Không quân và Lục quân Ấn Độ đang trông chờ việc trang bị vệ tinh liên lạc quân sự chung của riêng 2 quân chủng này mang tên GSAT - 7A, vốn cũng sẽ được lắp các bộ truyền phát băng tần Ku.
Theo một cách nào đó, Ấn Độ đang dọn đường cho việc xây dựng một phi đội UAV tác chiến “cây nhà lá vườn”. Chương trình này hiện đang tập trung vào việc phát triển một công nghệ tàng hình đủ hiệu quả, việc khai hỏa từ khoang vũ khí và những vật liệu giúp đạt khả năng tàng hình toàn diện. Tuy nhiên, chuyến bay đầu tiên của một UAV tác chiến kiểu này dự kiến đến đầu những năm 2020 mới diễn ra. Khi đó, Ấn Độ nhiều khả năng đã làm chủ được các công nghệ hỗ trợ việc sử dụng một hệ thống như vậy.
Bất chấp việc sở hữu hệ thống tăng cường dẫn đường bằng vệ tinh GAGAN, các hoạt động của UAV vũ trang Ấn Độ sẽ vẫn chỉ giới hạn trong phạm vi khoảng không quân sự, trước khi New Delhi đạt tiến bộ về hệ thống tránh va chạm. Để phát triển công nghệ này, hiện Ấn Độ đang nhờ Mỹ và Pháp giúp đỡ. Tuy nhiên, liệu các nước này sẵn sàng hỗ trợ đến đâu trong lĩnh vực này thì còn phải chờ xem. Nếu không được trang bị hệ thống tránh va chạm, Tổng cục Hàng không dân dụng Ấn Độ hiển nhiên sẽ không đặt bút ký vào thỏa thuận với quân đội cho phép UAV hoạt động trong khoảng không dân dụng.
Hơn nữa, trước khi quân đội Ấn Độ có thể sở hữu một số lượng vệ tinh liên lạc quân sự đủ lớn hoặc khi New Delhi chưa mở rộng băng tần vệ tinh, thì hoạt động của UAV vũ trang sẽ vẫn bị hạn chế phần nào xét về cả phạm vi lẫn tần suất. Những yếu tố này cũng sẽ hạn chế các phương án lựa chọn căn cứ bố trí phi đội UAV tác chiến của Ấn Độ.
Trong bất cứ trường hợp nào, Rustom - I không phải là hệ thống tầm xa và có lẽ phải chờ đến Rustom - II, thế hệ máy bay không người lái mới đang được Ấn Độ phát triển với khả năng bay 30 giờ liên tục, sẽ đảm đương vai trò của phi đội UAV vũ trang tiền tuyến vào những năm tới.
Tuy nhiên, quá trình phát triển Rustom - II lại đang bị trì hoàn vì các thách thức về thiết kế hiệu quả, cũng như việc Bộ Ngoại giao Mỹ ngừng cấp giấy phép xuất khẩu các cơ cấu chấp hành có nguồn gốc từ Mỹ vốn đang được sử dụng trong Rustom - II. Do đó nay Ấn Độ phải tự phát triển những cơ cấu chấp hành thay thế và dự kiến Rustom - II sẽ sử dụng các cơ cấu chấp hành nội địa để thực hiện các chuyến bay trong năm nay.
Không giống với Trung Quốc, phi đội UAV vũ trang của Ấn Độ về cơ bản sẽ được sử dụng trong nước và không nhằm mục đích xuất khẩu. Điều này được thể hiện qua nỗ lực của New Delhi gia nhập Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR - do một tổ chức quốc tế gồm 34 quốc gia thành viên lập ra, nhằm ngăn chặn sự phổ biến các công nghệ tên lửa điều khiển có tầm bắn trên 300 km với đầu đạn nặng trên 500 kg. MTCR chỉ hạn chế việc xuất khẩu các loại tên lửa cũng như công nghệ tên lửa điều khiển có tầm bắn trên 300 km, chứ không hạn chế việc tự sản xuất theo công nghệ nội địa của quốc gia sở tại).
Trên thực tế, Ấn Độ phát triển máy bay không người lái vũ trang là nhằm đáp trả những nỗ lực tương tự của Trung Quốc và Pakistan trong lĩnh vực này cũng như đối phó với những chiến thuật phi đối xứng đang được các đối thủ của Ấn Độ sử dụng. Phi đội UAV tác chiến sẽ góp phần mở rộng các phương án tấn công sẵn có trong tay quân đội Ấn Độ, trong bối cảnh nước này đang phải tiến hành ngày càng nhiều các chiến dịch truy quét khủng bố, đóng căn cứ ở những khu vực hẻo lánh bên trong các nước láng giềng.
Việc sử dụng máy bay không người lái vũ trang để tiến hành những cuộc tấn công chính xác sẽ giúp quân đội Ấn Độ dễ dàng tiêu diệt các mục tiêu khả kiến trong những kịch bản mà việc triển khai lực lượng đặc nhiệm sẽ chứa đựng quá nhiều rủi ro và yếu tố phức tạp.
Một khi Ấn Độ đã phát triển được những loại đầu đạn chuyên dụng (trên những chiếc UAV hạng nhẹ) có thể làm giảm thiểu thiệt hại hay sát thương ngoài ý muốn, thì các máy bay không người lái vũ trang cũng sẽ có tiềm năng săn lùng cả những mục tiêu lẩn khuất trong các khu dân cư.
Nhìn chung, tham vọng phát triển phi đội UAV vũ trang của Ấn Độ phù hợp với học thuyết mới Modi - Doval. Đây là học thuyết quốc phòng mạnh mẽ hơn của New Delhi, trong đó khẳng định vị thế của Ấn Độ là quốc gia không phản đối việc triển khai “quyền lực cứng” để đảm bảo các nhu cầu về an ninh quốc gia.
Theo: Huy Lê
Báo Tin Tức