Theo Financial Times ngày 24/5, ông Jensen Huang, CEO của Nvidia, đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ do chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden áp đặt nhằm làm chậm quá trình sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc đã khiến họ bị "trói chân bó tay" không thể bán chip tiên tiến ở Trung Quốc, một trong những thị trường lớn nhất của họ.
Trong khi đó, các công ty Trung Quốc đang bắt đầu sản xuất chip của riêng họ để cạnh tranh với các bộ xử lý dẫn đầu thị trường của Nvidia về game, đồ họa và trí tuệ nhân tạo (AI), theo ông Huang.
"Nếu Trung Quốc không thể mua hàng từ Mỹ, họ sẽ phải tự sản xuất. Do đó, Mỹ phải thận trọng. Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng đối với ngành công nghệ", ông Huang nhấn mạnh.
Tờ Financial Times nhận định rằng những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc mua hoặc phát triển chip tiên tiến đã trở thành mặt trận có "tính chất xâm lăng" nhất trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai nước.
Nhận xét trên của Jensen Huang được đưa ra vào lúc Trung Quốc quyết định đình chỉ việc bán các sản phẩm của Micron tại Trung Quốc. Theo Financial Times, động thái này được coi là đòn trả đũa lớn đầu tiên của Bắc Kinh đối với các biện pháp quản chế xuất khẩu của Washington.
Jensen Huang cảnh báo các nhà lập pháp Mỹ "cần cân nhắc kỹ lưỡng" khi ban hành các quy định hạn chế hơn nữa hoạt động thương mại với Trung Quốc.
"Nếu chúng tôi bị tước mất thị trường Trung Quốc, chúng tôi không có khả năng dự phòng. Sẽ không có thị trường Trung Quốc nào khác, chỉ có một Trung Quốc mà thôi". Ông đồng thời cho biết thêm rằng nếu các công ty Mỹ không thể giao dịch với Trung Quốc, điều đó sẽ "gây thiệt hại to lớn cho các công ty Mỹ”.
Chính phủ của Tổng thống Biden đã đưa ra một kế hoạch tài trợ trị giá 52 tỉ USD nhằm khuyến khích xây dựng thêm các cơ sở sản xuất chất bán dẫn – được gọi là "fablees" – trên lãnh thổ Mỹ.
Jensen Huang cho biết: "Nếu (do mất thị trường Trung Quốc) nhu cầu về năng lực trong ngành công nghệ Mỹ bị giảm 1/3, thì sẽ không ai cần đến các ‘fablees’ của Mỹ, chúng ta sẽ có đầy các nhà nhà máy này ở khắp nơi. Nếu họ làm không suy nghĩ thấu đáo trong việc quản chế (với Trung Quốc), điều đó sẽ gây tổn hại cho ngành công nghệ Mỹ".
Nvidia đã đặt mình vào vị trí trung tâm của cuộc đua toàn cầu nhằm phát triển một thế hệ công cụ AI mới, trở thành nguồn cung cấp chủ yếu chip được sử dụng để đào tạo "các mô hình ngôn ngữ lớn". Những con chip này đã cung cấp động lực cho các chatbot như ChatGPT của OpenAI.
Trước đó, ngày 21/5, website chính thức của Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc đã đưa ra một thông báo, nói rằng các sản phẩm của Micron được bán ở Trung Quốc đã không vượt qua được cuộc thẩm định đánh giá an ninh mạng. Thông báo cho biết: “Vài ngày trước, Văn phòng Đánh giá An ninh mạng đã tiến hành thẩm định đánh giá an toàn mạng đối với các sản phẩm của Micron được bán tại Trung Quốc theo quy định của pháp luật. Qua thẩm định phát hiện sản phẩm của Micron có ẩn họa rủi ro bảo mật nghiêm trọng, gây nguy cơ lớn đối với chuỗi cung ứng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của quốc gia, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của đất nước".
Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc tuyên bố rằng “mục đích của việc thẩm định đánh giá an ninh mạng đối với các sản phẩm của Micron là để ngăn chặn các vấn đề an ninh mạng của sản phẩm gây nguy hiểm cho an toàn của cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của quốc gia và đây là biện pháp cần thiết để duy trì an ninh quốc gia. Trung Quốc kiên định thúc đẩy mở cửa mức cao với thế giới bên ngoài. Chỉ cần tuân thủ luật pháp và quy định của Trung Quốc, thì các công ty từ tất cả các quốc gia và các nền tảng khác nhau đều được hoan nghênh gia nhập thị trường Trung Quốc”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh trong cuộc họp báo ngày 4/5 đã nói, “Mỹ không chỉ chèn ép Trung Quốc mà còn tước bỏ quyền tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ và phát triển bình thường của các nước đang phát triển, mãi mãi chèn ép các nước này ở mức thấp nhất của chuỗi ngành công nghiệp. Kiểu bắt nạt công nghệ ích kỷ này là không công bằng và không hợp lệ, phá vỡ sự ổn định của chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, không có lợi cho sự phát triển của nền kinh tế thế giới và cuối cùng sẽ tự chuốc lấy hậu quả”.
Theo Creaders, Financial Times
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu