Những ngày gần đây, câu chuyện thoái vốn của SCIC tại Rạng Đông đang trở nên khá nóng trên thị trường.
Công đoàn Rạng Đông- tổ chức sở hữu xấp xỉ 40% cổ phần tại công ty được cho là sẽ đứng ra mua lại toàn bộ phần vốn từ SCIC, bởi trước đó Công đoàn đã bày tỏ quan điểm sẵn sàng mua lại cổ phần ngay khi SCIC thoái vốn.
Nếu điều này xảy ra, Công đoàn Rạng Đông sẽ sở hữu tới 60% cổ phần tại công ty và đây là điều chưa từng có tiền lệ với một tổ chức Công đoàn khi nắm quyền sở hữu lớn như vậy tại một công ty.
Tuy nhiên, yếu tố bất ngờ đã xảy ra khi 2 cổ đông nội bộ của Rạng Đông là bà Lê Thị Kim Yến và ông Lê Đình Hưng đã nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần RAL từ SCIC. Theo báo cáo sở hữu của cổ đông lớn được công bố, bà Lê Thị Kim Yến và ông Lê Đình Hưng là 2 chị em ruột.
Tổng số cổ phần 2 cổ đông này nắm giữ tại Rạng Đông hiện tại đã lên tới 24,41% và chỉ kém so với mức 40% của Công đoàn Rạng Đông. Nếu 2 nhóm cổ đông này "bắt tay" hợp tác thì quyền kiểm soát đối với Rạng Động sẽ nằm trong tay họ.
Giao dịch giữa SCIC và nhóm cổ đông này được diễn ra vào ngày 7/9 qua phương thức thỏa thuận với tổng giá trị hơn 114 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ với nhà đầu tư cá nhân.
Nhóm cổ đông lớn thứ 2 tại Rạng Đông là ai?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Lê Đình Hưng- cổ đông lớn thứ 3 tại Rạng Đông (sở hữu 9,26% cổ phần) hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Gia Lộc Phát. Được biết, Gia Lộc Phát hiện có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý dự án, đầu tư xây dựng công trình dân dụng, hạ tầng kỹ thuật khu đô thị….và hiện có trụ sở tại Hà Nội.
Hoạt động của Gia Lộc Phát khá kín kẽ và không có quá nhiều thông tin. Dự án đáng chú ý nhất với Gia Lộc Phát là khu đô thị Ngòi- Cầu Trại có diện tích 13ha tại phường Trung Văn (Nam Từ Liêm) và Mỗ Lao (Hà Đông) Hà Nội.
Tuy vậy, dự án này gần như “án binh bất động” kể từ khi được phê duyệt năm 2006 tới nay.
Ông Lê Đình Hưng hiện là Chủ tịch HĐQT Gia Lộc Phát
Tiến bước vào HĐQT
Sau khi tiến hành thoái vốn khỏi Rạng Đông, ông Phạm Văn Chung- thành viên HĐQT cùng với bà Nguyễn Lê Trà My- thành viên BKS đồng thời là đại diện phần vốn góp của SCIC tại công ty đồng loạt có đơn từ nhiệm.
Thay thế vị trí ông Chung trong HĐQT công ty không ai khác, bà Lê Thị Kim Yến- cổ đông lớn thứ 2 (sở hữu 15,15% cổ phần) tại Rạng Đông.
Trong khi đó, người thay thế vị trí bà Nguyễn Lê Trà My trong BKS là một cái tên mới, bà Lê Thị Ngọc.
Có thể thấy, việc bất ngờ gia tăng tỷ trọng và tham gia vào HĐQT Rạng Đông một cách mau chóng như vậy cho thấy nhóm cổ đông này không chỉ mang tính chất đầu tư tài chính đơn thuần mà còn có kế hoạch tham gia sâu vào công tác quản trị công ty.
Việc xuất hiện của nhóm cổ đông Lê Thị Kim Yến, đồng thời cũng là thành viên HĐQT liệu có phải bước ngoặt cho những câu chuyện mới của Rạng Đông? Chúng ta sẽ cần thời gian để trả lời câu hỏi này.
Theo Trí thức trẻ