Ấn Độ chi 7,8 tỷ Euro mua máy bay chiến đấu Rafale để chở vũ khí hạt nhân

VietTimes -- Ấn Độ quyết định mua sắm máy bay chiến đấu Rafale Pháp là do loại máy bay này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công đối phương, hai bên chuẩn bị ký kết thỏa thuận 36 máy bay Rafale.
Chiến cơ Rafael.
Chiến cơ Rafael.

Indian Express Ấn Độ ngày 18/9 đăng bài viết "Đằng sau thỏa thuận máy bay chiến đấu Rafale: Đóng vai trò chiến lược trên phương diện mang theo vũ khí hạt nhân" của tác giả Sushant Singh.

Bài viết cho rằng Ấn Độ và Pháp sẽ tuyên bố thỏa thuận liên chính phủ về mua bán máy bay chiến đấu Rafale trong vài ngày tới, nhân tố mang tính quyết định làm cho New Delhi quyết định mua 36 máy bay chiến đấu Rafale trở nên ngày càng rõ ràng.

Thỏa thuận bị trì hoãn rất lâu này cuối cùng hoàn thành là do Ấn Độ đã phát hiện ra vai trò mang "tính chiến lược" của máy bay chiến đấu Pháp: chở vũ khí hạt nhân.

Tiêu chuẩn của Không quân Ấn Độ là phải có 42 phi đội máy bay chiến đấu, nhưng hiện chỉ có 32 phi đội. Trong đó rất nhiều máy bay chiến đấu nhất là máy bay chiến đấu MiG sẽ hết thời hạn sử dụng trong 10 năm tới.

Máy bay chiến đấu Rafale Pháp lắp tên lửa hành trình hạt nhân ASMP-A. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu Rafale Pháp lắp tên lửa hành trình hạt nhân ASMP-A. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc.

Điều này đã làm xuất hiện lỗ hổng rất lớn về máy bay chiến đấu. Lỗ hổng này hoặc được lấp đầy bằng máy bay chiến đấu Tejas tự chế tạo, hoặc phải mua sắm máy bay chiến đấu của nước khác, chẳng hạn máy bay chiến đấu Gripen của Thuỵ Điển hoặc máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ - hai loại máy bay chiến đấu này đều có thể được sản xuất tại Ấn Độ.

Mặc dù thỏa thuận liên chính phủ mới ký kết còn có điều khoản bổ sung, cho biết sẽ tiếp tục mua sắm 18 máy bay chiến đấu Rafale, nhưng tổng số lượng mua sắm vẫn thấp xa so với 126 chiếc theo kế hoạch của Chính phủ Ấn Độ khóa trước.

Có quan chức giấu tên tiết lộ, mặc dù số lượng rất nhỏ, nhưng nhân tố mang tính quyết định để Ấn Độ mua sắm máy bay chiến đấu Rafale là nó "có thể dùng làm hệ thống vận tải chiến lược đường không". Nói cách khác, máy bay chiến đấu Rafale sẽ được dùng để chở vũ khí hạt nhân trong chiến đấu.

Biên đội hỗn hợp máy bay chiến đấu Rafale EM và F-16 của Không quân Ai Cập trong Lễ duyệt binh của Ai Cập ngày 20/7/2015. Ảnh: Tin tức Tham khảo.
Biên đội hỗn hợp máy bay chiến đấu Rafale EM và F-16 của Không quân Ai Cập trong Lễ duyệt binh của Ai Cập ngày 20/7/2015. Ảnh: Tin tức Tham khảo.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết: "Năm nay, Không quân Pháp đã lựa chọn máy bay chiến đấu Rafale do nó có khả năng tấn công hạt nhân, đã từ bỏ máy bay chiến đấu Mirage.

Họ đã bắt đầu tiến trình này, cho dù hệ thống chở vũ khí hạt nhân của chúng tôi khác với họ, nhưng sự lựa chọn của Không quân Pháp cho chúng tôi biết máy bay chiến đấu Rafale hoàn toàn có thể thực hiện nhiệm vụ tấn công hạt nhân".

Một quan chức khác cho biết: "Máy bay chiến đấu Mirage-2000 Pháp xuất khẩu cho Ấn Độ đã tiến hành điều chỉnh hệ thống chở vũ khí chiến lược của chúng tôi.

Pháp luôn duy trì bảo trì, cung cấp linh kiện và hỗ trợ kỹ thuật đối với những máy bay chiến đấu Mirage này, trong khi đó, các nước khác có thể không làm được như vậy.

Chúng tôi hy vọng có thể nhận được sự phối hợp ở mức độ tương tự của Pháp trong việc sử dụng máy bay chiến đấu Rafale".

Hiện nay, khả năng tấn công hạt nhân của Không quân Ấn Độ do máy bay chiến đấu Mirage-2000 thực hiện, nhưng những máy bay chiến đấu Mirage được nâng cấp này sẽ bắt đầu lần lượt bị đào thải từ năm 2030.

Máy bay chiến đấu Rafale của Không quân Ai Cập. Ảnh: Tin tức Tham khảo.
Máy bay chiến đấu Rafale của Không quân Ai Cập. Ảnh: Tin tức Tham khảo.

Các quan chức cho biết cần tiến hành thay thế chúng. Trong khi đó, Ấn Độ và Pháp vui vẻ hợp tác trên phương diện này, vì vậy lựa chọn máy bay chiến đấu Rafale là hợp tình hợp lý.

Đồng thời, có nguồn tin xác nhận, Ấn Độ đã mời Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đến thăm New Delhi trong tuần này. Mặc dù tính đến thứ Sáu vừa qua Pháp vẫn chưa xác nhận chính thức, nhưng trong tuần này hai bên sẽ tuyên bố ký kết thỏa thuận liên chính phủ về mua sắm 36 máy bay chiến đấu Rafale.

Sau khi được Ủy ban An ninh Nội các phê chuẩn, nếu tất cả được tiến hành theo kế hoạch, thỏa thuận sẽ được ký kết trong vòng 45 ngày. Khi ký kết thỏa thuận, Ấn Độ sẽ chuyển giao trước 10 - 15% tổng trị giá thỏa thuận cho Chính phủ Pháp.

Khi thăm Paris vào tháng 4/2015, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố sẽ căn cứ vào thỏa thuận liên chính phủ với Pháp để mua 36 máy bay chiến đấu Rafale.

Ấn Độ và Pháp đã tiến hành một loạt tham vấn về giá cả của 36 máy bay chiến đấu này, vài tuần trước hai bên đồng ý giá cả cuối cùng khoảng 7,87 tỷ Euro. Mặc dù tất cả máy bay chiến đấu đều sẽ sản xuất ở Pháp, nhưng để bồi thường, nửa số giá trị thỏa thuận sẽ đầu tư ở Ấn Độ. Thời gian bàn giao chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên là năm 2019.

Máy bay chiến đấu Rafale Pháp. Ảnh: Sina
Máy bay chiến đấu Rafale Pháp. Ảnh: Sina