Nagorno-Karabakh để chịu trách nhiệm thực hiện thỏa thuận ngừng bắn. Tổng thống Nga Putin ngày 15/11 nói, các cuộc giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia ở khu vực Nagorno-Karabakh đã làm hơn 4.000 người bị chết, hơn 8.000 người bị thương, mấy chục ngàn người trở thành nạn dân.

Lính Armenia đưa súng cho trẻ em ở Nagorno-Karabakh trước khi rời khỏi Nagorno-Karabakh (Ảnh: AP).

Lính Armenia đưa súng cho trẻ em ở Nagorno-Karabakh trước khi rời khỏi Nagorno-Karabakh (Ảnh: AP).

Mặc dù Azerbaijan cũng miễn cưỡng ký thỏa thuận ngừng bắn nhưng phản ứng trong nước không quá mạnh mẽ. Dù sao, do quân đội Azerbaijan đã bắn hạ chiếc trực thăng Mi-24 của Nga, tạo điều kiện cho Nga can thiệp vào cuộc xung đột Nagorno-Karabakh. Trước sức ép mạnh mẽ của quân đội Nga, Azerbaijan đã phải chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, đối với Armenia thì khác. Khi tin tức về thỏa thuận ngừng bắn truyền đến Armenia, đã gây ra phản ứng dữ dội. Trên thực tế, nhìn vào các điều khoản của thỏa thuận, Armenia thực sự đã phải trả giá nhiều hơn, giống như một kẻ bại trận. Điều này rõ ràng là không thể chấp nhận được đối với người dân Armenia, đặc biệt là những người theo đường lối chủ chiến cứng rắn cho rằng đây là một hiệp định "để mất quyền lực và làm nhục đất nước".

Binh sĩ Nga tuần tra gần Nhà thờ Tông đồ ở Nagorno-Karabakh (Ảnh: AP).

Binh sĩ Nga tuần tra gần Nhà thờ Tông đồ ở Nagorno-Karabakh (Ảnh: AP).

Sau khi tin tức được đưa ra, thủ đô Yerevan, thành phố lớn nhất của Armenia, rơi vào hỗn loạn. Một số lượng lớn người dân ủng hộ phái chủ chiến cứng rắn đã đổ xuống đường để phản đối hiệp định ngừng bắn. Những người biểu tình tức giận thậm chí còn xông vào tòa nhà quốc hội và các cơ quan chính phủ khác, lục soát Văn phòng của Thủ tướng Nikol Pashinyan. Chủ tịch Quốc hội Ararat Mirzoyan không kịp trốn thoát, đã bị những người biểu tình giận dữ đánh đến bất tỉnh.

Dân chúng Armenia giận dữ xông vào tòa nhà Quốc hội đánh ông Chủ tịch Quốc hội và các quan chức (Ảnh: AP).

Dân chúng Armenia giận dữ xông vào tòa nhà Quốc hội đánh ông Chủ tịch Quốc hội và các quan chức (Ảnh: AP).

Cục An ninh Quốc gia Armenia (NSS) thông báo đã ngăn chặn các cựu quan chức âm mưu ám sát Thủ tướng Pashinyan và cướp chính quyền. NSS cho biết cựu Cục trưởng NSS Artur Vanetsyan và ông Vahram Baghdasaryan, cựu lãnh tụ Đảng Cộng hòa Armenia cùng những người khác đã bị bắt. Họ dự định thực hiện kế hoạch ám sát Thủ tướng Pashinyan và chuẩn bị nhân sự thay thế.

Người Armenia dỡ các tấm tôn mang đi trước khi nổi lửa đốt ngôi nhà của mình (Ảnh: AP).

Người Armenia dỡ các tấm tôn mang đi trước khi nổi lửa đốt ngôi nhà của mình (Ảnh: AP).

Trước đó, Pashinyan nói rằng ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ký một hiệp định ngừng bắn để ngăn chặn việc đất nước mất thêm nhiều lãnh thổ, ông cũng bày tỏ chịu trách nhiệm cá nhân về việc này, nhưng cho biết ông sẽ không từ chức.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14/11 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, thúc giục Azerbaijan đảm bảo an toàn cho các nhà thờ ở khu vực Nagorno-Karabakh và đảm bảo rằng cuộc sống hàng ngày của giái hội không bị ảnh hưởng.

Ngoại trưởng Nga Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Armenia Mnatsakanyan (Ảnh: AP).

Ngoại trưởng Nga Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Armenia Mnatsakanyan (Ảnh: AP).

Theo hiệp định ngừng bắn tại khu vực Nagorno-Karabakh được ký kết giữa Nga, Azerbaijan và Armenia, Armenia sẽ bàn giao các quận Kerbajar, Agdam và Lachin cho Azerbaijan trong thời gian tới. Theo hãng Reuters, ngày 14/11 theo giờ địa phương, rất đông người Armenia từ các khu vực này đã bắt đầu di tản khẩn cấp. Trước khi bỏ đi họ phóng hỏa tự đốt nhà để tránh rơi vào tay người Azerbaijan.

Người Armenia ở Nagorno-Karabakh phóng hỏa đốt nhà trước khi di tản sang Armenia (Ảnh: AP).

Người Armenia ở Nagorno-Karabakh phóng hỏa đốt nhà trước khi di tản sang Armenia (Ảnh: AP).

Theo Hãng thông tấn Nga Sputnik, ông Hikmet Hajiyev, Trợ lý Tổng thống Azerbaijan ngày 15/11 cho biết phía Azerbaijan xuất phát từ lý do nhân đạo đã đồng ý cung cấp thêm thời gian để quân đội và dân thường Armenia di tản khỏi quận Kerbajar ở vùng Nagorno-Karabakh về Armenia.

Người Armenia ở Nagorno-Karabakh chất đồ lên xe để di tản sang Armenia (Ảnh: AP).

Người Armenia ở Nagorno-Karabakh chất đồ lên xe để di tản sang Armenia (Ảnh: AP).

Bộ Quốc phòng Azerbaijan ngày 14/11 xác nhận với sự tham gia của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, phía Azerbaijan cùng ngày đã trao đổi hài cốt của một số binh sĩ thiệt mạng. Bộ Y tế Armenia cho biết tính đến ngày 14, cơ quan pháp y Armenia đã giám định xác minh hài cốt của 2.317 binh sĩ Armenia thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh. Phía Azerbaijan chưa tiết lộ thương vong của quân đội nước này.

Cảnh đoàn xe người Armenia di tản kẹt cứng trên đường di tản khỏi Nagorno-Karabakh (Ảnh: AP).

Cảnh đoàn xe người Armenia di tản kẹt cứng trên đường di tản khỏi Nagorno-Karabakh (Ảnh: AP).

Xem ra, Nga là bên được lợi nhất qua việc ký kết hiệp định ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh. Theo thông tin đăng tải trên trang web của Điện Kremlin, ngày 13/11. Tổng thống Vladimir Putin đã họp trực tuyến với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Cục trưởng An ninh Quốc gia và các quan chức khác để thảo luận về cách giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực Nagorno-Karabakh. Ông Putin bày tỏ mong muốn từ nay thuật ngữ "xung đột" sẽ không còn được sử dụng để nói về tình hình ở khu vực Nagorno-Karabakh nữa.

Hôm 13/11, Tổng thống Nga Putin họp trực tuyến với Ngoại trưởng Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu, Cục trưởng An ninh Quốc gia và các quan chức khác về giải quyết tình hình ở Nagorno-Karabakh (Ảnh: AP).

Hôm 13/11, Tổng thống Nga Putin họp trực tuyến với Ngoại trưởng Lavrov, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu, Cục trưởng An ninh Quốc gia và các quan chức khác về giải quyết tình hình ở Nagorno-Karabakh (Ảnh: AP).