E-magazine Ấn Độ: Đất nước đông dân nhất thế giới và tham vọng 'công xưởng của thế giới'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cơ cấu 'dân số vàng' sẽ không duy trì mãi và Ấn Độ cần phải tận dụng nó nếu muốn trở thành 'công xưởng của thế giới'.
Ấn Độ đang có cơ hội để tăng tốc phát triển, nhưng còn nhiều thách thức cần phải giải quyết (Ảnh: Bloomberg)

Ấn Độ đang có cơ hội để tăng tốc phát triển, nhưng còn nhiều thách thức cần phải giải quyết (Ảnh: Bloomberg)

Chiều tối ngày 8/3/2023 chắc chắn sẽ là một khoảnh khắc không thể quên đối với Nikita Punjabi: Cái nhìn đầu tiên mà cô trao cho con gái mới sinh của mình.

Aniket Rai, chồng của Punjabi, trước đó chờ đợi trong lo lắng, đã vỡ oà trong sự vui mừng khi y tá nói với anh rằng con gái anh vừa chào đời.

Con gái của họ, Prisha – theo ngôn ngữ địa phương có nghĩa là 'món quà của Chúa' - chỉ là 1 trong số hàng triệu đứa trẻ được sinh ra trên khắp Ấn Độ tính từ đầu năm 2023, qua đó đưa quốc gia này vượt Trung Quốc để trở thành nước đông dân nhất thế giới.

Ít năm trước đó, Ấn Độ cũng trở thành nước có nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới.

Nhưng như vậy là chưa đủ để Ấn Độ trở thành 'công xưởng của thế giới'. Trung Quốc - với dân số hơn 1 tỉ người - cũng chỉ thực sự bứt phá sau khi thực hiện hàng loạt cải cách kinh tế từ cuối những năm 1970.

Dự báo về mức đóng góp của các nước cho đà tăng trưởng kinh tế thế giới giai đoạn 2023-2028 (Ảnh: Bloomberg)

Dự báo về mức đóng góp của các nước cho đà tăng trưởng kinh tế thế giới giai đoạn 2023-2028 (Ảnh: Bloomberg)

Các nhà kinh tế học của Bloomberg nói rằng, Ấn Độ cần phải thúc đẩy 4 trụ cột, gồm: đô thị hoá, cơ sở hạ tầng; nâng cao kỹ năng; tăng cường lực lượng lao động; và thúc đẩy sản xuất - nếu muốn tận dụng được dư lợi nhân khẩu học (hay thời kỳ 'dân số vàng') để trở thành trung tâm trong chuỗi giá trị toàn cầu.

“Họ có cơ cấu dân số trẻ, tiếng Anh phổ biến và lực lượng lao động đang tăng giúp hỗ trợ sáng kiến “Make in India” của chính phủ,” Abhishek Gupta, nhà kinh tế học Ấn Độ đến từ Bloomberg Economics, nhận định. “Địa chính trị thuận lợi cũng là một lợi thế.”

Tiến trình đô thị hoá

Có một câu hỏi được đặt ra: Liệu Ấn Độ có thể thúc đẩy người dân đổ xô tới các đô thị lớn sinh sống, và liệu họ có thể tạo ra đủ công việc chất lượng tốt để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi này hay không?

Tỷ lệ người dân sinh sống ở đô thị tại Trung Quốc và Ấn Độ (Ảnh: WB)

Tỷ lệ người dân sinh sống ở đô thị tại Trung Quốc và Ấn Độ (Ảnh: WB)

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2040, Ấn Độ có thể sẽ thêm 270 triệu người vào dân số sinh sống tại đô thị, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Xu hướng này đã bắt đầu dễ nhận thấy tại những thành phố lớn của Ấn Độ.

Những toà nhà chung cư mới toanh dần mọc lên ở thủ đô New Delhi, khi nguồn vốn đầu tư bất động sản tăng mạnh. Một nhà phát triển bất động sản hàng đầu mới đây đã bán ra nhiều ngôi nhà hạng sang với tổng trị giá 1 tỉ USD chỉ trong 3 ngày ở Gurugram, một trong những thành phố vệ tinh của New Delhi.

Yukon Huang, chuyên gia đến từ Quỹ Carnegie vì Hoà bình quốc tế, cho rằng Ấn Độ sẽ cần phải đi theo con đường của Trung Quốc và Hàn Quốc để biến các thành phố của họ thành hiện đại và hiệu quả. Trong 4 thập kỷ qua, tốc độ đô thị hoá tăng gấp 4 lần “đi kèm với tăng trưởng năng suất của người lao động ở cả hai quốc gia này,” ông nói.

Phát triển cơ sở hạ tầng

Để quá trình đô thị hoá sinh ra lợi ích về kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng cần được thực hiện trên quy mô rộng. Ấn Độ hiện đã đạt được một số bước tiến – kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi đắc cử năm 2014, số lượng máy bay thương mại đã tăng gần gấp đôi, mạng lưới đường quốc lộ mở rộng hơn 50%.

Về lĩnh vực công nghệ, cơ sở hạ tầng số của Ấn Độ nằm trong số tiên tiến nhất thế giới. Chỉ trong có vài năm, gần như mọi người dân Ấn Độ đều có thẻ căn cước quốc gia – còn gọi là Aadhaar – được kết nối với mọi thứ, từ thuê nhà cho tới tài khoản ngân hàng và an sinh xã hội.

Công nhân làm việc tại một tuyến đường mới mở tại New Delhi (Ảnh: Getty)

Công nhân làm việc tại một tuyến đường mới mở tại New Delhi (Ảnh: Getty)

Một trong số những thành tựu lớn nhất mà Thủ tướng Modi và bộ máy của ông đã đạt được chính là tạo dựng một khu vực kinh tế thống nhất. Khoản thuế thu được tăng đến mức cao trong năm ngoái, giúp rót vốn cho các dự án sân bay và đường xá mới.

Nhưng xét về những biện pháp khác, Ấn Độ vẫn còn bị Trung Quốc bỏ khá xa. Mặc dù Ấn Độ có mức phí điện thoại di động thuộc hàng thấp nhất thế giới, nhưng lượng sử dụng internet lại không thể sánh bằng Trung Quốc.

“Cơ sở hạ tầng của Ấn Độ đã trải qua nhiều năm không được đầu tư đúng mức, việc di chuyển hàng hoá quá phụ thuộc vào đường xá, hoạt động làm việc cũng kém hiệu quả,” Priyanka Kishore, giám đốc kinh tế đến từ IMA Asia, nhận định.

Giáo dục

Giáo dục là một trở lực khác đối với Ấn Độ, Nhiều loại bằng cấp ở nước này gần như vô giá trị và sự không tương xứng về kỹ năng khiến đà tăng trưởng bị kìm hãm. Một nửa trong tổng số người tốt nghiệp đại học ở Ấn Độ trong tình trạng thất nghiệp, theo nghiên cứu của Wheebox. Tỷ lệ thất nghiệp ở nước hiện ở mức cao 7%.

“Ấn Độ có một cuộc khủng hoảng về giáo dục khá nghiêm trọng,” Shumita Deveshwar, giám đốc nghiên cứu Ấn Độ đến từ TS Lombard, cho hay.

Trong năm nay, Ấn Độ đã tăng ngân sách cho giáo dục thêm 13%, mức tăng cao nhất từ trước đến nay, lên 1,1 nghìn tỉ rupee (13,4 tỉ USD) và nhắm đến mục tiêu cải thiện giáo dục số, giải quyết các vấn đề yếu kém trong hệ thống giáo dục.

Tuy nhiên, họ vẫn còn rất nhiều thứ cần làm, đặc biệt là khi xét đến sự tham gia của nữ giới vào lực lượng lao động. Trong giai đoạn 2010-2020, tỷ lệ nữ giới tham gia vào lực lượng lao động ở Ấn Độ giảm từ 26% xuống còn 19%, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).

Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở Ấn Độ và Trung Quốc (Ảnh: WB)

Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở Ấn Độ và Trung Quốc (Ảnh: WB)

Mặc dù chiếm tới 48% dân số, nhưng phụ nữ Ấn Độ chỉ đóng góp khoảng 17% GDP, trong khi con số này ở Trung Quốc là 40%.

Thu hẹp khoảng cách lao động giữa nam và nữ có thể giúp Ấn Độ tăng GDP khoảng hơn 30% tính đến năm 2050, tương đương gần 6 nghìn tỉ USD, theo phân tích của Bloomberg Economics.

Sản xuất

Cách đây 4 thập kỷ, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là những nền kinh tế chủ yếu dựa vào trồng trọt. Nhưng khi thế giới phương Tây muốn chuyển dây chuyền sản xuất ra bên ngoài, mọi thứ từ đồ chơi cho tới công cụ và TV, Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội mà Ấn Độ đã bỏ lỡ.

Ngày nay, sản xuất chiếm tới hơn 1/4 nền kinh tế Trung Quốc, trong khi con số này ở Ấn Độ chỉ là 14%.

Cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo cho chính phủ của Thủ tướng Modi một cơ hội mới để thúc đẩy tỷ trọng của sản xuất đối với GDP. Và Ấn Độ đã đạt được một số bước tiến. 3 nhà cung ứng quan trọng của Apple Inc. đã được chính phủ Ấn Độ khuyến khích tăng cường sản xuất smartphone ở nước này và xuất khẩu. Apple giờ sản xuất gần 7% số lượng iPhone của họ ở Ấn Độ, theo Bloomberg, từ mức chỉ 1% trong năm 2021.

Tỷ trọng của sản xuất đối với GDP của Ấn Độ vẫn thấp so với Trung Quốc (Ảnh: WB)

Tỷ trọng của sản xuất đối với GDP của Ấn Độ vẫn thấp so với Trung Quốc (Ảnh: WB)

Tuy nhiên, việc tăng cường chuỗi giá trị là điều không dễ dàng. Các bộ luật lao động ở Ấn Độ vẫn hà khắc, và nếu so sánh với các nước như Bangladesh hay Việt Nam, Ấn Độ dường như chưa đủ hấp dẫn trong việc tạo ra những khu công nghiệp hiệu quả cao mà các hãng sản xuất toàn cầu nhắm tới.

Lưu ý rằng, những bước tiến trong đô thị hoá, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển con người và sản xuất là điều mà Ấn Độ cần duy trì trong nhiều thập kỷ, chứ không chỉ trong vài năm, nếu họ muốn trở thành 'công xưởng của thế giới'./.

Theo Bloomberg