Ấn Độ công bố gói khuyến khích đầu tư trị giá 2 tỉ USD nhằm thu hút các nhà sản xuất điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ấn Độ đưa ra chương trình hỗ trợ sản xuất trị giá 2 tỉ USD nhằm thu hút các công ty sản xuất điện tử toàn cầu đầu tư vào quốc gia này trong xu hướng doanh nghiệp mở rộng nguồn cung cấp ngoài Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp giám đốc điều hành Apple Tim Cook ngày 19/4. Ảnh Tech Wire Asia
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp giám đốc điều hành Apple Tim Cook ngày 19/4. Ảnh Tech Wire Asia

Từ 2021, theo kế hoạch khuyến khích liên doanh liên kết sản xuất (PLI), Ấn Độ đã triển khai kế hoạch hỗ trợ đầu tư trị giá 73,5 tỉ rupee (1,02 tỉ USD) nhằm thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng điện tử nội địa như máy tính xách tay, máy tính bảng, máy tính cá nhân và máy chủ. Nhưng chương trình không thu hút được nhiều công ty nước ngoài vào đầu tư vì những ưu đãi tài chính và chính sách được đánh giá là chưa đủ.

Mặc dù vậy, với khoản hỗ trợ này, năm 2022 ​​kim ngạch xuất khẩu điện thoại thông minh của Ấn Độ tăng gấp đôi, đạt hơn 11 tỉ USD, trong đó Apple đóng góp gần một nửa, theo báo cáo của Trung tâm Phân tích Kinh tế Quốc tế (ICEA) và các nguồn tin trong ngành điện tử dân dụng. Kết quả này đã củng cố niềm tin của chính phủ Ấn Độ về sự phát triển trong tương lai. Quốc gia Nam Á đang trên đường trở thành nước dẫn đầu toàn cầu trong phân khúc thiết bị điện tử dân dụng di động.

Thủ tướng Narendra Modi muốn tận dụng thành công ban đầu trong hoạt động lắp ráp iPhone của Apple, trong đó sản xuất tại Ấn Độ chiếm khoảng 7% tổng lượng iPhone trên toàn cầu. Từ kết quả này, ông Modi muốn chuyển đổi đất nước thành một trung tâm sản xuất thiết bị điện tử dân dụng toàn cầu.

Để Ấn Độ tiếp tục duy trì và thúc đẩy đà tăng trưởng, chính phủ của thủ tướng Narendra Modi quyết định, chính sách cung cấp nhiều ưu đãi hơn sẽ là phương thức hiệu quả nhất thu hút các nhà sản xuất thiết bị điện tử. Do đó, New Delhi đã công bố kế hoạch khuyến khích tài chính trị giá 170 tỉ rupee (2,1 tỉ USD) để kêu gọi các nhà sản xuất máy tính xách tay, máy tính bảng và doanh nghiệp sản xuất phần cứng khác đến quốc gia Nam Á này.

Đây là thời điểm không thể tốt hơn vì New Delhi muốn tận dụng bối cảnh căng thẳng trong cuộc chiến thương mại công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Tình trạng này đang khiến các công ty đa quốc gia phải xem xét thêm nhiều lựa chọn, đa dạng hóa nguồn cung để đảm bảo không gián đoạn sản xuất.

Ngày 18/5, Bộ trưởng Công nghệ Ấn Độ Ashwini Vaishnaw, trong một cuộc họp báo, phát biểu: “Ấn Độ đã vượt qua một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực điện thoại di động với kim ngạch xuất khẩu 11 tỉ USD trong năm 2022. Chúng tôi muốn lấy kết quả này làm đà để tiến về phía trước".

Gói ưu đãi này cũng nhằm kêu gọi đầu tư từ phía Apple do công ty công nghệ khổng lồ này mới chỉ bắt đầu sản xuất iPhone nhưng vẫn chưa bắt đầu sản xuất iPad hoặc máy tính xách tay MacBook tại Ấn Độ. Những ưu đãi mới và chiến lược đầu tư của CEO Tim Cook có thể thúc đẩy công ty công nghệ Mỹ cân nhắc tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Theo Bloomberg, các nhà sản xuất khác có thể được thu hút bởi ưu đãi mới của New Delhi như Dell Technologies, HP và Asustek Computer.

Kế hoạch này cũng sẽ là một phần trong chiến lược đầy tham vọng của Ấn Độ trở thành cường quốc trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu, nhắm mục tiêu đến năm 2026, sản lượng điện tử dân dụng hàng năm đạt trị giá 300 tỉ USD.

Các nhà sản xuất điện tử được hưởng ưu đãi như thế nào?

Những bản tin địa phương cho biết, kế hoạch thu hút các nhà sản xuất điện từ đề xuất hoàn tiền 5% cho các công ty trên giá bán thành phẩm xuất xưởng tại cổng nhà máy. Những nguồn cung ứng linh kiện tại địa phương sẽ giúp các nhà sản xuất giành được nhiều lợi ích tài chính hơn. Kế hoạch mới nhất cũng được thiết lập trong 6 năm, Ấn Độ này sẽ hoàn lại vốn đầu tư cho các nhà sản xuất khi bán hàng hóa sản xuất trong nước vượt quá mục tiêu đặt ra theo dự án đầu tư hàng năm.

Chính phủ cho biết, theo kế hoạch này, các công ty điện tử dự kiến ​​sẽ sản xuất các loại hàng hóa CNTT có trị giá gần 41 tỉ USD, tạo ra hơn 75.000 việc làm. MAIT, Hiệp hội công nghiệp thiết bị điện tử, đại diện cho các nhà sản xuất như Apple, Dell và Samsung, hoan nghênh động thái này và cho biết, tổ chức sẽ giúp đáp ứng nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm CNTT và đẩy mạnh xuất khẩu.

Ali Akhtar Jafri, tổng giám đốc MAIT, trong cuộc phỏng vấn với Reuters tuyên bố: "Chúng tôi tin rằng kế hoạch khuyến khích tài chính sẽ thúc đẩy lĩnh vực sản xuất phần cứng CNTT đạt được mức độ thành công tương tự như Ấn Độ đã đạt được với sản xuất điện thoại thông minh Apple".

Theo Tech Wire Asia