Thiếu chip trong cuộc cạnh tranh AI, các "đại gia" Internet Trung Quốc mua dự trữ chip Nvidia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Để ứng phó với cuộc cạnh tranh trí tuệ nhân tạo, 4 công ty Internet lớnTrung Quốc tranh nhau mua trữ chip của gã khổng lồ chip Nvidia, đã đặt mua số chip trị giá gần 5 tỉ USD giao hàng trong năm nay và năm tới.

Bốn "người khổng lồ Internet" của Trung Quốc đã chi tới 5 tỉ USD để mua trữ chip tính năng cao của Nvidia (Ảnh: FT).
Bốn "người khổng lồ Internet" của Trung Quốc đã chi tới 5 tỉ USD để mua trữ chip tính năng cao của Nvidia (Ảnh: FT).

Trang tin Sohu tối 10/8 dẫn nguồn những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, Baidu, ByteDance, Tencent và Alibaba đã mua khoảng 100.000 con chip A800 trị giá 1 tỉ USD từ Nvidia và việc giao sẽ được thực hiện trong năm nay. Ngoài ra, số chip trị giá 4 tỉ USD cũng đã được đặt mua để giao hàng vào năm tới.

Trước đó, thông tin này đã được đăng tải trên báo Anh Financial Times ra ngày 9/8, nhưng các công ty liên quan đã từ chối trả lời khi được phóng viên Reuters yêu cầu xác nhận.

A800 là phiên bản chip của Nvidia hướng đến các công ty Trung Quốc được họ tung ra dưới sự quản chế xuất khẩu chip của chính phủ Mỹ, là phiên bản "cấu hình thấp" của con chip A100. Chip A100 là bộ xử lý hình tròn (GPU) tiên tiến dành cho trung tâm dữ liệu giúp truyền dữ liệu tốc độ nhanh hơn nhiều so với A800.

Kể từ đầu năm nay, với việc cuộc cạnh tranh về trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng gay gắt, cho dù AI phát triển theo hướng nào thì cũng cần có chip để làm nền tảng. Hiện nay, GPU của Nvidia, cung cấp sức mạnh tính toán để phát triển các mô hình lớn, đã trở thành mặt hàng hot nhất đối với các công ty công nghệ lớn trên thế giới.

Hiện nay, ở Trung Quốc có nhiều công ty đang phát triển các mô hình quy mô lớn của riêng họ. Do lo ngại việc kiểm soát chip của Mỹ sẽ được nâng cấp và nguồn cung chip A800 sẽ bị gián đoạn, các công ty khách hàng Internet của Trung Quốc không còn cách nào khác là phải tích trữ chip A800, bởi vì không ai muốn tụt hậu trong cuộc cạnh tranh AI.

Baidu là công ty đầu tiên ở Trung Quốc phát hành mô hình quy mô lớn tự phát triển. Mô hình quy mô lớn "Wen Xin Yi Yan" (Văn Tâm Nhất Ngôn) của Baidu đang được nhanh chóng cập nhật và cần phải có chip để hỗ trợ đào tạo mô hình của nó. Một nhân viên của Baidu cho biết: "Nếu thiếu chip, chúng tôi sẽ không thể đào tạo bất kỳ mô hình ngôn ngữ lớn nào".

ByteDance, công ty mẹ của TikTok, hiện có nhiều nhóm R&D nhỏ đang làm việc trên nhiều sản phẩm trí tuệ nhân tạo tổng quát khác nhau, bao gồm một chatbot AI có tên mã là Grace hiện đang được thử nghiệm nội bộ. Vào tháng 5, ByteDance đã thử nghiệm một chatbot hỗ trợ AI có tên là Tako trên TikTok, nó có thể tạo ra video dựa trên yêu cầu của mọi người. TikTok gần đây cũng đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho Tako, cho thấy công ty có thể đang chuẩn bị quảng bá chatbot này.

Chip Nvidia rat can cho AI.jpeg
Chip tính năng cao của Nvidia rất cần cho việc phát triển AI (Ảnh: Sohu).

Các nhân viên của ByteDance cho biết công ty đã dự trữ ít nhất 10.000 GPU của Nvidia để hỗ trợ phát triển các sản phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Họ cho biết thêm, công ty này cũng đã đặt hàng mua gần 70.000 con chip A800 trị giá khoảng 700 triệu USD, sẽ giao hàng vào năm tới.

Đối với Alibaba, công ty đang có kế hoạch tích hợp tất cả các sản phẩm của mình vào mô hình lớn, bao gồm Taobao, DingTalk và Gaode Maps...

Ngoài A100, Nvidia còn có con chip tính năng cao khác là H100 cũng là một sản phẩm rất được ưa chuộng. Chip GPU A/H100 của Nvidia hiện có ưu thế rất lớn trong đào tạo AI và vận hành máy học, đồng thời chip của nó cũng là phần cứng cơ bản chính hỗ trợ ChatGPT. Giống như A100, H100 cũng có phiên bản H800 dành cho thị trường Trung Quốc. H800 có thể cung cấp sức mạnh tính toán cho đào tạo mô hình ngôn ngữ quy mô lớn, lái xe tự động và tính toán khoa học.

Tencent Cloud hồi tháng 4 đã phát hành một thế hệ cụm máy tính hiệu năng cao HCC mới, được trang bị GPU Nvidia H800.

"Đối thủ cũ" của Tencent Cloud là Alibaba Cloud cũng đã mua hàng nghìn chip H800 của Nvidia. Được biết, nhiều khách hàng của Alibaba Cloud đã liên hệ với công ty để tìm kiếm các dịch vụ đám mây được những con chip Nvidia này cung cấp để giúp họ hoàn thành nghiên cứu và phát triển AI tổng quát.

Được biết, khi trí tuệ nhân tạo đang "kích nổ" cả thế giới, trong tay hầu hết các ông lớn Internet Trung Quốc đều chỉ có khoảng vài ngàn con chip có thể dùng để huấn luyện các mô hình lớn. Với việc nhu cầu tăng lên, giá mua chip cũng tăng theo. Một nhà phân phối của Nvidia tiết lộ: “Hiện giá các chip A800 đến tay nhà phân phối đã tăng hơn 50%”.

Nhu cầu mạnh mẽ này cũng kéo theo tình trạng "khan hàng" chip Nvidia. Quý I năm nay, tình hình cung cầu trên thị trường chip khá cân bằng nhưng từ đầu tháng 4, thị trường đã trở nên vô cùng căng thẳng. Không chỉ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây và các công ty công nghệ đang tìm kiếm chip, mà nhiều phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo cũng đang đặt mua chip và Nvidia là công ty chip được đặt hàng nhiều nhất.

Về cơn sốt toàn cầu tranh mua chip Nvidia, Brian Venturo, người đồng sáng lập kiêm giám đốc công nghệ CoreWeave cho rằng điều này là do ưu thế của Nvidia về phần cứng và phần mềm chip tạo thành một "con hào" kép. Ông cho rằng không có công ty nào có thể sản xuất chip tốt hơn Nvidia. Và đối với các startup, nếu buộc phải điều chỉnh lại kho công nghệ (tech stack) để sử dụng AMD hay TPU (đơn nguyên xử lý Tensor của Google) thì có thể sẽ lãng phí rất nhiều thời gian, dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội tốt để lên sàn huy động vốn.

Ông cũng cho rằng khoản đầu tư lớn của Nvidia vào hệ sinh thái CUDA (nền tảng lập trình phần mềm) về cơ bản đã đưa công ty đi trước các công ty cùng ngành 10 năm. Ông nói: “Đó không chỉ là 10 năm đối với Nvidia, mà còn là 10 năm để khách hàng và nhà phát triển của họ xây dựng hệ sinh thái và tôi không nghĩ là bất kỳ ai khác có thể vượt qua được Nvidia trong thời gian ngắn và trung hạn tới đây”.

Theo Sohu