Ấn Độ tăng chi quân sự, nhưng chưa đủ đối phó cả Trung Quốc, Pakistan

VietTimes -- Trong báo cáo ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2018, Ấn Độ chủ trương xây dựng 2 hành lang sản xuất công nghiệp quốc phòng, tập trung mua sắm vũ khí trang bị mới... nhưng chưa đủ để đối phó mối đe dọa.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley. Ảnh: Zee News.
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley. Ảnh: Zee News.

Xây dựng 2 hành lang công nghiệp quốc phòng

Theo mạng tin tức Zee Ấn Độ, gần đây, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley đã đệ trình báo cáo ngân sách Liên bang năm tài khóa 2018. Trong báo cáo, ông chủ trương xây dựng 2 hành lang sản xuất công nghiệp quốc phòng ở trong nước.

Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ bà Nirmala Sitharaman đã bày tỏ hoan nghênh chủ trương này và đã tiết lộ chi tiết của kế hoạch.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết trong 2 hành lang quốc phòng này, hành lang thứ nhất sẽ kết nối Chennai của bang Tamil Nadu với Bangalore của bang Karnataka. Tình hình của hành lang thứ hai sẽ công bố không lâu sau đó.

Khi đưa ra chủ trương này trong ngân sách tại Quốc hội, ông Arun Jaitley cho biết chính phủ Ấn Độ sẽ xây dựng 2 hành lang sản xuất công nghiệp quốc phòng và đưa ra chính sách sản xuất công nghiệp quốc phòng có lợi cho giới công nghiệp để thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ.

Trong ngân sách cả năm của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi, mức ngân sách quốc phòng năm tài khóa tiếp theo là 2950 tỷ rupee, đã tăng 7,81% so với 2740 tỷ rupee của năm 2017.

Trong tổng ngân sách quốc phòng này, chỉ định kinh phí dùng cho mua sắm vũ khí mới, máy bay, tàu chiến và các trang bị quân sự khác cho 3 quân chủng hải, lục, không quân là 999,47 tỷ rupee.

Trong năm tài khóa 2018 - 2019, ngân sách quốc phòng Ấn Độ chiếm 12,1% tổng ngân sách (24.420 tỷ rupee).

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ bà Nirmala Sitharaman. Ảnh: The Financial Express.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ bà Nirmala Sitharaman. Ảnh: The Financial Express.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết trong cấp phát ngân sách 2.950 tỷ rupee, 999,47 tỷ rupee được xác định là kinh phí trang bị, bao gồm kinh phí thay mới trang bị 3 quân chủng. Còn kinh phí dùng để chi trả tiền lương, bảo trì cơ sở vật chất và các chi phí liên quan khác là 1.960 tỷ rupee.

Chưa thể đối phó Trung Quốc và Pakistan?

Theo chuyên gia, đối mặt với mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc và Pakistan, khoản ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2018 vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của quân đội Ấn Độ.

Tờ The Times of India cho rằng ngân sách quốc phòng năm tài khóa mới của Ấn Độ chỉ chiếm 1,58% GDP nước này, là mức thấp nhất kể từ cuộc chiến tranh Trung - Ấn vào năm 1962 đến nay.

Chuyên gia quân sự cho rằng Ấn Độ nếu muốn bảo đảm cho quân đội có thể ứng phó với mối đe dọa từ Trung Quốc và Pakistan thì tỷ lệ ngân sách quốc phòng trong GDP của họ phải trên 2,5%.

Ngoài ra, kinh phí thực hiện hiện đại hóa quân sự của ngân sách quốc phòng mới sẽ có gần 80% dùng cho chi trả mua sắm vũ khí trang bị vài năm trước. Tức là, 3 quân chủng lục, hải, không quân Ấn Độ sẽ tiếp tục xuất hiện khoảng cách nghiêm trọng giữa thực hiện hiện đại hóa vũ khí với nhu cầu tác chiến thực tế.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman ngày 8/2 chỉ ra, ngân sách quốc phòng đã tính toán đến tất cả các yêu cầu của Bộ Quốc phòng. Bà nói: "Ông ấy (Bộ trưởng Tài chính Arun Jaitley) đồng ý xây dựng đường hầm ở Sela Pass, khu vực Tawang. Điều này đã cho thấy chính phủ Ấn Độ ưu tiên xem xét phòng thủ miền bắc.

Tawang là một khu vực trọng yếu chiến lược quan trọng của quân đội Ấn Độ.

Tên lửa đạn đạo Agni Ấn Độ. Ảnh: Cankao.
Tên lửa đạn đạo Agni Ấn Độ. Ảnh: Cankao.

Nhưng chuyên gia cho rằng ngân sách quốc phòng của Ấn Độ thậm chí ngay cả nhu cầu ứng phó các mối đe dọa từ Trung Quốc và Pakistan cũng không thể đạt được. Một chuyên gia chỉ ra: "Cho dù là hiện đại hóa quân sự cũng khó có thể thực hiện".