Arab Saudi và UAE chạy đua mua chip 40.000 USD của Nvidia, thúc đẩy các mục tiêu tham vọng về AI

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các quốc gia vùng Vịnh mua hàng nghìn con chip trong bối cảnh toàn cầu thiếu chất bán dẫn cần thiết để xây dựng các mô hình ngôn ngữ lớn phục vụ cho trí tuệ nhân tạo.

1.png
Hoàng Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman và giám đốc Nvidia Jensen Huang (Ảnh: FT)

Những mục tiêu tham vọng về AI

Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đang mua hàng nghìn con chip hiệu suất cao của Nvidia rất quan trọng để xây dựng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI), tham gia cuộc chạy đua AI toàn cầu vốn đang siết chặt nguồn cung mặt hàng “nóng” nhất của Thung lũng Silicon.

Các cường quốc vùng Vịnh đã công khai tuyên bố mục tiêu trở thành những người dẫn đầu về AI khi họ theo đuổi các kế hoạch đầy tham vọng nhằm thúc đẩy nền kinh tế quốc gia. Nhưng việc thúc đẩy này cũng làm dấy lên mối lo ngại về khả năng lạm dụng công nghệ của các nhà lãnh đạo những quốc gia giàu có này.

Theo Financial Times, Arab Saudi đã mua ít nhất 3.000 chip H100 của Nvidia – bộ xử lý trị giá lên tới 40.000 USD được CEO Nvidia Jensen Huang mô tả là “máy tính [chip] đầu tiên trên thế giới được thiết kế cho AI tạo sinh – thông qua tổ chức nghiên cứu công lập ĐH Khoa học và Công nghệ King Abdullah (Kaust).

Trong khi đó, UAE cũng đã tiếp cận được hàng nghìn chip Nvidia và đã phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) nguồn mở của riêng mình, được gọi là Falcon, tại Viện Đổi mới Công nghệ thuộc sở hữu nhà nước ở thành phố Masdar, Abu Dhabi.

“UAE đã đưa ra quyết định mà họ muốn... sở hữu và kiểm soát sức mạnh tính toán và nhân tài của riêng mình, có nền tảng độc lập và không phụ thuộc vào người Trung Quốc hay người Mỹ”, Financial Times dẫn một người hiểu vấn đề cho biết. “Điều quan trọng là họ có vốn và nguồn lực để làm điều đó, và cũng đang thu hút được những nhân tài tốt nhất”.

Việc các quốc gia vùng Vịnh mua số lượng lớn chip Nvidia thông qua các tập đoàn nhà nước diễn ra trong lúc các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đổ xô vào cuộc tranh giành những con chip khan hiếm để phát triển AI.

Tuần trước, Financial Times đưa tin các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Tencent và Alibaba đang tìm cách mua lại các chip hiệu suất cao của Nvidia.

Các LLM tiên tiến nhất thuộc sở hữu của các công ty Mỹ bao gồm OpenAI, do Microsoft hậu thuẫn, và Google. Các tập đoàn này cũng là những khách hàng chính của chip H100 và A100 của Nvidia.

28-db-huang-fzjp-videoSixteenByNine3000.jpg
Cuộc đua tranh giành chip của Nvidia trên toàn cầu ngày càng trở nên "nóng" hơn (Ảnh: NYTimes)

Chạy đua tích trữ chip

Theo nhiều nguồn tin thân cận với Nvidia, công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan này sẽ xuất xưởng khoảng 550.000 chip H100 mới nhất của mình trên toàn cầu vào năm 2023, chủ yếu cho các công ty công nghệ Mỹ.

Tại Arab Saudi, Kaust sẽ nhận được 3.000 con chip chuyên dụng này, trị giá tổng cộng khoảng 120 triệu USD, vào cuối năm 2023, theo Financial Times.

Để so sánh, các ước tính cho thấy OpenAI đã đào tạo mô hình GPT-3 tiên tiến của mình trên 1.024 chip A100 - tiền thân của chip mới nhất của Nvidia - chỉ trong hơn một tháng.

Trường đại học ở Saudi cũng sở hữu ít nhất 200 chip A100 và đang xây dựng một siêu máy tính, có tên Shaheen III, dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay. Máy sẽ vận hành 700 Grace Hoppers, được gọi là siêu chip của Nvidia, được thiết kế dành cho các ứng dụng AI tiên tiến.

2.png
Mô hình về siêu máy tính Shaheen III (Ảnh: Kaust)

Kaust sẽ sử dụng những con chip này để xây dựng LLM của riêng mình – phần mềm có thể tạo văn bản, hình ảnh và mã giống con người – tương tự như GPT-4 của OpenAI, hỗ trợ chatbot nổi tiếng ChatGPT, theo nhiều nguồn tin thân cận với trường đại học này.

LLM của Arab Saudi đang được phát triển bởi phòng thí nghiệm Phân tích dữ liệu và AI có trách nhiệm có thể chứng minh được tại Kaust, chủ yếu do các nhà nghiên cứu Trung Quốc phụ trách.

Các nguồn tin từ Kaust cho biết, nhiều chuyên gia Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo đã chọn làm việc tại Kaust, bởi vì họ đang bị hạn chế trong việc học tập và làm việc tại Mỹ sau khi các trường đại học Trung Quốc mà họ tốt nghiệp nằm trong danh sách các trường bị hạn chế của Mỹ.

Trong khi đó, UAE, quốc gia đầu tiên thành lập Bộ AI vào năm 2017, đã đưa ra “Hướng dẫn AI sáng tạo” như một phần trong “cam kết củng cố vị thế toàn cầu với tư cách là quốc gia tiên phong về công nghệ và lĩnh vực AI” cũng như “khuôn khổ quy định để hạn chế việc sử dụng công nghệ một cách tiêu cực”.

Mô hình Falcon của UAE, hiện được cung cấp miễn phí trực tuyến, đã được đào tạo trên 384 chip A100 trong hơn 2 tháng vào đầu năm nay.

“Tôi vô cùng ấn tượng với mô hình này, khi xem xét những tài nguyên mà họ sử dụng. Trong một khoảng thời gian, nó là một trong những mô hình tốt nhất trong thế giới nguồn mở”, một nhà nghiên cứu AI hàng đầu và chuyên gia LLM cho biết.

Mô hình này cũng gây ấn tượng với các nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng như Marc Andreessen, người đã cố gắng thiết lập liên lạc với đội ngũ nghiên cứu của UAE.

Theo một người tại văn phòng phát triển công nghiệp của UAE, chính phủ nước này đã mua một lô chip Nvidia mới để chuẩn bị cho nhiều ứng dụng liên quan đến LLM và dịch vụ đám mây.

3.png
Nhiều nước, bao gồm cả các quốc gia vùng Vịnh, đang nỗ lực giành vị trí tiên phong trong lĩnh vực AI (Ảnh: Stockal)

Ganh đua giành vị trí tiên phong

Những bên đi đầu về AI của phương Tây và các chuyên gia nhân quyền đã nêu quan ngại rằng phần mềm được phát triển ở hai quốc gia này có thể thiếu các biện pháp bảo vệ đạo đức và các tính năng an toàn mà các công ty công nghệ lớn đang cố gắng tích hợp vào công nghệ.

Arab Saudi và UAE đã được hỗ trợ từ nguồn tài chính dầu mỏ sau khi giá năng lượng tăng vọt vào năm ngoái, và cả hai đều quản lý một số quỹ đầu tư có tầm ảnh hưởng lớn nhất và hoạt động mạnh mẽ trên toàn cầu.

Đại diện của các quỹ liên kết với các quốc gia vùng Vịnh gần đây đã tiếp cận với các công ty khởi nghiệp AI ở phương Tây trong nỗ lực tiếp cận mã và chuyên môn về LLM để đổi lấy tài nguyên máy tính, theo giám đốc điều hành của hai công ty AI châu Âu - người đề nghị được giấu tên.

Một trong những giám đốc điều hành kể trên cho biết: “Chúng tôi đã nhận được những lời đề nghị về nguồn tài chính khổng lồ và quyền truy cập vào dữ liệu để gián tiếp khai thác chuyên môn của chúng tôi”.

CEO OpenAI Sam Altman trong tháng 6 đã ca ngợi tầm nhìn xa của Abu Dhabi trong việc nhận ra tầm quan trọng của AI trong chuyến thăm khu vực. Trong một phiên hỏi đáp tại khu tài chính của thành phố, ông cho biết vùng Vịnh có thể “đóng vai trò trung tâm trong cuộc đối thoại toàn cầu” xung quanh công nghệ mới nổi và quy định liên quan.

“Đã có cuộc thảo luận về AI, đặc biệt là ở đây, Abu Dhabi, trước khi nó trở nên thú vị”, ông nói. “Bây giờ mọi người đều tham gia vào nhóm AI, đây là điều mà chúng tôi rất hào hứng, nhưng chúng tôi đặc biệt đánh giá cao những người từng thảo luận về điều này trong lúc nhiều người khác nghĩ rằng AI sẽ không thể xảy ra”./.

Theo Financial Times