Được biết, Chính phủ Ấn Độ và Chính phủ Mỹ đang tích cực đàm phán về thương vụ này, New Delhi hy vọng sẽ sớm nhận được UAV Avenger mới nhất của Mỹ, để dùng vào việc giám sát Trung Quốc. Ngoài UAV Avenger ra, nước này còn muốn mua UAV Predator “kẻ ăn thịt”, để đối phó với sự uy hiếp an ninh và xung đột biên giới với Bắc Kinh.
Mặc dù các cuộc đàm phán trong lĩnh vực trên được thúc đẩy nhanh trong vài tháng qua, song phía Mỹ vẫn chưa có bất kỳ cam kết chính thức nào, hay có dấu hiệu công khai nào ủng hộ việc Ấn Độ xin gia nhập Cơ chế kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR).
Ông Vivek Lall – Giám đốc điều hành, người chịu trách nhiệm phát triển chiến lược toàn cầu của Công ty công nghệ nguyên tử thông dụng (General Atomics) Mỹ cho biết, Ấn Độ rất quan tâm đến UAV Predator. Công ty GA-ASI của Mỹ cũng mong muốn chính phủ 2 nước phát huy vai trò quan trong việc ủng hộ cho thương vụ này.
UAV Avenger (trước đây được biết đến với tên gọi Predator C) là một mẫu máy bay chiến đấu không người lái thử nghiệm được sản xuất bởi Tổng công ty General Atomics cho Quân đội Hoa Kỳ. Chuyến bay đầu tiên khởi hành vào ngày 4-4-2009. Không giống như hai loại máy bay tiền nhiệm là MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper (Predator B), Avenger sử dụng một động cơ phản lực và thiết kế tàng hình bao gồm khoang chứa vũ khí trong thân, một ống xả hình chữ S để giảm tín hiệu nhiệt và phản xạ của radar. UAV này có thể mang các loại vũ khí sử dụng cho MQ-9, đồng thời được trang bị thêm radar khẩu độ tổng hợp Lynx và một phiên bản hệ thống ngắm mục tiêu quang học của chiến đấu cơ F-35 Lightning II, gọi là hệ thống ngắm mục tiêu khó phát hiện tối tân tích hợp (Advanced Low-observable Embedded Reconnaissance Targeting - ALERT). Avenger sử dụng trang thiết bị mặt đất như giống như MQ-1 và MQ-9 bao gồm Trạm kiểm soát Mặt đất (Ground Control Station - GCS) và lưới liên lạc hiện có.
UAV-MQ-9 của Mỹ
Con Predator là một trong những mẫu UAV được sử dụng phổ biến nhất của Mỹ. Nó được trang bị những công nghệ tiên tiến nhất, với camera, các cảm biến thăm dò, cùng hệ thống tên lửa có thể hỗ trợ chiến đấu cho dòng UAV này phát huy hết khả năng tác chiến của mình. Đây là một mẫu máy bay không người lái được điều khiển từ xa với tầm hoạt động khá rộng, do đó nó có thể bay vào các khu vực nguy hiểm nhất để thăm dò mà không cần lo ngại về vấn đề thương vong. Giá 1 chiếc Predator xấp xỉ khoảng 4 triệu USD.
Predator được trang bị động cơ cánh quạt đẩy từ phía sau, động cơ Rotax 914 (4 thỳ, 4 xy lanh, 100 mã lực) giúp dòng UAV có thể đạt vận tốc hơn 250 km/h. Nó có chiều cao 2,1 m, dài 8,22 m, sải cánh chính 14,8 m với thiết kế giúp tạo thêm lực nâng, nhờ đó Predator có thể đạt độ cao hơn 7.500 m. Phần thân khá mảnh mai với đuôi cánh phía sau có hình chữ V ngược giúp máy bay ổn định trong khi hành trình.
Theo ANTĐ