Ấn Độ tiếp tục áp mức giá tối thiểu với gạo basmati để hạn chế xuất khẩu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Trong bối cảnh giá gạo quốc tế tăng cao, với tư cách là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chỉ hai ngày sau công bố mức thuế 20% với gạo đồ xuất khẩu, hôm 27/8, Ấn Độ lại đưa ra thêm biện pháp mới để siết xuất khẩu gạo.

Một số nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ đã gian lận biến gạo thường thành gạo Basmati để xuất khẩu (Ảnh: Sohu).
Một số nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ đã gian lận biến gạo thường thành gạo Basmati để xuất khẩu (Ảnh: Sohu).

Biện pháp mới ấn định mức giá thấp nhất cho gạo basmati xuất khẩu là 1.200 USD/tấn; mục đích nhằm chống gian lận gạo basmati, triệt để thực hiện lệnh hạn chế xuất khẩu gạo.

Gạo thơm Ấn Độ, hay còn gọi là gạo basmati, là chủng loại gạo xuất khẩu lớn nhất của nước này. Chính phủ Ấn Độ chỉ rõ trong một tuyên bố rằng việc đưa ra các quy định mới là để đảm bảo những người làm nghề thương mại quốc tế thực hiện nghiêm túc lệnh cấm xuất khẩu gạo đã được ban bố trước đó.

Chính phủ Ấn Độ cho biết sau khi lệnh cấm xuất khẩu gạo bắt đầu có hiệu lực, một số nhà kinh doanh đã có hành vi gian lận để đối phó bằng cách phân loại các loại gạo khác thành gạo basmati để tránh bị hạn chế. Theo báo cáo mà chính phủ Ấn Độ nhận được, giá xuất khẩu gạo basmati bình quân trong tháng 8 là 1.214 USD/tấn, tuy nhiên, các hợp đồng xuất khẩu rất khác nhau, giá của hợp đồng xuất khẩu thấp nhất chỉ là 359 USD/tấn. Chính phủ Ấn Độ tuyên bố rằng sau khi thực hiện các quy định mới, các hợp đồng xuất khẩu gạo Basmati có giá dưới 1.200 USD/tấn sẽ bị đình chỉ thực hiện và các hợp đồng sẽ do một ủy ban chuyên trách do Cục Phát triển Xuất khẩu Thực phẩm Chế biến và Nông nghiệp Ấn Độ đặc biệt thành lập tiến hành xem xét đánh giá.

Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo quan trọng trên thế giới, với tổng lượng xuất khẩu năm 2022 vào khoảng 22 triệu tấn, chiếm hơn 40% tổng lượng xuất khẩu gạo của toàn thế giới. Tuy nhiên, để đảm bảo đủ nguồn cung gạo cho thị trường nội địa và giảm bớt tình trạng tăng giá ở thị trường nội địa, chính phủ Ấn Độ ngày 20/7 đã ban bố lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng trừ gạo đồ (parboiled rice) và gạo basmati. Lệnh cấm đã có hiệu lực ngay lập tức và dự kiến ​​sẽ tác động tới 75%-80% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ.

Một công ty phân tích dữ liệu của Mỹ cho biết lệnh cấm có liên quan này sẽ làm giảm lượng gạo xuất khẩu khoảng 10 triệu tấn. Sau lệnh cấm, số lượng xuất khẩu cả hai loại gạo không bị hạn chế đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến ngày 17/8, xuất khẩu gạo đồ tăng 21,18% và xuất khẩu gạo basmati tăng 9,35%.

Chinh phu An Do de ra gia tran xuat khau.jpeg
Chính phủ Ấn Độ liên tiếp áp đặt các biện pháp mới để hạn chế xuất khẩu gạo (Ảnh: Sohu).

Mặc dù động thái này của chính phủ Ấn Độ sẽ làm giảm giá gạo trong nước nhưng nó có thể khiến giá gạo toàn cầu tăng thêm. Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), sản lượng ngũ cốc toàn cầu sẽ giảm 1,2% vào năm 2023, đạt 2,86 tỉ tấn. Nguyên nhân chủ yếu là thời tiết cực đoan do hiện tượng El Nino gây ra đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở nhiều nước và khu vực sản xuất lương thực lớn. Ví dụ, ở các quốc gia như Mỹ, Brazil và Argentina, thu hoạch các loại cây lương thực chính như ngô, lúa mì và đậu nành đã bị thiệt hại với các mức khác nhau. Sau khi Ấn Độ áp đặt hạn chế xuất khẩu gạo, giá tại các nước xuất khẩu gạo lớn tăng và nhu cầu gia tăng nên chỉ số giá gạo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm và.

Ngoài ra, năm tới sẽ là năm Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tái tranh cử, ông cần phải đối mặt với áp lực và thách thức từ các đảng đối lập và dư luận. Dưới ảnh hưởng của nhiều yếu tố như dịch bệnh, năng lượng và logistic, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đã chậm lại, lạm phát gia tăng và sự bất mãn xã hội gia tăng.

Để ổn định tâm lý người dân và tình hình bầu cử, chính phủ của Thủ tướng Modi cần thực hiện một số biện pháp nhằm giảm giá lương thực và bảo đảm cuộc sống của người dân. Hạn chế xuất khẩu gạo là một trong số những biện pháp đó. Chính phủ Ấn Độ nói trong một tuyên bố rằng biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo nhằm "bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng trong nước".

Gia gao the gioi da o dinh cao trong 12 nam.jpg
Giá gạo thế giới hiện đã ở mức cao nhất trong 12 năm (Ảnh: Sohu).

Ông Joseph Glauber, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế, cho biết giá gạo Ấn Độ đã tăng 30% trong 10 tháng qua, công ty phân tích dữ liệu Gro Intelligence cho biết trong một báo cáo rằng Ấn Độ chiếm hơn 40% lượng xuất khẩu gạo toàn cầu. Lệnh cấm xuất khẩu có thể "có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực ở các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu gạo".

Mặt khác, các biện pháp này đe dọa tính hiệu quả của chuỗi cung ứng thực phẩm và logistic toàn cầu, làm tăng chi phí và rủi ro thương mại. Do các hạn chế của Ấn Độ đối với việc xuất khẩu một số loại gạo, các phương tiện vận tải tàu, bến cảng và cơ sở chế biến tương ứng không thể hoạt động hiệu quả, đồng thời hiệu quả chuỗi cung ứng và logistic của các quốc gia nhập khẩu thực phẩm từ Ấn Độ trước đây đã giảm đáng kể. Đồng thời, do Chính phủ Ấn Độ áp dụng thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ và đặt ra mức giá xuất khẩu tối thiểu là 1.200 USD/tấn đối với gạo Basmati nên một số hợp đồng đã ký hiện cần phải được đàm phán lại hoặc tạm dừng. Những thay đổi này sẽ mang lại sự không chắc chắn và rủi ro cho thương mại quốc tế.

Theo Sohu