Ấn Độ không ngại Trung Quốc ở Biển Đông

Hải quân và Không quân Ấn Độ cần phải hiện đại hóa và hợp tác chặt chẽ với các lực lượng Việt Nam để đối phó với các tình huống bất lợi. Cả Ấn Độ và Việt Nam đều có nhu cầu thúc đẩy hợp tác chiến lược để đối phó với bất kỳ tình huống bất lợi nào do Trung Quốc gây ra.
Sĩ quan hải quân Ấn Độ trong chuyến tàu khu trục thăm cảng Đà Nẵng của Việt Nam
Sĩ quan hải quân Ấn Độ trong chuyến tàu khu trục thăm cảng Đà Nẵng của Việt Nam

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông và đơn phương chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ chính quyền miền Nam Việt Nam lúc đó vào năm 1974. Cũng kể từ đó, Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ nhóm đảo Trường Sa, nằm ở phía Biển Đông. Trong hai năm qua, Trung Quốc đã tập trung vào việc tăng cường khả năng quân sự của mình tại các hòn đảo này. Điều này được thực hiện với mục đích kiểm soát toàn bộ khu vực, đảm bảo rằng hàng hải và hàng không trong khu vực này hoàn toàn nằm dưới sự thống trị của Trung Quốc. 

Có thể thấy tất cả các nước có liên quan đang tìm cách cải tạo đảo ở Biển Đông, Trung Quốc bắt đầu quá trình này bằng cách xây dựng một căn cứ không quân ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Năm 2003, Malaysia cải tạo đất ở Đá Hoa Lau, xây dựng một đường băng dài 1.368m cho phép các máy bay vận chuyển hàng hóa, giám sát và chiến đấu hoạt động. Tiếp theo, Việt Nam cũng đã nhanh chóng xây dựng một đường băng dài 550 m ở đảo Trường Sa Lớn để phục vụ các máy bay vận tải hàng hóa và giám sát. Năm 2006, Đài Loan xây dựng một đường băng dài 1.195 m tại đảo Itu Aba (Ba Bình) phục vụ hoạt động của các máy bay vận tải giám sát và chiến đấu. Philippines xây dựng một cảng hàng không dài 1.400 m tại đảo Thị Tứ vào năm 2014. 

Trong những tháng gần đây, hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc đã tăng đáng kể. Trung Quốc đã cải tạo khoảng 2.900 mẫu Anh trên một chuỗi các đảo ở quần đảo Trường Sa. Việc xây dựng được tập trung vào Đá Ga Ven, Đá Gạc Ma, Đá Chữ Thập và Đá Tư Nghĩa. Các đảo này đủ lớn để xây dựng các tòa nhà, các công trình khác và một đường băng lớn đã được xây dựng trên đảo Đá Chữ Thập. 

Tại một số nơi, Trung Quốc đã đào các kênh sâu và xây dựng các bến cảng mới để các tàu lớn hơn cập bến – các tàu này có thể được Trung Quốc sử dụng để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của mình. Báo Mỹ Wall Street Journal tháng 5/2015 cho biết Trung Quốc đã bố trí hai đơn vị pháo binh di động trên Đá Ga Ven. Tháng 2/2016, Trung Quốc triển khai 2 hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 với tầm bắn khoảng 160 hải lý trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa - cung cấp cho nó khả năng đánh chặn các máy bay bay qua khu vực này. 

Trung Quốc rất ngang nhiên về các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trên biển của họ. Cái gọi là thành phố Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa được xây dựng năm 2012 như một trung tâm chỉ huy và căn cứ quân sự cho toàn khu vực. Trung Quốc muốn phát triển các đá như các căn cứ thuộc quần đảo Trường Sa để đảm bảo kế hoạch triển khai lực lượng trong khu vực. 

Chủ tịch Tập Cận Bình đã liên tục đề cập đến “Giấc mộng Trung Hoa”. “Giấc mộng Trung Hoa” bao gồm hai thành tố chủ yếu là sức mạnh và sự giàu có. Cả hai đặc điểm này đều được thể hiện trên Biển Đông. Khu vực này có cá, dầu mỏ và các khoáng sản khác. Khai thác tối ưu các nguồn tài nguyên sẽ cho phép Trung Quốc tăng cường sức mạnh quốc gia toàn diện của mình. Là một cường quốc quân sự thống trị, Trung Quốc nhận thức được giá trị chiến lược của các đảo và sẽ sử dụng lợi ích này trong việc kiểm soát sự qua lại của tàu thuyền cũng như chống lại bất kỳ hoạt động triển khai sức mạnh nào được tổ chức bởi các nhóm tàu chiến của Mỹ. 

Trung Quốc đã yêu cầu các nước ASEAN không nêu vấn đề tranh chấp Biển Đông trong các diễn đàn quốc tế, mà nên đàm phán trực tiếp với Trung Quốc. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này và bất kỳ tàu thuyền nào qua lại trong khu vực không được xâm phạm giới hạn 12 hải lý tính từ các đảo. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố quân đội nước này sẽ đi lại và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ Mỹ đã bao giờ thực sự cho máy bay bay qua hoặc cho tàu đi qua vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền - điều có thể dẫn đến một phản ứng từ Bắc Kinh. Căng thẳng đã leo thang khi một tàu chiến Mỹ tiếp cận gần các đảo, nhưng vấn đề này đã được xoa dịu.

Philippines đã đưa tranh chấp ra Tòa án Trọng tài Trường trực ở La Haye. Khiếu kiện của Philippines đã được nộp lên Tòa án Trọng tài Thường trực nhằm khẳng định quyền của Manila được khai thác trong Vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của nước này theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS). 

Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố rằng do đây là vấn đề chủ quyền nên tòa án không có thẩm quyền, đồng thời tuyên bố bất kỳ phán quyết nào trong tương lai cũng sẽ không có hiệu lực. Trong khi đó, Tòa án cho rằng cơ quan này có thẩm quyền đối với các vấn đề quan trọng trong tranh chấp. Điều này đã đặt Trung Quốc vào một tình thế khó khăn và thật khó tưởng tượng rằng Trung Quốc sẽ hoàn toàn phớt lờ bất kỳ phán quyết nào trong tương lai. 

Áp lực quốc tế phải tuân thủ bất kỳ phán quyết nào trong tương lai sẽ rất lớn. Mỹ đã hoan nghênh quyết định này và Đức đã khuyến khích Trung Quốc giải quyết các tuyên bố hàng hải ở các tòa án quốc tế. Tòa án đã xem xét thẩm quyền ở 7 trong số 14 yêu cầu. Đây là một trường hợp thú vị và các kết quả có thể chứng kiến những bên khác tham gia cuộc cạnh tranh. Trung Quốc không dễ dàng bỏ cuộc và sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực nào ảnh hưởng đến các tuyên bố của mình. Việc triển khai các tên lửa đất đối không gần đây cho thấy sự quyết đoán của Trung Quốc trong vấn đề này. 

Khi Trung Quốc mở rộng sự hiện diện ở Biển Đông, câu hỏi đặt ra là các hoạt động mở rộng lãnh hải và lãnh thổ này sẽ tác động như thế nào tới lợi ích của Ấn Độ? 

Tập đoàn dầu khí Ấn Độ (OVL) đã có mặt tại Việt Nam trong thời gian hợp lý. OVL đã tham gia thăm dò dầu và khí tự nhiên ở lô 06.1 với diện tích 955 km2, cách thành phố Vũng Tàu 370 km về phía Đông Nam. Giấy phép thăm dò đã được cấp vào năm 1988 và hoạt động sản xuất thương mại bắt đầu vào năm 2003. Năm 2006, OVL đã giành được thêm 2 lô (gồm lô 127 và 128) ở Biển Đông để thăm dò dầu khí. Tiến hành khoan tại lô 127 không phát hiện có khí đốt và OVL quyết định trả các lô này lại cho Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đã thuyết phục OVL tiếp tục khoan tại lô 128 bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, tuyên bố rõ ràng rằng khu vực lô 128 là trong vùng biển của Việt Nam. 

Ngày 22/7/2011, tàu tấn công đổ bộ của Hải quân Ấn Độ INS Airavat đã có chuyến thăm hữu nghị đến Việt Nam. Trong hành trình của mình khi còn cách bờ biển Việt Nam 45 hải lý, tàu này đã nhiều lần nhận được cảnh báo từ một kênh rađio được cho là phát ra từ tàu của Hải quân Trung Quốc cảnh báo tàu Ấn Độ đang đi vào vùng biển của Trung Quốc. Hải quân Ấn Độ đã nêu rõ không có tàu hoặc máy bay nào được nhìn thấy từ INS Airavat và tiếp tục di chuyển mà không chú ý đến những cảnh báo trên. 

Quan điểm của Ấn Độ đã được làm sáng tỏ bởi tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng nước này, nêu rõ: “Các tàu của Hải quân Ấn Độ sẽ tiếp tục đi đến Biển Đông để huấn luyện và các tàu buôn của chúng tôi sẽ thực hiện hoạt động thương mại”. Hơn nữa, Ấn Độ tuyên bố rõ ràng rằng nước này ủng hộ tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, bao gồm cả Biển Đông. 

Các thỏa thuận ký kết giữa Ấn Độ và Việt Nam đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ Trung Quốc khi Bắc Kinh nhấn mạnh sẽ không có hoạt động thăm dò nào được thực hiện tại các khu vực mà Trung Quốc có chủ quyền. Chính phủ Ấn Độ đáp trả một cách chính xác khi nói rằng dù Trung Quốc có mối quan ngại, nhưng Ấn Độ đang thực hiện các thỏa thuận đã ký kết với Việt Nam . Những tuyên bố của Trung Quốc đã bị cả Ấn Độ và Việt Nam bác bỏ. Theo Liên hợp quốc, khu vực thăm dò thuộc về Việt Nam. Ấn Độ khẳng định Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) sẽ tiếp tục thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Hơn nữa, Ấn Độ cũng tuyên bố rõ rằng toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương trải dài từ bờ biển Đông Phi đến Biển Đông có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngoại thương, năng lượng và an ninh quốc gia của Ấn Độ. 

Việt Nam vẫn kiên định về vấn đề Biển Đông và vào tháng 7/2012, Quốc hội nước này đã thông qua một đạo luật phân định biên giới biển Việt Nam, bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thủ tướng Việt Nam đã tới thăm Ấn Độ tháng 10/2014 và mời Ấn Độ thăm dò thêm 5 lô dầu, và New Delhi đã đồng ý tiến hành thăm dò 2 lô trong số đó. Bắc Kinh đã phản ứng tiêu cực về việc này và báo chí Trung Quốc trong tháng 9/2015 đã khuyên Ấn Độ không nên thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới New Delhi hồi tháng 1/2015, tuyên bố chung Ấn-Mỹ đề cập đến tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng cần phải bảo vệ các tài sản của mình trong trường hợp Trung Quốc gây hấn. 

Hải quân và Không quân Ấn Độ cần phải hiện đại hóa và hợp tác chặt chẽ với các lực lượng Việt Nam để đối phó với các tình huống bất lợi. Cả Ấn Độ và Việt Nam đều có nhu cầu thúc đẩy hợp tác chiến lược để đối phó với bất kỳ tình huống bất lợi nào được tạo ra bởi Trung Quốc. Việc tăng cường hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Ấn Độ là cần thiết để triển khai các hoạt động ra ngoài eo biển Malacca và vươn tới Biển Đông.

* Tác giả là Thiếu tướng Chakravorty nguyên là giám đốc bổ sung binh đoàn pháp binh Ấn Độ. Bài viết được đăng trên India Defense Review.