Nếu như ngày cuối cùng của năm 2015 (31.12) chứng kiến việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức ra đời, và là bước đi đầu tiên hướng tới một thị trường chung ASEAN một cách thống nhất, thì việc Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN diễn ra trong hai ngày 15 và 16.2 vừa qua được xem như sự kiện định hình cho lộ trình kinh tế mà các quốc gia Đông Nam Á sẽ đi theo trong những năm sắp tới.
Có vẻ như đã đến lúc, cuộc cạnh tranh giành vị trí có ảnh hưởng quyết định về kinh tế tại các nước ASEAN cuối cùng cũng đã đi đến hồi kết: Mỹ mới là người giành chiến thắng, chứ không phải là Trung Quốc.
Nếu nhìn sơ qua các chỉ số về quan hệ kinh tế, đầu tư và thương mại giữa các quốc gia ASEAN với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, thì cũng có thể có một khái niệm cơ bản về tầm ảnh hưởng của hai cường quốc kinh tế này tại Đông Nam Á.
Theo đó, Trung Quốc chiếm ưu thế về thương mại khi đang giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất với các nước ASEAN, chứ không phải là Mỹ.
Đối với Trung Quốc thì ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba, trong khi với Mỹ thì ASEAN chỉ đứng thứ tư. Tuy nhiên Mỹ lại chiếm ưu thế tuyệt đối về đầu tư, khi ASEAN là khu vực nhận được nhiều đầu tư nhất của các tập đoàn và doanh nghiệp Mỹ trên khắp thế giới, với tổng giá trị khoảng 226 tỉ USD.
Trong khi đó, mức đầu tư của Trung Quốc vào khu vực Đông Nam Á thì thấp hơn rất nhiều so với mức đầu tư của các doanh nghiệp nước này vào các thị trường trọng điểm như Mỹ hay châu Âu.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, về lâu dài thì tình trạng hiện tại sẽ thay đổi theo hướng tăng ảnh hưởng kinh tế của Mỹ tại các nước ASEAN, trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ giảm đi. Việc Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của các nước ASEAN trong vài năm trở lại đây là kết quả của việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nóng, dẫn đến tăng cường nhập khẩu rất nhiều năng lượng, vật liệu và hàng hóa từ các nước trên thế giới, trong đó các quốc gia ASEAN chiếm một tỷ lệ quan trọng.
Ngoài việc xuất khẩu năng lượng và nguyên vật liệu thô sang Trung Quốc thì khá nhiều các nước ASEAN cũng điều chỉnh lại xuất khẩu của mình để tận dụng tối đa sự tăng trưởng nóng của kinh tế Trung Quốc. Nó dẫn đến kết quả lượng trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN tăng vọt trong một thời gian ngắn.
Vì thế, khi mà kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng chậm lại và nhu cầu nhập khẩu giảm hẳn, thì điều tất yếu là tỷ trọng trao đổi thương mại giữa nước này với ASEAN cũng giảm đi.
Việc một loạt các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines hay Malaysia tăng trưởng chậm hẳn trong năm 2015 là một dẫn chứng, khi hầu hết các nước này rơi vào tình trạng giảm xuất khẩu trầm trọng do bị tác động từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.
Nói cách khác, sự tăng vọt trong trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN chỉ mang tính ngắn hạn, và xuất phát từ nhu cầu bộc phát về phát triển của Trung Quốc thay vì một quan hệ kinh tế vững chắc và ổn định lâu dài.
So sánh về mức độ đầu tư có quy mô lớn, bài bản và lâu dài tại các nước ASEAN, thì rõ ràng Trung Quốc không thể so sánh với Mỹ. Dù ở thời điểm hiện tại ASEAN mới chỉ là đối tác thương mại lớn thứ tư với Mỹ, khi kim ngạch mậu dịch hai chiều trong năm 2015 mới chỉ đạt khoảng 254 tỉ USD.
Nhưng với một loạt các hiệp định thương mại vừa ký kết, cùng với dự báo trong tương lai ASEAN sẽ là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, thì điều này chắc chắn sẽ có sự thay đổi lớn.
Nhưng, quan trọng hơn, điều mà chính phủ Mỹ hướng tới trong mối quan hệ kinh tế với ASEAN không phải là các con số thương mại như Trung Quốc, mà Washington quan tâm đến việc đặt ra luật chơi về kinh tế tại khu vực này, một điều sẽ nâng cao ảnh hưởng về kinh tế của Mỹ tại ASEAN lên mức lớn nhất có thể, đồng thời làm giảm ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc tại khu vực này nhất có thể.
Dễ dàng nhận ra điều này khi quan sát các quy định quan trọng nhất mà Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặt ra, mà ASEAN đóng góp 4 thành viên.
Ngoài việc thúc đẩy hơn nữa quy mô trao đổi thương mại giữa các nước thành viên thì vấn đề quan trọng nhất của TPP là thiết lập một loạt các tiêu chuẩn về sản xuất và thương mại, và các tiêu chuẩn này được đánh giá là ở một mức rất cao mà các doanh nghiệp Trung Quốc khó có thể đạt tới.
Điều này có nghĩa, khi TPP đi vào hoạt động, thì các nền kinh tế trong ASEAN sẽ vận hành với các tiêu chuẩn cao hơn Trung Quốc rất nhiều, và có tính tương tác tốt hơn với nền kinh tế Mỹ vốn rất phát triển thay vì với nền kinh tế Trung Quốc vẫn được đánh giá là lạc hậu và vẫn sử dụng các tiêu chuẩn tương đối thấp.
Trong bối cảnh đó, hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN diễn ra vào giữa tháng 2.2016 tại Sunnylands (Mỹ) được xem là bước đi kế tiếp để hoàn thiện sự kết nối kinh tế quy mô và chặt chẽ giữa Mỹ và các nước ASEAN.
Theo đó, hội nghị sẽ tạo điều kiện tối đa cho ba nền kinh tế lớn còn lại của ASEAN là Thái Lan, Indonesia và Philippines gia nhập TPP trong thời gian sớm nhất khi mà các nước này cũng tỏ ý muốn gia nhập, và sẽ chỉ còn lại ba nền kinh tế chậm phát triển nhất ASEAN là Lào, Campuchia và Myanmar là chưa thể gia nhập do ba nước này vẫn chưa phải là thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC).
Một khi Thái Lan, Indonesia và Philippines cũng gia nhập TPP, thì câu chuyện về việc ai mới là người có ảnh hưởng lớn nhất với kinh tế ASEAN cũng đi đến hồi kết.
Đằng sau câu chuyện về sự cạnh tranh ảnh hưởng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á cũng là sự khác biệt về chiến lược của hai cường quốc kinh tế này trên toàn cầu.
Theo đó, Trung Quốc hướng tới việc kết nối các khu vực và các quốc gia trên thế giới về thương mại với Trung Quốc là tâm điểm, bằng cách mở ra các tuyến đường thương mại lớn với các tuyến đường thương mại trên bộ lẫn trên đại dương với việc xây dựng các con đường cao tốc và các cảng biển.
Trong khi đó, Mỹ lại hướng tới việc thiết lập các quy định và luật chơi để tăng tính kết nối cao độ giữa các nền kinh tế với kinh tế Mỹ, theo một cách vô hình và trừu tượng thay vì theo một cách hữu hình như Trung Quốc đang theo đuổi.
Câu chuyện về sự cạnh tranh ảnh hưởng kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc trên thế giới với hai cách tiếp cận khác nhau đó còn rất lâu nữa mới ngã ngũ, nhưng ở Đông Nam Á thì kết quả dường như đã được định đoạt, tỷ số là 1 – 0 tạm nghiêng về phía Mỹ.
Theo The Diplomat, Một thế giới