“Trong bối cảnh phải tiếp tục đối mặt với những bế tắc trong thỏa thuận lớn mua 126 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp, Ấn Độ đang tăng tốc cho dự án lớn hơn với Nga liên quan tới việc chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5”, Thời báo Ấn Độ cho biết.
“Tổng cộng Ấn Độ sẽ chi khoảng 25 tỷ USD cho dự án FGFA nếu triển khai được kế hoạch mua 127 chiến đấu cơ loại này”, Thời báo Ấn Độ cho biết thêm.
PAK-FA là một chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của không quân Nga, trong đó T-50 là máy bay được thiết kế bởi Sukhoi cho chương trình PAK FA.
Chiến đấu cơ T-50 là sản phẩm của tập đoàn sản xuất máy bay chiến đấu lừng danh Sukhoi. Nó được ví là báu vật trong của ngành hàng không quân sự Nga. Hiện có 5 chiến đấu cơ T-50 đang được phát triển và bay thử, 3 chiếc khác đang trong quá trình chế tạo.
T-50 là thế hệ máy bay hoàn toàn mới đầu tiên được Nga thiết kế kể từ khi Liên Xô tan rã. Nga đặt mục tiêu đưa phi cơ chiến đấu tàng hình tối tân này vào phục vụ trong Không quân từ năm 2015.
Chiến đấu cơ T-50 của Nga được cho là là đối thủ đáng gờm của F-22 Raptor của Mỹ. F-22 hiện là phi cơ chiến đấu thế hệ 5 duy nhất trên thế giới.
Thuộc dòng máy bay chiến đấu đa nhiệm, T-50 có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ tiêm kích cũng như cường kích, kể cả nhiệm vụ do thám. Về vũ khí, tùy theo mục đích sử dụng, T-50 có thể mang theo 8 tên lửa không đối không R-77 hoặc 2 bom có điều khiển nặng 1500 kg.
Chiến đấu cơ T-50 được phát triển theo chương trình PAK-FA tại Cục thiết kế thử nghiệm Sukhoi. Đây là chương trình phát triển các hệ thống máy bay chiến thuật tương lai và là kết quả của sự hợp tác quân sự giữa Nga và Ấn Độ với chi phí bỏ ra lên tới 10 tỷ USD. T-50 là dòng máy bay chiến đấu lớn đầu tiên của Nga thiết kế kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.
T-50 đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào tháng 1/2010 và cho tới nay đã có 4 nguyên mẫu được tiến hành bay thử nghiệm và số lượng chiến đấu cơ T-50 tham gia thử nghiệm sẽ tăng lên 14 chiếc vào năm 2015.
Siêu chiến đấu cơ Sukhoi T-50 được cho là sẽ sở hữu nhiều đặc điểm ưu việt như khả năng tàng hình cao, di chuyển với tốc độ siêu thanh, có hệ thống điều khiển điện tử tiên tiến nhất hiện nay, có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, cất cánh từ đường băng ngắn chỉ cần 300-400 mét, và có thể thực hiện đồng thời các cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu trên không và dưới mặt đất. Các máy bay Т-50 có thể bay với tốc độ tối đa lên tới 2100km/h với tầm hoạt động 5500km.
Nga là nhà xuất khẩu vũ khí thứ 2 thế giới
Trong một diễn biến khác, hôm 9/3, Đài Tiếng nói nước Nga dẫn báo cáo do Công ty IHS của Mỹ khảo sát thị trường vũ khí công bố cho biết, năm 2014, Nga tiếp tục giữ vị trí thứ hai trên thị trường xuất khẩu vũ khí thế giới, chỉ sau Mỹ.
Theo báo cáo trên, năm 2014 là năm kỷ lục của Nga với kim ngạch xuất khẩu vũ khí nước này đạt 10 tỷ USD, tăng gần 9% so với năm 2013. Các chuyên gia Công ty IHS chỉ ra rằng, các nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga là Trung Quốc (2,3 tỷ USD), Ấn Độ (1,7 tỷ USD) và Venezuela (1 tỷ USD).
Dẫn đầu về xuất khẩu vũ khí trên thị trường thế giới năm 2014 tiếp tục là Mĩ, tiếp đến là Nga, Pháp, Anh, Đức. Bên cạnh đó, quốc gia có chi phí mua vũ khí lớn nhất năm 2014 là Arab Saudi. Theo công ty IHS, số lượng các hợp đồng mua bán vũ khí trong năm 2014 tăng 13%, chủ yếu liên quan đến các hoạt động mua sắm máy bay quân sự của các nước đang phát triển và các nước có tình hình chính trị mất ổn định ở Trung Đông và Châu Á Thái Bình Dương.
Theo: VnMedia